Tôi mất gần 2 năm để quên đi mối tình đầu, đó là lúc yêu người kế tiếp. Chắc nhiều người nghĩ, tôi phải yêu sâu nặng lắm. Không hẳn. Chúng tôi yêu nhau không dài, phần lớn thời gian đó là xa cách. Khi tôi đi làm, anh đi du lịch. Tôi về quê, anh lo thủ tục du học. Và tôi ở lại Việt Nam, anh ở nước khác. Cuộc chia tay êm đẹp, mọi thứ cứ tự nhạt dần.
Nhưng sau khi chia tay, tôi thường xuyên nhớ về những kỉ niệm cũ vô cùng ít ỏi. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu. Tôi không phải là nhớ anh ấy, tôi nhớ cảm giác ấm áp của một người vượt hàng chục km đón tôi về. Nhất là những tháng năm mới ra đời đi làm, cô đơn cùng cực, tôi xem đó là phao cứu sinh để an ủi tâm hồn mình. Tôi không nhớ nổi khuôn mặt anh ấy. Hóa ra mình thật ích kỉ.
Chúng ta thường nhầm lẫn giữa yêu, rung động và sự phụ thuộc cảm xúc. Nhìn một cô gái xinh xắn, một anh zai cao ráo, muốn người ta là của mình đó là rung động. Muốn được gần gũi, được chăm sóc, yêu thương, nâng niu cưng chiều, có ai tâm sự, có ai vỗ về đó là sự phụ thuộc cảm xúc. Câu chuyện tình yêu là câu chuyện dài hơn thế. Nếu rung động không vượt qua được thử thách, nó sẽ dần biến mất và kết quả là lạnh nhạt, chia xa. Nếu phụ thuộc cảm xúc mà không được đáp ứng, sinh ra hờn giận, oán trách, gây gổ và làm tổn thương nhau. Còn khi yêu, người ta mong đối phương hạnh phúc, người ta yêu nhau dù họ là ai, không cần phải trở thành ai khác.
Cũng bởi vậy, lúc chia tay người ta thường thấy vô cùng khó khăn. Kể cả tình cảm đã phai nhạt đi phần lớn. Bởi có một nỗi sợ ngay trước mặt, đó là từ bỏ những thói quen. Những thói quen vừa làm chúng ta chán nhau, nhưng lại khó dứt bỏ được. Vì đôi khi nó ăn sâu thành một phần của cuộc sống.
Người ta không bỏ được sự phụ thuộc cảm xúc, người ta sợ không có ai yêu thương, quan tâm nữa. Dù là cãi vã thường xuyên, ừ thì nhắm mắt vẫn coi như là có “người yêu”, lúc bận rộn, đau ốm còn có mà cậy nhờ. Dù là đánh cho bầm dập mắt mũi, nhà vẫn còn có “chồng” có “vợ”, con vẫn xem như có “mẹ”, có “cha”.
Người ta cứ nghĩ về thứ họ đã mất, mà quên mất những thứ mình đang và sẽ mất. Cái mất của quá khứ, đổi “ba bò chín trâu” cũng không gỡ gạc lại được. Cái mất của hiện tại và tương lai, giống như cắt đi khúc ruột thừa. Đau đấy, nằm bẹp vài hôm đấy, rồi ngày mai lại sáng tươi, lại có thể tiếp tục những niềm vui mới.