Chung cư Hà Nội đốt vàng mã đỏ lửa ngày tiễn ông Công ông Táo về trời
Sáng ngày 22/1 (tức 23 tháng Chạp), mỗi gia đình lại chuẩn bị lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.
Các vật dụng gia chủ chuẩn bị cho ông Táo về trời như tiền vàng mã, mũ, áo, hia, cá chép giấy… được bày bán trên các con phố. Theo các chủ cửa hàng, do giá nguyên vật liệu nhập vào đắt đỏ nên giá các mặt hàng này năm nay sẽ tăng thêm từ 10 -20% so với năm ngoái. Mặt hàng được ưa chuộng nhất vẫn là bộ áo mũ ông Công ông Táo có giá từ 70.000 – 150.000 đồng/ bộ, thậm chí có nơi bán 200.000-250.000 đồng. Càng đến sát Tết Nguyên đán, sức mua càng tăng cao.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt vào sáng cùng ngày, tại các khu chung cư, lò đốt vàng mã luôn cháy ngùn ngụt. Theo người dân, các lò này luôn trong tình trạng “quá tải” cả ngày lẫn đêm suốt 2,3 ngày qua.
Tại chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), các lò đốt vàng mã tại 12 toà nhà luôn hoạt động hết công suất, khói lửa bốc ra nghi ngút. Sáng nay, có lúc người dân phải xếp hàng chờ đến lượt.
Chị Thu Trang (35 tuổi, ở chung cư HH1A Linh Đàm) chia sẻ, do đây là tập tục từ xa xưa truyền lại qua nhiều thế hệ nên gia đình chị vẫn duy trì việc đốt vàng mã, đặc biệt dịp ông Công ông Táo.
“Các gia đình khác họ cũng mua bộ quần áo mũ đốt tiễn ông Công ông Táo về trời. Chính vì vậy nhà tôi cũng theo thôi. Đây là phong tục từ xa xưa, việc đốt vàng mã này cũng chỉ hy vọng năm cũ sắp qua năm mới cận kề gia đình làm ăn thuận lợi, may mắn”, chị Trang cho hay.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, trung bình mỗi năm người Việt đã đốt hàng nghìn tấn vàng mã.
Đốt vàng mã: Đừng để tiền tỉ “hạ giới” hoá tro tàn!
Trao đổi với PV Dân Việt, Thượng toạ Thích Thanh Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt. Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”, nhưng chỉ là hình thức tượng trưng. Sử dụng những đồ dâng cúng mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật.
“Việc đốt vàng mã đã đi sâu vào trong tiềm thức mọi nhà. Ở nhà chùa lâu nay luôn vận động người dân không đốt vàng mã. Việc này ở chùa cũng đã giảm thiểu được, tuy nhiên tại các gia đình, các nơi vẫn đốt, đừng để tiền tỉ hạ giới hoá tro tàn”, Thượng toạ Thích Thanh Huân nhấn mạnh.
Thượng toạ Thích Thanh Huân cho rằng, việc tuyên truyền người dân hạn chế hoặc xoá bỏ việc đốt vàng mã là trách nhiệm của xã hội. Đó là tập tục, niềm tin không trong sáng và không chính đáng sẽ không soi sáng sự hiểu biết, trí tuệ… Đó là mê tín.
Đồng quan điểm trên, TS.Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, nhiều gia đình có tập tục đốt rất nhiều vàng mã với quan niệm “cõi âm” cũng như “người trần”, cần quần áo, xe cộ, nhà cửa mới…. Thậm chí có những gia đình đốt hàng chục triệu tiền vàng mã vào dịp này để “tri ân tưởng nhớ” người “cõi âm”.
TS Vũ Thế Khanh cho biết, hàng năm, người Việt tốn hàng hàng nghìn tỷ đồng để dùng vào việc đốt đồ mã. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan, đó là tín ngưỡng dân gian do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa từ xa xưa, hoàn toàn không phải là tín ngưỡng của đạo Phật.
Về mặt tâm linh, việc đốt vàng mã chỉ là giả, biết là giả mà vẫn đi biếu người khác thì lòng mình cũng không thanh tịnh. Về mặt khoa học, không thể nào có chuyện phương tiện (quần, áo, tiền…) của thế giới hữu hình của chúng ta lại được lưu hành và chấp nhận ở một thế giới khác, thế giới tâm linh.
Theo chuyên gia, tục đốt vàng mã đã tiêm nhiễm lâu đời, lan truyền rộng rãi, bài trừ là điều không dễ dàng, nhanh chóng. “Tôi nghĩ chính quyền và các tôn giáo cần kết hợp mật thiết với nhau để hướng dẫn, vận động quần chúng bài trừ hủ tục”, ông Khanh nhấn mạnh.
Tiếp lời, Thượng toạ Thích Thanh Huân cho hay: “Nếu hoá vàng mã chỉ là tượng trưng thôi. Tôi cho rằng để làm được điều này cần phổ cập tới mọi người ngay từ trường tiểu học trở lên. Các cơ quan văn hoá thời nào cũng phải xây dựng nếp sống văn hoá trong đời sống xã hội người dân. Từ ứng xử cộng đồng phải có quy chuẩn văn hoá, giáo dục của mình lấy đạo đức, ý thức để tu dưỡng ngay các cấp tiểu học”.
Ông Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam cho hay, việc đốt vàng mã cũng có những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, nó tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc; Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan; Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã; Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Theo ông Sơn, đây là một tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên các cơ quan quản lý của ngành văn hóa đều ý thức rằng việc cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã là không khả thi. Chính vì vậy, ngoài biện pháp vận động nhân dân hạn chế sử dụng vàng mã, những nỗ lực của ngành là hướng vào việc hạn chế đốt vàng mã cũng như qui định việc đốt vàng mã ở đúng nơi, đúng chỗ.
“Tôi cho rằng với sự vào cuộc quyết liệt của xã hội, việc làm gương của các cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức và tất cả người dân, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh, để các ngày lễ, Tết thực sự là ngày lễ của những tấm lòng thành đối với tổ tiên, không vướng vụi trần”, ông Sơn chia sẻ thêm.