Uy Nam vương Trịnh Giang (1711 – 1762), là vị chúa thứ 6 trong các chúa Trịnh thời Lê Trung Hưng. Đây là vị chúa làm nhiều việc mất lòng người như giết vua, lại sa vào con đường ăn chơi xa xỉ, tin dùng hoạn quan, gian nịnh khiến chính sự ngày càng đổ nát, cơ đồ của họ Trịnh rơi vào con đường suy vong. Đến nửa cuối giai đoạn trị vì của ông, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra, thành một làn sóng mạnh mẽ khắp Đàng Ngoài càng làm lung lay sự thống trị của họ Trịnh.
Sau khi được lên nối ngôi Chúa của cha là Trịnh Cương năm 1729, Chúa Trịnh Giang vì lao vào ǎn chơi, ham mê tửu sắc nên sức khỏe ngày càng kém sút. Ông quan hệ cả với cung nữ của cha là Kỳ Viên họ Đặng, điều cấm kỵ thời phong kiến. Sau mẹ chúa là Vũ Thái phi biết chuyện, bắt ép Đặng thị phải tự tử.
Một hôm bất ngờ Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Từ đó ông mắc bệnh “kinh quý”, tâm thần bất định, hoảng hốt và hay sợ hãi. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ mới bịa đặt lừa phỉnh Chúa rằng: “Đấy là vì dâm dục mà bị ác báo. Muốn không bị hại chỉ có cách là trốn xuống đất”. Nhân đó các hoạn quan hạ lệnh đào đất, làm hầm cho chúa, gọi là cung Thưởng Trì. Từ đó Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm, không hề ra ngoài. Do đó Hoàng Công Phụ càng có điều kiện để lộng quyền.
Khi đó vua nhà Lê đã chỉ còn hư vị, phủ Chúa lại không có người cai quản, khiến chính sự đổ nát, thuế khóa nặng nề, nhân dân vô cùng khổ cực.
Sách Đại Việt Sử ký Tục biên kể lại tình cảnh đất nước lúc đó như sau: “Dân đói dắt nhau đi xin ăn đầy đường. Giá gạo tăng vọt, một trăm quan tiền không đổi lấy bữa no. Dân phần nhiều ăn khoai, đến nỗi có cả người ăn thịt rắn, thịt chuột cho qua ngày. Bệnh tật cả phát, xác chết chồng lên nhau, xương trắng đầy đồng. Số người sống sót không đến một phần mười, khói bếp tiêu điều lạnh lẽo; những nơi sầm uất hóa ra gò đống.”
Trước tình hình đó, vào đầu năm 1740, bà Vũ Thái phi đề nghị em của Trịnh Giang là Trịnh Doanh lên thay ngôi Chúa. Nhưng Trịnh Doanh từ chối.
Bọn hoạn quan ở cung Thưởng Trì được tin, vội tập hợp lực lượng và tôn Trịnh Giang làm chúa như cũ, nhưng bị hương binh của Quý Cảnh đánh bại, giết sạch. Trăm quan cùng đem nhau đến lạy mừng. Trịnh Doanh tự tiến phong làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Minh Đô vương, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương nhưng chỉ còn hư danh. Kể từ đó đến khi chết, Trịnh Giang bị giam lỏng luôn ở cung Thưởng Trì do chính mình dựng nên.
Trịnh Giang ở ngôi được 11 nǎm rồi lánh ở cung Thưởng Trì thêm 20 nǎm nữa mới mất, thọ 51 tuổi, được tôn là Dụ Tổ Thuận Vương. Về sau, năm 1786, khi Nguyễnb Huệ ra Bắc, cháu nội Trịnh Doanh là Trịnh Tông đã bị quân Tây Sơn tiêu diệt, con Trịnh Giang là Trịnh Bồng được lập lên ngôi chúa trong vài tháng, tức là Án Đô Vương, chúa Trịnh cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Nguồn: Kiến thức