Tiền lương cho giảng viên trường nghề tăng đáng kể trước cải cách tiền lương
Một trong những chính sách mới về công chức, viên chức áp dụng tháng 10 là quy định về tiêu chuẩn tiền lương, xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp vừa được Bộ LĐTBXH ban hành tại Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH.
Theo đó, thông tư quy định giảng viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm 4 chức danh là giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp, chính, lý thuyết, thực hành.
Giáo viên GDNN gồm 5 chức danh là giáo viên dạy nghề cao cấp, chính, lý thuyết, thực hành và giáo viên GDNN. Trong đó, giảng viên được hiểu là dạy từ trình độ cao đẳng trở lên, còn giáo viên dạy trình độ trung cấp, sơ cấp.
Với các chức danh khác nhau, việc xếp lương cũng khác nhau. Cụ thể, giảng viên GDNN cao cấp, có hệ số lương 6,2-8,0 tương đương với mức lương từ hơn 11 triệu đồng tới hơn 14 triệu đồng.
Giảng viên GDNN chính hoặc giáo viên GDNN chính hưởng hệ số lương 4,4-6,78 tương đương mức lương hằng tháng từ hơn 7 triệu đồng tới hơn 12 triệu đồng.
Giảng viên hoặc giáo viên GDNN lý thuyết hưởng hệ số lương 2,34-4,98 tương đương mức lương hằng tháng từ hơn 4 triệu đồng tới gần 9 triệu đồng.
Giảng viên hoặc giáo viên GDNN thực hành hưởng hệ số lương 2,1-4,89 tương đương mức lương hằng tháng là 3,7 đến 8,8 triệu đồng.
Cả nước hiện có 1.900 cơ sở GDNN, với gần 84.000 giảng viên, giáo viên dạy nghề ( trong đó gồm: 37.235 giảng viên cao đẳng, 13.295 giáo viên trung cấp và 33.429 nhà giáo GDNN tại các trung tâm GDNN và các cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN).
Tổng cục GDNN
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp hưởng hệ số lương 5,75-7,55 tương đương mức lương hàng tháng hơn 10 triệu đến hơn 13 triệu đồng.
Giáo viên giáo dục nghề nghiệp hưởng hệ số lương 1,86-4,06 tương đương mức lương hàng tháng là hơn 3,3 triệu đồng đến hơn 7,3 triệu đồng.
Giảng viên, giáo viên dạy GDNN “thiệt thòi” về tiền lương, phụ cấp ưu đãi
Chia sẻ riêng với PV Báo Dân Việt, ông Trần Minh Thịnh – Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết việc tăng lương cho công chức, viên chức là giáo viên trong các cơ sở GDNN là phù hợp.
Viên chức là giáo viên của cơ sở GDNN được xếp lương theo quy định tại Thông tư 07 như trên được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204 ban hành 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Dù mức lương của công chức, viên chức làm ngành GDNN có tăng nhưng theo ông Thịnh thì tiền lương của những giáo viên làm mảng GDNN vẫn thiệt hơn so với tiền lương giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Ông Thịnh lấy ví dụ, nhà giáo là giảng viên trong cơ sở GDNN thuộc Bộ GDĐT quản lý trước đây chỉ được nhận phụ cấp ưu đãi 25% trong khi đó giáo viên dạy giáo dục phổ thông được nhận phụ cấp ưu đãi 30%. Do đó, thu nhập của giảng viên dạy trình độ cao đẳng thấp hơn giáo viên dạy giáo dục phổ thông nếu cùng bậc, hệ số lương.
Tương tự, các thầy cô giảng dạy ở các cơ sở GDNN thuộc vùng sâu vùng xa cũng chỉ được phụ cấp là 30%, nhưng các trường THPT cùng khu vực lại được hưởng phụ cấp 35%.
Điều này càng bất cập khi nhiều cơ sở GDNN thuộc Bộ GDĐT sáp nhập về Bộ LĐTBXH, sáp nhập các cơ sở GDNN với nhau. Nhà giáo thuộc các trường do Bộ GDĐT quản lý trước đây chỉ được nhận mức phụ cấp 25%, trong khi nhà giáo thuộc các trường nghề được nhận mức phụ cấp 30%. Sau khi sáp nhập thì nhà giáo trong cùng 01 khoa, tổ bộ môn, cùng giảng dạy 01 trình độ, 01 đối tượng học sinh, sinh viên nhưng lại hưởng 02 mức phụ cấp khác nhau, tạo ra sự khác biệt, bất bình đẳng.
“Hiện nay tiền lương, các khoản phụ cấp, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo còn nhiều bất cập, có sự phân biệt giữa giáo viên dạy trong hệ thống giáo dục phổ thông và giáo viên dạy ở các cơ sở GDNN. Chúng tôi đang kiến nghị bổ sung và sửa đổi nhiều điểm có liên quan đến tiền lương, các chế độ và ưu đãi… có liên quan cho giáo viên GDNN khi xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo”, ông Thịnh nói thêm.