Chó là bạn, hay thức ăn?…

Tui hay lướt Tiktok của một chị ở miền Tây (thì phải?), chị có bé cún tên Củ Tỏi, hay nghịch đất, nhìn cưng lắm. Ngày nào nó đi chơi về cũng bị chị ấy chửi lên chửi xuống. Nhìn vừa tội vừa buồn cười. Chị chủ hay chửi vậy chứ thật ra chị coi Củ Tỏi như thành viên trong gia đình. Nó còn hay giúp chị trông em.

Nay tui lướt qua tiktok chị ấy, không thấy Củ Tỏi đâu nữa. Chỉ thấy tiếng khóc thút tha thút thít, nhờ mọi người cùng share tìm lại bé, vì nó bị người ta bắt đi mất tiêu rồi.

Lại là trộm chó!Việt Nam từng thuộc top 2 ăn thịt chó nhiều nhất tại Châu Á, chỉ sau Trung Quốc (Số liệu cuối 2021). Thật vậy. Đi ra đường thấy đầy mấy cái xe nướng, quay thịt móc học nguyên con chó, treo trên lò than, ông chủ quán quay lấy quay để cho kịp phục vụ mấy vị khách bợm nhậu, anh nào anh nấy vừa ăn vừa quát tháo, cái bụng bia lòi ra dưới lớp áo lấm tấm mồ hôi, dính cả bùn cả đất. Tiếng hô “1,2,3 ZÔ!” liên hoàn vang lên. Khung cảnh ấy mà nhộn nhịp.

Nước mình không có trang trại riêng để nuôi chó, vì chó không được tính là thực phẩm, không phải loại nuôi đại trà trong mấy nông trại. Vậy chó ở đâu ra để làm thịt?

Thì là ăn cắp, ăn trộm, đánh bả, giết trộm chứ còn gì! Hỡi ôi, Bé Củ Tỏi có thể là nạn nhân của vấn nạn này.

Ở Phương Tây, người ta quy định đâu là thú nuôi, đâu là thú hoang dã, gia cầm, họ coi chó mèo như bạn bè, nên không bao giờ ăn thịt hay làm hại chúng cả. Chỉ có một số nước ở Châu Á mình là vẫn còn giữ lại thói ăn thịt vật nuôi.

Ngày trước, tui cũng ăn thịt chó ấy chứ, vì hồi bé chưa biết gì mấy, thấy gì ngon thì ăn. Có hôm, thèm quá mà hết thịt chó, đành phải mua “giả cầy” cho đỡ “nhớ”. Lớn lên, ra ngoài xã hội, đi đây đi đó, biết cái gì nên làm, nên bỏ, rồi lại thấy loài chó, mèo có ích cho con người quá, nên không ăn nữa. Mà có muốn ăn cũng không được, vì nhìn thấy thịt chó là tự nhiên ớn ớn cổ họng.

Nhà tui lâu lắm rồi cũng không còn thói quen ăn thịt chó, vì ăn là tui sẽ nói ngay, khi nào mọi người nghe mệt mới dừng.

Đã có quá nhiều tác giả, nhà văn, nhà báo viết về chủ đề nên hay không nên ăn thịt chó. Chung quy lại những gì tui đọc được, Việt Nam chưa có luật cấm ăn thịt chó. Vì thế, không ai có quyền cấm người khác ăn! Thậm chí, việc ăn thịt chó nó đã ngấm sâu vào tiềm thức của một bộ phận người Việt ở tầng lớp cũ, mà theo những người này, “ăn thịt chó như một văn hóa. Không ăn thì mất một nét văn hóa”. Trước đây, còn có sách dạy cách nuôi chó làm thịt, giúp nông dân làm giàu nữa (cứ search Google thử là ra).Tui không dám dùng từ “kém văn minh”. Nhưng cái tui muốn nói ở đây là một lối suy nghĩ cũ và một góc nhìn cũ.

Thật ra, con gì cũng ăn được. Kể cả có cấm mà vẫn có cầu thì sẽ có cung, sẽ có người vì đồng tiền mà lách luật. Nhưng mình phải có chuẩn mực sống của mình. Sống cho có nghĩa có tình. Ví dụ như, không ăn thịt thú nuôi vì chúng rất trung thành và giúp ta bớt cô đơn, không ăn thịt động vật hoang dã để đảm bảo cân bằng sinh học, bảo tồn hoang dã.

Đấy. Cái gì thấy bỏ được thì nên bỏ. Không nên vì cái miệng mà phá bỏ mọi quy luật. Vậy là dại lắm!

Mình ăn thịt chó tức là mình đang gián tiếp sát sinh. Vì người Việt nào họ nuôi chó mèo cũng có tình thương với chúng nó, nên bọn trộm chó muốn bắt đi thì phải dùng bả chó, rồi đánh thuốc. Đem đến lò cho người ta mổ. Mổ xong ai ăn? Đồng ý rằng, không phải con chó nào vào nồi cũng là đi bắt trộm, đó chỉ là số ít thôi. Nhưng ai mà biết con nào bắt trộm, con nào người ta nuôi để bán làm thịt? Người ăn thì cứ ăn thôi.

Cũng đừng hỏi “Thế sao ăn lợn ăn bò không nói là sát sinh đi?”. Vì tui đang phân biệt rõ ràng giữa “vật nuôi, thú cưng” với “động vật được nuôi đại trà trong trang trại”. Còn ai mà vẫn cứ cố cãi thì tui cũng chịu. Vì kiến thức và chuẩn mực sống của họ chỉ đến thế thôi. Tui chẳng thể áp đặt lối suy nghĩ của mình lên người khác. Ai ăn thì vẫn ăn, nhưng tui tin ăn uống vô tội vạ thế cũng có ngày rước họa vào thân. Đi tới đâu, chó nó sủa, nó cắn inh ỏi.

Hơn nữa, cái gì cũ kỹ, không phù hợp, sớm hay muộn cũng sẽ bị xã hội đào thải. Vấn đề chỉ là thời gian thôi. Tui, và cộng đồng người không ủng hộ việc ăn thịt chó, chỉ có thể nêu ra ý kiến, khuyên nhủ nhóm người ăn thịt chó còn lại, chứ không thể (và cũng không có quyền) bắt ép ai sống như mình được. Ai cùng hệ giá trị, tư tưởng họ sẽ tự khắc nhận ra cái nào nên, cái nào không nên.

Vậy đó. Đời còn đầy loai thịt ngon, sao cứ phải là thịt chó?

(Bài viết có tham khảo theo cuốn “Cà phê cùng Tony” và một số bài báo)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *