Thứ năm, ngày 17/04/2025 08:32 GMT+7
“Hình hài” chính quyền cấp xã mới nhất sau sáp nhập như thế nào?
Thùy Anh Thứ năm, ngày 17/04/2025 08:32 GMT+7
Mô hình của chính quyền cấp xã đã bắt đầu được định hình cụ thể, từ quy mô phòng ban cho tới số lượng cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính mới.
UBND xã được thành lập tối đa 4 phòng ban
Mới đây bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã ký công văn gửi các tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố về định hướng một số nhiệm vụ trong sắp xếp đơn vị hành chính.
Ngoài việc quy định số lượng cán bộ, công chức, công văn này xác định cụ thể hình hành, quy mô, phòng ban của chính quyền cấp xã sau sáp nhập.
Cụ thể, chính quyền địa phương cấp xã có HĐND và UBND. HĐND xã thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế – Xã hội.

Bên cạnh đó, UBND xã được thành lập tối đa 4 phòng và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo, gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa – Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công (xác định là tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã).
Trường hợp địa phương tổ chức số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp xã dưới 3 đầu mối thì có thể bố trí tăng 1 Phó Chủ tịch UBND để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, với 1 đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên (không sắp xếp), địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để xem xét quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cho phù hợp hoặc không tổ chức các phòng chuyên môn theo hướng dẫn chung (trừ các Ban của HĐND hiện có), mà phân công công chức chuyên môn trực tiếp đảm nhiệm các vị trí việc làm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã mới.
Trường hợp xã không tổ chức các phòng chuyên môn thuộc UBND, Chính phủ cũng giao UBND tỉnh thẩm quyền quyết định tăng biên chế so với số lượng biên chế cán bộ, công chức cấp xã hiện nay để thực hiện các nhiệm vụ mới chuyển giao từ cấp huyện.
Chính phủ dự kiến số lượng biên chế mỗi xã không quá 40 cán bộ, công chức, trong đó tập trung cho công chức trực tiếp đảm nhiệm các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, công tác chính quyền.
Quy định cụ thể với chức danh lãnh đạo xã
Công văn của Chính phủ cũng quy định cụ thể số lượng chức danh lãnh đạo, lãnh đạo HĐND xã gồm: Chủ tịch (chức danh kiêm nhiệm) và 1 Phó Chủ tịch (chức danh chuyên trách).
Lãnh đạo UBND cấp xã có Chủ tịch (chức danh chuyên trách) và 2 Phó Chủ tịch (1 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND; 1 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công).
Các Ban của HĐND có Trưởng ban (chức danh kiêm nhiệm) và 1 Phó Trưởng ban (chức danh chuyên trách).
Các phòng và tương đương của UBND có Trưởng phòng (chức danh chuyên trách hoặc do Phó Chủ tịch UBND kiêm nhiệm) và 1 cấp phó (chức danh chuyên trách).
Trường hợp cấp xã giữ nguyên (không sắp xếp) và không tổ chức các phòng chuyên môn thì số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã có thể bố trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch để bảo đảm vai trò lãnh đạo, điều hành của chính quyền trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.