Các chiến binh vĩ đại (phần 7)
Câu truyện về những người lưu danh sử sách vì lòng can đảm vượt bậc, đã một mình chống lại nhiều kẻ thù, khiến người đương thời và hậu thế phải kính ngưỡng.
Lê Tần là danh thần của ba đời vua đầu tiên triều nhà Trần. Ông là người có sức mạnh, lại nhiều học thức, rất được vua Trần Thái Tông tin dùng.
Năm 1257, tại trận đồng Bình Lệ, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng ông đã một mình một ngựa xông pha giữa trận địa quân địch như chỗ không người. Theo các nghiên cứu gần đây, ta biết rằng trong trận đó quân Mông Cổ có từ 5000 đến 1 vạn kỵ binh và 2,5 vạn quân Đại Lý hỗ trợ. Kỵ binh Mông Cổ sử dụng chiến thuật hit and run nên rất khó tiếp cận. Có lẽ Lê Tần đã chiến đấu với quân bộ binh Đại Lý.
Khi thế trận dần trở nên bất lợi, ông đã khuyên vua rút chạy thay vì cố đánh dốc túi. Vua Thái Tông lên thuyền, quân Mông Cổ phi ngựa truy kích bắn tên loạn xạ. Lê Tần cầm tấm ván thuyền che đỡ khiến không mũi tên nào vào lọt.
Sau chiến tranh, ông được giao hai nhiệm vụ quan trọng là đi sứ sang nhà Nguyên và làm thầy dạy học cho thái tử. Lúc xông pha trong trận giặc ông uy vũ không thua gì Triệu Vân, Trương Liêu. Công lao hộ giá còn vượt hơn cả Điển Vi, Hứa Chử. Lê Tần là hình mẫu tiêu biểu của người trí dũng trong toàn, có tài cả văn lẫn võ. Để ghi công, ông được vua ban tên Phụ Trần.
Ảnh minh họa: Trận bãi Thiên Mạc. Trần Bình Trọng, người được cho là con trai của Lê Tần đã tử chiến tại đây.