#chienbinh (phần 15)
Các anh hùng ải Khả Lựu
Trận đánh tại cửa ải Khả Lựu năm 1424 là một trận quyết định giữa quân Lam Sơn của vua Lê Lợi và quân Minh do Trần Trí và Sơn Thọ chỉ huy. Sau trận này, quân Minh đã hoàn toàn mất thế chủ động trên chiến trường, còn quân Lam Sơn kiểm soát được gần hết tỉnh Nghệ An, bắt đầu chiêu mộ được lực lượng lớn, và từ đó tỏa đi giải phóng các tỉnh lân cận là Thanh Hóa , Tân Bình, Thuận Hóa rồi tiến ra Bắc, không còn phải đánh du kích trong rừng núi nữa.
Quân Lam Sơn tuy ít binh lính và khan hiếm lương thảo hơn quân Minh nhiều nhưng bù lại quân sĩ tinh thần tốt, nhiều tướng khỏe, lại thông thuộc địa hình. Theo Đại Việt Thông Sử và Lam Sơn Thực Lục, vua Lê Lợi dùng khinh kỵ dụ quân Minh vào nơi hiểm yếu rồi đem tất cả quân sĩ xung phong. Các dũng tướng là Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Đạp, Lê Triện, Lê Bôi, Lê Nhân Chú, Lê Chiến, Lê Tông Kiều và Lê Khôi là những người đi đầu, chỉ huy quân thiết kỵ phá tan hàng ngũ của đối phương, chém đầu giặc nhiều vô kể, khiến quân Minh tan rã, các chỉ huy của giặc phải chạy thoát thân về Nghệ An cố thủ không dám ra nữa.
Sách Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn có chép lại lai lịch của các tướng quan trọng nhất là:
- Đinh Lễ: người anh nghị quả cảm, nhiều mưu lược, giỏi võ nghệ, lúc còn trẻ là cận vệ của vua Lê Lợi. Sau trận Khả Lựu được phong là Tư Không. Sau này ông chiến thắng nhiều trận ở Diễn Châu, vây thành Tây Đô, thắng trận lớn ở Tốt Động, được Ngô Sĩ Liên coi là tướng giỏi nhất thời đó. Khi vây thành Đông Quan, ông dùng 500 quân Thiết Đột mà giải nguy được cho Tây Phù Liệt nhưng vì ham đuổi giặc nên bị sa lầy, bị quân giặc bắt rồi giết hại.
- Lý Triện: có tài năng và dũng lược hơn người. Từng chém được tướng địch Phùng Quý tại trận Sách Khôi. Sau trận Khả Lựu được phong Thiếu Úy. Tiếp đó ông đánh thắng các trận Ninh Kiều, Nhân Mục, cùng Đinh Lễ thắng to ở Tốt Động, được Ngô Sĩ Liên nhận xét là tướng giỏi thứ nhì đương thời. Sau ông bị địch đánh úp ở Từ Liêm mà hy sinh.
- Nguyễn Xí: xuất thân là người buôn muối, có vũ dũng hơn người, theo vua Lê Lợi làm cận vệ. Sau trận Khả Lựu ông được cử làm phó tướng cho Đinh Lễ, cùng tiến ra Bắc. Trong trận Tốt Động, ông được ghi công, chém được thượng thư của giặc là Trần Hiệp. Trong trận giải vây Tây Phù Liệt ông cùng bị bắt với Đinh Lễ nhưng sau đó phá ngục trốn về được làm vua rất vui mừng. Sau ông được phong là Long Hổ Tướng Quân.
- Lê Sát: trí dũng đều hơn người. Trong trận Khả Lựu ông được ghi công bắt được tướng giặc Chu Kiệt, chém được tiên phong Hoàng Thành được phong lên Thiếu Úy. Sau đó ông tham gia vây hãm Tây Đô, vây Đông Quan, phá thành Xương Giang, thắng trận Chi Lăng, trận cánh đồng Xương Giang. Sau khi Đinh Lễ, Lý Triện mất thì ông là tướng quan trọng nhất của vua Lê Lợi, đứng đầu trong các công thần.
- Lê Ngân: Sau trận Khả Lựu ông tham gia đánh Tân Bình, Thuận Hóa, chỉ huy vây hãm và đánh chiếm được thành Nghệ An, bắt được tướng địch Thái Phúc. Ông được phong là Nhập Nội Tư Mã.
- Lê Nhân Chú: xuất thân nghèo khó, làm nghề buôn bán, được thần báo mộng bảo đi giúp chúa Lam Sơn. Ông được giao chỉ huy kỵ binh Thiết Đột, xông pha trong trận Khả Lựu nên danh tiếng lừng lẫy. Sau đó ông làm phó cho Lê Sát đánh trận Chi Lăng, chém được Liễu Thăng và Lương Minh, tham gia trận đồng Xương Giang. Về sau được phong là Nhập Nội Kiểm Hiệu.
- Phạm Vấn: là một chỉ huy quân Thiết Đột, từng tả xung hữu đột tại trận Sách Khôi, chém được tướng giặc Phùng Quý, sau đó lại xung trận giải vây ở Trà Lân. Sau trận Khả Lựu ông cũng được phong Thiếu Úy. Trận đánh ở đồng Xương Giang, ông đem 3000 quân tinh nhuệ trợ chiến đánh tan được quân giặc. Sau này ông được phong là Tả Kim Ngô Vệ Đại Tướng Quân.
- Lê Lý: chỉ huy kỵ binh trong quân Thiết Đột, tham gia trận thắng đầu tiên tại Lạc Thủy, từng đánh mấy chục trận để giữ Lam Sơn, đánh Trà Lân, Khả Lựu. Sau cũng được phong Thiếu Úy. Ông cùng Lê Văn An chỉ huy quân tiếp viện trong trận Mã Yên, chém được Lương Minh, tham gia trận đồng Xương Giang, sau được phong làm Nhập Nội Tư Mã.
- Lê Văn An: chỉ huy kỵ binh trong quân Thiết Đột, nổi tiếng là đã trải qua hơn 100 trận đánh lớn nhỏ. Sau trận Khả Lựu ông giúp Trần Nguyên Hãn đánh Tân Bình, Thuận Hóa, cùng Lê Lý đánh trận Mã Yên và tham gia trận Xương Giang. Ông cũng được phong là Nhập Nội Tư Mã.