#chienbinh (phần 12)
Đặng Dung (1373 – 1414) là con trai danh tướng Đặng Tất, ông là trụ cột chống đỡ cho nhà Hậu Trần trong suốt 5 năm, chống lại sức mạnh của quân Minh. Ông và các tướng Nguyễn Cảnh Dị,, Nguyễn Súy không chỉ giữ thế phòng thủ miền Thanh – Nghệ mà còn nhiều lần đưa quân ra Bắc đánh quấy nhiễu đồn trại của quân Minh.
Năm 1413, sau nhiều thất bại quân sự trước đại tướng Trương Phụ nhà Minh, binh lực của nhà Hậu Trần bị suy yếu trầm trọng. Đặng Dung tập hợp những đội quân còn lại, nhân lúc đêm tối đem voi đột kích vào doanh trại quân Minh tại bến Sái Già, nổi lửa đốt một nửa doanh trại. Trong lúc rối loạn, Đặng Dung nhảy lên thuyền chỉ huy của Trương Phụ mà đánh giết, vệ sĩ của Trương Phụ không cản nỏi. Trương Phụ phải thay áo giả làm người hầu trốn sang thuyền nhỏ mới thoát.
Quân Minh thấy quân Hậu Trần ít nên đánh kẹp lại. Đặng Dung mở đường thoát được nhưng quân sĩ tan rã gần hết. Một thời gian ngắn sau Đặng Dung và vua tôi nhà Hậu Trần đều bị bắt sống trong rừng. Theo Đại Việt sử ký tiền biên, trên đường bị giải sang Kim Lăng, vua Trùng Quang và Đặng Dung nhảy xuống biển tự sát. Theo Minh sử thì vua tôi nhà Hậu Trẩn bị giải đến Kim Lăng hạch tội rồi mới bị giết.
Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không?”
Đặng Dung là người văn võ toàn tài, có chí khí, dù biết việc khôi phục nhà Trần là vô vọng nhưng không ngã lòng. Bài thơ Thuật Hoài của ông có câu: “Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma” (Bao phen đem gươm Long Tuyền mài dưới trăng) được người đời sau nhận xét rằng: không phải người hào kiệt không thể có thơ này.