CHIẾN XA TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRUNG HOA CỔ ĐẠI.

Chiến xa xuất hiện trên các chiến trường Trung Quốc từ khoảng năm 1250 TCN, nhưng thời đại hoàng kim của nó rơi vào khoảng thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ thứ 5 TCN, khi các quốc gia nhỏ liên tục xuất hiện và giao tranh với nhau hòng giành quyền kiểm soát nhiều phần đất đai hơn trên toàn cõi Trung Hoa. Chiến xa được sử dụng nhiều như một phương tiện chiến tranh mang tính lễ nghi, một vũ khí chiến thuật mang tính đột biến, sử dụng trong các cuộc truy binh hay đơn giản là phương tiện chuyên chở cơ động cho lực lượng cung thủ và các chỉ huy. Chiến xa, ở một thời điểm nào đó thực sự đã có đem lại hiệu quả trong các trận chiến. Cuối cùng, với sự gia tăng và biến hóa của bộ binh vốn cơ động hơn và đặc biệt là sự ra đời của kỵ binh, những hạn chế khó khắc phục của chiến xa ngày một bộc lộ nhiều hơn, khiến loại hình khí tài này không còn được ưa chuộng và không còn là đơn vị thường trực trong các cuộc giao tranh kể từ thế kỉ thứ 3 TCN.
1, Chiến xa thời nhà Thương.
Xe ngựa có những dấu ấn đầu tiên tại Trung Quốc từ giữa thế kỉ 13 TCN và có lẽ được du nhập từ Trung Á. Tuy nhiên, theo các truyền thuyết Trung Hoa cổ, Hoàng Đế mới là người sáng tạo ra nó. Giả thiết về sự du nhập từ Trung Á hợp lý hơn nếu xét tới việc không có sự tiến hóa đáng kể nào trong các phương tiện xuất hiện trước xe ngựa vốn khá lạc hậu như ngựa hay xe đẩy ở Trung Quốc. Trong khi đó những cỗ xe ngựa đầu tiên được tìm thấy đã ở mức phức tạp nhất định về mặt thiết kế, thường được miêu tả với một khối rắn có khuôn khổ hình chữ nhật, được gắn cố định vào một trục quay của hai bánh xe tròn ở hai bên, trung tâm của cả khối lớn này kết nối với con ngựa bằng một cây sào dài.
Lúc đầu, việc sử dụng xe ngựa như chiến xa ở nhà Thương bị hạn chế, chỉ có vài quý tộc được quyền sử dụng chúng trong các trận chiến, việc sản xuất các cỗ xe phục vụ chiến đấu này cũng bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Những cỗ xe ngựa thời này thường gồm một cặp ngựa, có thể hơn nhưng hiếm khi có hơn bốn con ngựa, ngựa được điều khiển bằng một sợi dây thừng (roi) và một bộ dây cương (đầu tiên được làm thuần bằng da sau đó được làm một phần bằng đồng). Chiến xa có hai bánh xe, có thể có đường kính lên đến 1.5m, với số nan hoa phổ biến là 18. Loại bánh xe này cao hơn hẳn bánh xe của các cỗ xe ở Mycenae và vùng Cận Đông.
Các thành phần chủ yếu làm nên các cổ xe ngựa, chiến xa này là gỗ, tre, mây,v.v… với một số phụ kiện khác được làm bằng đồng như các bộ phận ách và trục bánh xe. Phần “cabin” có các mặt tương đối thấp hơn so với các chiến xa ở Ai Cập, có thể còn được gắn thêm lan can bảo vệ.
Phần mặt sau xe không để hở hoàn toàn như nhiều dòng chiến xa trên thế giới, nhưng vẫn chừa một khoảng trống nhỏ đủ để chiến binh có thể lên xe dễ dàng. Một “tiểu đội” chiến xa (một ) bao gồm một người điều khiển ngựa, một cung thủ (thường đứng bên trái) và đôi khi là người lính thứ ba được trang bị một cây giáo hoặc một lưỡi rìu hoặc đao (ở phía bên phải). Thật thú vị khi lưu ý rằng, hầu hết ở các bãi chôn cất có xe ngựa được khai quật, thì chỉ có hai người được chôn bên cạnh chiếc xe.
Những chiếc xe ngựa từ thời kỳ này, ngày nay được tìm thấy trong 25 ngôi mộ khác nhau, nơi chúng được chôn cùng với hai con ngựa. Các vật phẩm và người điều khiển ngựa được tuẫn táng trong các lăng mộ, cho thấy địa vị cao của người được chôn cất thực sự ở đây. Cũng phải nói thêm là tục tuẫn táng này kéo dài liên tục tới tận thời nhà Hán mới dừng lại.
Cần lưu ý rằng, chiến xa ở thời kì đầu này được dùng nhiều trong các nghi lễ, để tạo hình ảnh cho người cai trị và làm phương tiện săn bắn hơn là phương tiện chiến tranh. Ngoài ra một chiến xa, xe ngựa còn được dùng như phương tiện hành quyết bằng cách trói kẻ phạm nhân vào hai chiếc xe ngựa chạy trái chiều nhau để xé toạc nạn nhân làm đôi.
2, Chiến xa trong thời Tây Chu.
Trong thời kỳ Tây Chu (khoảng 1046 – 771 TCN) xe ngựa, chiến xa có bánh xe lớn hơn với nhiều nan hoa hơn, và các nan hoa được thiết kế không đi thẳng trực tiếp qua tâm của bánh xe, khiến cho khả năng chống biến dạng của bánh xe cao hơn. Các chiến xa được kéo bởi bốn con ngựa trở lên phổ biến hơn chiến xa với chỉ hai con ngựa, xe cũng được trang trí cầu kì hơn bằng vỏ ốc hay các phụ kiện bằng đồng. Các “kỵ sĩ” trên chiến xa thời này được trang bị giáp ngực và tay bằng đồng, hoặc da tê giác, da trâu được sơn mài. Ngựa thì được khoác da hổ với một chút pha trộn các chi tiết bằng đồng. Những điều kể trên khiến trọng lượng của chiến xa Tây Chu tăng lên, đồng nghĩa với tính cơ động của nó giảm đi. Dù sao điều này không phải vấn đề khiến người ta bận tâm, khi mà lúc này tính biểu tượng khi ra trận mới là điểm ưu tiên của chiến xa. Chiến xa cũng hỗ trợ các tướng lĩnh sử dụng để chỉ huy, phối hợp các cánh quân hơn là trực tiếp giáp chiến.
Quân đội Tây Chu, lúc cao điểm có khoảng 3000 chiến xa để hỗ trợ cho khoảng 30000 bộ binh. Biên chế chiến xa trong thời nhà Thương được chia thành các quân đoàn đơn vị 25, nhưng trong thời Tây Chu thì là các quân đoàn với đơn vị 5. Thời này thì chiến xa vẫn là vật phẩm ưa thích được giới thượng lưu dùng trong các nghi lễ thờ cúng, hoặc cả trong việc chôn cất theo cùng. Có những ngôi mộ được khai quật chứa tới 42 con ngựa cùng các cổ chiến xa.
3, Chiến xa thời Đông Chu.
Cục diện thời Đông Chu (771 – 226 TCN) tiến dần tới thế cục chỉ còn lại bảy nước lớn sau sự xâm lược, sát nhập lẫn nhau của hàng trăm đất nước nhỏ hơn. Trong suốt quá trình này, các quốc gia giao tranh liên tục, có một khoảng thời gian đầu họ thị uy sức mạnh quân sự của bản thân, cũng như đánh giá sức mạnh của đối thủ bằng cách đo lường số chiến xa của mình so với phe địch. Các màn giao đấu liên tục và quyết liệt khiến cho quân đội các quốc gia này luôn đảm bảo sự đầu tư rất lớn cho công cuộc sản xuất chiến xa. Ví dụ vào năm 632, nước Tấn chỉ có hơn 600 chiến xa nhưng chỉ một thế kỷ sau con số này là 4900.
Đi kèm với sự gia tăng số lượng vào đầu giai đoạn Đông Chu, chiến xa cũng cho thấy nhiều cải tiến kĩ thuật, chẳng hạn số nan hoa có tới 26 cái và cabin được gia cố thêm các lớp da cứng để bảo vệ. Vài cỗ xe còn có lọng (dạng như ô dù) để che chắn bớt mũi tên, các biểu ngữ, khẩu hiệu được xuất hiện nhiều hơn trên xe. Đáng chú ý có thể kể đến những lưỡi dao răng cưa có sức sát thương rất cao được gắn vào tâm bánh xe.
Chiến xa cũng phân thành nhiều loại với các mục đích chiến đấu khác nhau, những chiếc nhẹ thì dùng trong các nhiệm vụ truy kích kẻ địch, những chiếc thiết giáp bọc thép nặng nề hơn thì dùng tấn công thẳng vào trận địa phòng thủ của đối thủ. Một chiến xa chuyên dụng của thời kì này là cỗ chiến xa “tổ quạ”, với khung gầm cao hơn, bánh xe gia cố chắc chắn hơn, và trang bị một tháp trên cabin để một người chỉ huy có thể quan sát toàn bộ chiến trường và truyền lệnh cho các phụ tá sử dụng cờ hiệu, và trống, những người này sẽ hỗ trợ công tác truyền đạt chiến thuật trên chiến trường cho các chỉ huy một cách hiệu quả.
4, Triển khai, chiến thuật và tính hiệu quả.
Trước hết về nhân sự, sách Lục Thao, một cuốn binh pháp thuộc hàng rất cổ được viết trong khoảng thế kỉ thứ 5 tới thể kỉ thứ 3 TCN, đưa ra một vài quy tắc chọn lựa nhân sự cho một chiến xa, được mô tả giản lược như sau:
“Quy tắc chọn chiến binh cho chiến xa là hãy chọn những người đàn ông dưới 40 tuổi, cao khoảng tầm 5 feet 7 inch, hoặc cao hơn. Họ phải là những người có tốc độ đủ để bắt kịp một con ngựa đang phi nước đại, tiếp cận và cưỡi nó, cũng như điều khiển nó đi theo mọi hướng xung quanh.”
Đơn vị tác chiến của chiến xa thường là năm chiếc một triển khai riêng rẽ, hoặc triển khai đi kèm với bộ binh ở mỗi xe. Chiến đấu dựa trên chiến xa thường diễn ra trong không gian rộng lớn. Khi hai bên giao chiến, trước tiên họ sẽ bắn tên hoặc nỏ, hy vọng rằng thông qua số lượng vượt trội, họ sẽ gây ra sự rối loạn và nhầm lẫn trong hàng ngũ kẻ thù. Khi hai bên áp sát nhau, họ sẽ ở cách nhau khoảng bốn mét để tránh kích dài 3m (9,8 ft) của đối phương tấn công. Chỉ khi hai cỗ chiến xa đến gần hơn thì một cuộc chiến thực sự mới xảy ra.
Sử dụng lực lượng cơ giới này thì luôn phải chú ý tới địa hình, cả đội quân hoàn toàn có thể sa lầy trong điều kiện ẩm ướt, hoặc khiến các chiếc xe nhanh chóng hỏng hóc, đặc biệt với các vấn đề về bánh xe khi chiến đấu trên mặt chiến trường lỗ chỗ hay toàn đá. Không thiếu trường hợp các tướng cho chuẩn bị sẵn chiến trường cho mình bằng cách cố gắng lấp hết các “ổ gà”. Cấu tạo với một trục cố định, cùng sự ràng buộc của nhiều con ngựa theo cái cách mà chúng rất khó di chuyển sang hai bên, chiến xa rất cần một không gian đủ rộng rãi mới có thể phát huy sức mạnh. Ngược lại, trong không gian hẹp, đặc biệt là sự hỗn loạn giữa một trận địa mai phục, cả người và ngựa trên chiến xa sẽ trở thành mồi ngon cho bộ binh và đặc biệt là các cung thủ. Không thiếu cách để triệt hạ một cổ chiến xa, chẳng hạn như bộ binh bằng các vũ khí dài của mình kéo cổ người lái ra khỏi cabin, hay những bánh xe vỡ nát khi bị các ngọn giáo chọc vào nan hoa trong lúc di chuyển. Vì lẽ đó mà nhiều đơn vị chiến xa đi kèm với lực lượng bộ binh lo giải quyết các vấn đề trên. Dù là vậy, nhiều biện pháp tiền xử lý cũng đủ sức để diệt chiến xa, đào các hố gà rồi che đậy chúng trên chiến trường sắp sửa giao tranh hay rải đá, kim loại để sát thương vó ngựa,v.v…
Cần nhìn nhận thêm về chiến xa ngoài là một vũ khí cơ giới được sử dụng tiên phong, thì nó cũng đóng vai trò như một phương tiện quân vận, đôi khi được đánh giá cao khi giúp người chỉ huy dễ dàng quan sát chiến trường ở các góc nhìn hiệu quả. Nó cũng giúp các cung thủ chiến đấu di động hơn khi lực lượng cung thủ thời này vẫn chưa được chú trọng và do đó kĩ năng cưỡi ngựa bắn cung thành thạo là chưa phổ biến, dù rằng chiến xa di chuyển không hiệu quả lắm trong môi trường hỗn loạn giữa cuộc chiến.
Nhiều khi, như trong chiến tranh giữa Sở và Tấn năm 595 TCN (trong bản gốc gọi là Battle of Pi, chịu không tìm được tên tiếng Việt của trận này). Các đơn vị chiến xa của hai bên được được cho ra so kè, giao chiến với nhau nhiều ngày trước khi lực lượng bộ binh giáp chiến với nhau. Các chiến xa có thể xếp thành một hàng ngang phía trước, dọc theo tuyến bộ binh trước khi vào trận, hoặc tập hợp tất cả lại với nhau ở các khu vực bị bao vây, bế tắc. Một tướng lĩnh có thể sử dụng lực lượng hạng nặng này làm vũ khí tấn công tổng lực vào một điểm cục bộ trong đội hình kẻ địch, sử dụng trong các miếng đánh hoặc rút lui chiến thuật, hay sử dụng chớp nhoáng trong các cuộc phục kích. Chẳng hạn trong Trận Thành Bộc năm 632 TCN, lực lượng quân Tấn do Tấn Văn Công chỉ đạo, giả vờ thua trận rút lui, sau đó với số lượng chiến xa đông đảo, quay lại hủy diệt quân Sở một cách bất ngờ.
5, Không còn được ưa chuộng.
Thời đại Chu, đặc biệt là giai đoạn đầu của Đông Chu là thời đại hoàng kim của chiến xa, không bao giờ chiến xa được sử dụng nhiều như thời đại này trong lịch sử chiến tranh Trung Quốc nữa. Số lượng lớn không đồng nghĩa với tính hiệu quả cao hơn tính bất cập trong chiến đấu, được đề cập ở mục 4.
Khi kị binh đơn được triển khai vào khoảng năm 307 TCN, thời của chiến xa đã chấm dứt, nhà Tần (221 – 206 TCN) ngay cả khi thống nhất vẫn duy trì lực lượng này, nhưng nhìn chung quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với kị binh. Các mô hình trong “Đội quân đất nung” ở lăng mộ Tần Vương cũng minh chứng cho điều này. Nhà Hán vào thế kỉ thứ II cũng xem xếp vai trò xe ngựa trong giao thông, vận tải cao hơn trong ứng dụng quân sự.
Nói chung, sự thay đổi trong quan điểm chiến tranh do số lượng các cuộc chiến ngày một nhiều là nguyên nhân cho sự thoái trào của chiến xa. Mà cụ thể ở đây là tính thực dụng đề cao hơn tính nghi lễ, hình thức trong chiến trận đã ngày một phơi bày nhiều yếu điểm của loại hình quân giới này, để rồi vai trò, tầm ảnh hưởng, tính hiệu quả của nó dần bị các loại hình như bộ binh, kỵ binh, cung kị binh đánh bại.
Nguồn: dưới cmt.



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *