Chiến tranh Pháp-Phổ bắt đầu từ ngày 19/7/1870 khi Pháp tuyên chiến với Vương quốc Phổ.

Thời gian đầu, chỉ có những cuộc xung đột nhỏ lẻ ở biên giới khi quân chủ lực, súng ống, vũ khí, đạn dược đang cấp tốc gửi ra chiến trường. Và, cả Pháp và Phổ lại có những bộ mặt khác nhau trong việc điều động quân đội này.
Về liên quân Đức (Phổ đứng đầu), với hệ thống đường ray xe lửa trên khắp các vương quốc, việc điều động và vận chuyển diễn ra rất trơn tru. Quân đội của liên quân bắt đầu được chuyển ra tiền tuyến chỉ vỏn vẹn hai tuần sau khi có lệnh tổng động viên. Trong khi, các trạm hậu cần khổng lồ luôn dồi dào quân nhu để sẵn sàng cung cấp cho quân đội.
518.000 quân và 2000 khẩu pháo được chia làm 3 tập đoàn quân: Tập đoàn quân số 1 của lão tướng Karl Friedrich von Steinmetz (1796-1877) đóng gần Trier, Tập đoàn quân số 2 của cháu trai Vua Phổ Wilhelm I (1797-1888) là Hoàng tử Friedrich Karl (1828-1885) đóng gần Mainz (lực lượng chủ yếu là lính từ Liên bang Bắc Đức) và cuối cùng là Tập đoàn quân số 3 của Thái tử Phổ Friedrich Wilhelm Nikolaus Karl (1831-1888) gồm binh lính đến từ Phổ, Württemberg, Bavaria và Baden.
Trong khi đó, việc điều động của quân Pháp lại không diễn ra tốt lắm. Lính Pháp phải hành quân tập trung rồi sau đó mới được chuyển đến miền đông nước Pháp, vì có cả Quân đoàn Châu Phi nên thời gian điều động sẽ lâu hơn, Quân đoàn Châu Phi được tập trung lại ở Algeria rồi mới vượt biển qua Pháp. Việc này gây ra sự hỗn loạn trong hàng ngũ.
Người Pháp dự định cung cấp quân nhu, vũ khí từ các trạm hậu cần đã được xây dựng sẵn gần những nơi dự kiến sẽ có giao tranh. Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Edmond Le Bœuf (1809-1888) tự tin tuyên bố: “(Quân đội đã sẵn sàng) đến nỗi chúng ta thậm chí chẳng cần phải mua thêm một cái khuy áo nào nữa!”
Nhưng hẳn ngài Bộ trưởng không ngờ rằng trong các trạm hậu cần, xuất hiện hiện tượng nhiều quản kho yếu kém về năng lực và vô đạo đức đã bòn rút tiền trong kho để đổ đầy vào túi mình. Và, việc thiếu lương thực, đạn dược, vũ khí diễn ra trầm trọng. Các tướng lĩnh Pháp gửi thư về Paris báo cáo sự tình nhưng không được hồi âm.
Về quân lực, 300.000 quân Pháp và 3000 khẩu pháo chia làm hai cánh quân: Một cánh đóng ở phía bắc Alsace của Thống chế François Achille Bazaine (1811-1888) và một cánh đóng ở vùng biên giáp với vùng Palatine, Bavaria của Thống chế Patrice de MacMahon (1809-1893).
Cả hai vị Thống chế đều là những chỉ huy dạn dày kinh nghiệm trận mạc khi chiến đấu trong các chiến dịch ở Ý và Bắc Phi trước đây.
Trước khi đến diễn biến của chiến tranh, ta cần nắm chút thông tin về quân đội của hai phe đã. Ở cấp cao nhất là tập đoàn quân, khoảng 150.000 người. Các tập đoàn quân lại được chia nhỏ ra để các chỉ huy dễ dàng trong việc điều khiển đường đi nước bước và tăng sự hiệu quả trong trận chiến. Tập đoàn quân có tối đa bốn quân đoàn. Quân đoàn được hình thành từ các sư đoàn, các sư đoàn lại được hình thành từ các lữ đoàn. Các quân đoàn, sư đoàn và lữ đoàn đều có chỉ huy cấp tướng. Nhỏ hơn và cấu thành lữ đoàn là trung đoàn, do một đại tá chỉ huy. Thông thường, một trung đoàn bộ binh Phổ có khoảng 2900 quân, của Pháp là 2500 quân. Mỗi trung đoàn được cấu thành từ ba đến bốn tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn do một trung tá chỉ huy. Dưới tiểu đoàn là các đại đội do các đại úy chỉ huy, dưới đại đội là trung đội nằm dưới quyền các trung úy.
Ngoài ra, hai bên còn có các lực lượng đặc biệt, Phổ có lính phóng lựu, lính Fusilier. Trong khi Pháp có thủy quân lục chiến tinh nhuệ, bộ binh hạng nhẹ Chasseurs, lính thuộc địa Bắc Phi là lính Zouaves và lính Turcos.
Một sự khác biệt nữa là liên quân Đức có cả lính nghĩa vụ và được chỉ huy bởi các sỹ quan chuyên nghiệp, còn quân Pháp với lực lượng ít hơn lại gồm toàn những quân nhân chuyên nghiệp.
Một yếu tố quan trọng nữa là vũ khi. Do xảy ra trong thời đại mà công nghiệp đã phát triển vượt bậc, vũ khí của hai phe đều đã rất hiện đại. Công ty Schneider-Creusot của Pháp và nhà Krupp của Phổ đã trang bị những loại vũ khí mới mẻ và sát thương cao, nhất là trong các loại súng bộ binh và các loại pháo cho pháo binh.
Các loại súng trường nạp hậu đã dần thay đổi tư duy chiến thuật của các tướng lĩnh khỏi những nền tảng của thế kỷ 18. Súng trường nạp hậu cho phép nạp đạn trong tư thế nằm hoặc quỳ khiến nó tỏ ra hiệu quả khi chiến đấu trong đô thị hoặc trong chiến trường nhiều vật cản.
Quân Phổ có súng trường Dreyse, món vũ khí giúp họ thắng Áo trong cuộc chiến năm 1866, nhưng sau 4 năm, nó tỏ ra thua thiệt hơn so với súng trường Chassepot của Pháp. Chassepot vượt trội hơn về tầm bắn và độ chính xác so với Dreyse. Tuy thế, lính Phổ đã quá quen với Dreyse còn lính Pháp mới làm quen Chassepot chưa lâu.
Ngoài súng trường, lưỡi lê cũng là món vũ khí quan trọng trong việc đánh giáp lá cà. Lưỡi lê sẽ gây ra những trải nghiệm kinh hoàng cho binh lính cả hai phe, một lính Pháp về sau kể lại: “Tôi như muốn phát điên lên vậy. Tôi sùi cả bọt mép nữa. Chúa ơi, tôi đã lướt qua bao nhiêu người lính tội nghiệp, những người có thể là cha trong một gia đình cơ chứ.”
Sau tất cả, pháo vẫn là ông vua của chiến trường, một quả đạn pháo có thể giết một vài đến vài chục binh sĩ dù anh ta có đang cầm Dreyse hay Chassepot gắn lưỡi lê đi chăng nữa. Nhà sử học Phổ Julius von Pflugk-Harttung (1848-1919) nói: “Những vết thương kinh hoàng nhất là do đạn pháo gây ra: đứt lìa một nửa hoặc có khi là toàn bộ cái đầu, mở tung hộp sọ và làm não phòi ra (…) Nếu một quả đạn pháo sát thương lên vùng ngực và bụng, người ta có thể nhìn thấy xương sống lộ cả ra ngoài.”
Loại pháo C/67 của nhà Krupp làm bằng thép tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với pháo làm bằng đồng lỗi thời của Pháp. Pháo bằng đồng không thể bền như bằng thép được, chúng mau chóng bị biến dạng sau một khoảng thời gian sử dụng tương đối ngắn. Ngoài ra, pháo Pháp bắn không xa và chuẩn như C/67 của Phổ được.
Tuy thua thiệt về pháo, nhưng quân Pháp còn có một món vũ khí rất lợi hại: súng máy Mitrailleuse, một loại súng máy quay tay, có tốc độ nhả đạn khoảng 200 viên/phút, quá đáng kinh ngạc trong thời kỳ ấy, đến nỗi người Phổ gọi Mitrailleuse là “Cỗ máy địa ngục”. Tuy tính cơ động khi xoay sang bên là không cao (vì khá nặng) nhưng đủ khiến kỵ binh liên quân Đức không khác gì bia tập bắn làm từ thịt. Kỵ binh hạng nặng, Long Kỵ binh, Kỵ binh Hussars, Kỵ binh đánh thương hay Kỵ binh Uhlans, tất cả đều phải run sợ khi nghe tiếng lách cách khi xạ thủ Pháp quay cần quay trước khi khai hỏa.
Vấn đề cuối cùng là quân phục, màu sắc quân phục có vai trò rất khác so với thời Chiến tranh Napoléon. Màu sắc giúp phân biệt phe ta và phe địch trong sương mù. Nhưng quân phục Pháp với chiếc quần đỏ sặc sỡ khiến họ rất dễ bị bắn hạ bởi bộ binh liên quân Đức. Điều đó được chúng tỏ khi các vết thương ở vùng xung quanh bụng của bộ binh Pháp tăng đột biến trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Quân phục lính thuộc địa Bắc Phi cũng có sắc đỏ rực rỡ cho giống “Mẫu quốc” Pháp khiến thương vong của họ cũng rất cao. Trong khi đó, Phổ không phải là không có điểm yếu, trong quân phục, những chiếc mũ Pickelhaube sáng loáng với chỏm nhọn phía trên là mục tiêu khá dễ nhận ra với quân Pháp.
Trên đây là những thông tin chung về quân đội hai phe để ta dễ hình dung về cuộc chiến trong thập niên 70 của thế kỷ 19 trông như thế nào. Một cuộc chiến rất hiện đại và mới mẻ trong thời kỳ ấy.
Ngày 28/7/1870, Hoàng đế Napoléon III (1808-1873) đi từ Paris đến Metz để nắm quyền chỉ huy. Tự tin vào chiến thắng, Hoàng đế mang theo cả đứa con trai 14 tuổi Napoléon Eugène Louis Jean Joseph Bonaparte (1856-1879) đi cùng để cùng ông say men chiến thắng. Trong khi đó, Tổng Chỉ huy liên quân Đức, Vua Wilhelm I cũng đang trên tàu đến khu vực biên giới Pháp-Bavaria cùng con trai là Thái tử Phổ Friedrich Wilhelm và Thủ tướng Otto von Bismarck (1815-1898). Tất cả cho thấy các trận đánh lớn đầu tiên sắp nổ ra.

(Còn tiếp)

Viết bài: #LeNguyenVietAnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *