CHIẾN TRANH NHÂM THÌN.(4)(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)*kì trước kết thúc b…

CHIẾN TRANH NHÂM THÌN.(4)

CHIẾN TRANH NHÂM THÌN.(4)
(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)
*kì trước kết thúc bằng việc liên quân lấy lại thành phố Bình Nhưỡng. Link dưới cmt.
Kì 4: Giành lại thủ đô.
Seoul thời điểm này là một thằng phố ma đầy chết chóc với hàng trăm xác chết nằm rải rác trên đường phố. Đầu giờ chiều ngày 24/2, dân địa phương bắt đầu vùng lên với mong muốn hỗ trợ cho lực lượng giải phóng sắp tới thành phố. Quân Nhật đồn trú trong thành tiến hành đàn áp một cách tàn bạo. Trước khi tới tiếp viện cho Kobayakawa, chúng giết tất cả đàn ông Hàn Quốc mà chúng gặp và phóng hỏa nhiều khu vực rộng lớn trong thành phố. Quay trở lại khung cảnh tang tóc trong trận chiến tại Pyokje, người Nhật biết dư vị chiến thắng sẽ chẳng thể kéo dài lâu bởi người Trung Quốc chắc chắn sẽ quay trở lại.
Sự kháng cự của quân Hàn ngày một tăng lên. Dù quân Minh đã rút về đóng tại Bình Nhưỡng nhưng quân Nhật vẫn trong cảnh bị bao vây bốn phía bởi: quân địa phương tại sông Imjin, Paju và đèo Haeyu ở phía bắc; các tăng binh tập trung tại Surak-san phía đông bắc, Chasong phía tây và Inchon phía nam. Đáng kể nhất là 2.300 binh lính tỉnh Cholla đang náu mình sau các công sự gỗ, trên một con dốc bên bờ sông Hàn; đứng đầu bởi chỉ huy Kwon Yul.
Kwon Yul là một quan lại 55 tuổi, xuất thân từ một danh gia, vọng tộc ở vùng Andong, đông nam tỉnh Kyongsang. Khi chiến tranh bùng nổ, vào tháng 5 năm 1592, ông lãnh đạo một đạo quân ở phía bắc, nỗ lực chặn đánh quân Nhật đang tiến về Seoul nhưng thất bại. Sau đó, ông chạy về phía nam và tiếp tục tham gia kháng chiến tại tỉnh Cholla, nơi quân đoàn 6 của Kobayakawa đang vây ráp. Kwon thành danh nhờ đánh bại quân Nhật liên tiếp hai lần tại Ungchi và Ichi trong tuần thứ hai của tháng bảy. Ông nhanh chóng được đề bạt làm Tư lệnh quân đội tỉnh Cholla vào tháng sau.
Đầu năm 1593, Kwon Yul lãnh đạo một nhóm nhỏ ở phía bắc Seoul, chuẩn bị phối hợp tác chiến với đồng minh. Sau khi kết nạp thêm các tăng binh của nhà sư Choyong, ông bắt đầu công việc kiến thiết một pháo đài đổ nát cách thủ đô 10km về phía tây, trên một ngọn đồi rìa làng Haengju, bờ bắc sông Hàn. Một cao điểm phòng thủ với phía sau là con dốc thoải xuống sông Hàn. Chỉ có thể tấn công cứ điểm này theo hướng chính diện, dọc theo tầm hỏa lực của quân Hàn.
Với việc quân Minh vào trạng thái tạm nghỉ, pháo đài Haengju của Kwon Yul trở thành cái gai lớn trong mắt quân Nhật ở Seoul. Ngày 14/3 chúng quyết định hành động. Vài giờ trước bình minh, hàng dài lính tráng đổ ra từ cổng phía tây thành phố, tiến thẳng tới Haengju. 2.300 binh sĩ và tăng binh cùng hàng ngàn dân chạy nạn từ các ngôi làng lân cận đang ở trong pháo đài Haengju, lo lắng chờ đợi bóng dáng kẻ thù. Vào tảng sáng, người Hàn bắt đầu thấy sự xuất hiện của các chiến binh với khẩu hiệu đỏ, trắng dán sau lưng cùng với những chiếc mặt nạ quỷ dữ đáng sợ. Kwon Yul bằng sự bình tĩnh, cố gắng xua tan tâm lý hoảng loạn đang bao trùm lấy người của mình. Khi đám quân Nhật đang bận rộn chuẩn bị khí giới, ông ra lệnh cho người của mình khẩn trương dùng bữa. Chẳng biết tới lúc nào họ mới lại được ăn uống.
Trận chiến bắt đầu ngay sau bình minh. Quân Nhật đông tới nổi không thể cùng lúc ào lên thành lũy được, chúng phải chia ra thành nhiều nhóm thay phiên nhau tấn công. Có vẻ như một lần nữa người Hàn lại bị áp đảo. Nhưng lần này, súng hỏa mai của quân Nhật kém hiệu quả đi rất nhiều. Chúng không thể ngắm bắn chuẩn trên địa hình dốc, lại càng khó bắn trúng các mục tiêu ẩn khuất sau công sự. Lợi thế lại thuộc về quân Hàn, họ triệt hạ quân Nhật bằng cung tên, gỗ và đá. Họ cũng sở hữu các loại hỏa khí mạnh mẽ như hwacha (hỏa xa), một loại máy phóng hình hộp, gắn trên xe di động có khả năng phóng hàng trăm mũi tên kèm thuốc súng một lúc.
Nhóm của Konishi Yukinaga tham chiến trước. Chờ cho quân địch tới đủ gần, Kwon Yul lập tức gióng ba hồi trống phát động tấn công. Người Hàn dồn hỏa lực từ mọi loại vũ khí mà họ có: cung, đại bác, hwacha. Konishi buộc phải dẫn đội của mình thoái lui. Ishida Mitsunari thống lĩnh nhóm lính thứ hai, nhóm này cũng không thể tiến lên phía trước, chính Ishida cũng bị thương. Toán thứ ba của Kuroda Nagamasa cũng không thể thay đổi tình hình.
Người Nhật tấn công Haengju tới ba lần nhưng thậm chí còn chẳng thể chạm vào vách tường chính của pháo đài. Ukita Hideie đưa ra quyết định đột phá, hắn cùng đội của mình cố gắng liều chết khoan thủng hàng chướng ngại vật trước mặt, hòng mở đường tiếp cận pháo đài. Ukita bị thương và phải rút về. Đợt tiếp theo do Kikkawa Hiroie chỉ huy tấn công thẳng vào khoảng trống mà Ukita đã mở ra trước đó, tiến sát tới bức tường phòng thủ cuối cùng giữa quân Nhật và Kwon Yul. Trận cận chiến căng thẳng bắt đầu, các võ sĩ đeo mặt nạ cố gắng chém quân Hàn phía sau các bức tường. Trong khi đó, người Hàn tử thủ với tất cả những gì họ có từ đao, kiếm, cung cho tới đất đá, thậm chí là cả nước sôi và tro tàn trút xuống đầu phe địch. Vào hồi cao trào của cuộc vây hãm, không còn thấy Kwon Yul đánh trống trợ uy nữa. Ông tự tay cầm kiếm, kề vai sát cánh chiến đấu bên người của mình. Quân Nhật chất cỏ khô, đốt cháy pháo đài thì người Hàn ra sức dập lửa. Trong đợt tấn công thứ bảy do Kobayakawa Takakage dẫn đầu, một góc tường đã bị đục thủng, nhưng người Hàn kiên cường níu chân quân Nhật đủ lâu để có thể vá lại bức tường gỗ.
Tới tận chiều, khi những người thủ thành đã gần kiệt sức, tên bắn thì vơi dần. Người ta kể rằng, những phụ nữ tại Haengju đã mang đá lên pháo đài bằng chiếc váy truyền thống của mình, ngày nay vẫn còn loại váy tên Haengju chima để tưởng nhớ sự kiện này. Chỉ với đá thôi thì không thể ngăn bước quân Nhật. Tưởng chừng như người Hàn đã hết hy vọng, thì ngay sau đó, chỉ huy hải quân Yi Bun cùng hai chiếc tàu chở viện binh và mười ngàn mũi tên của mình cập bến sông Hàn, ngay phía sau pháo đài. Thế là, pháo đài Haengju vẫn đứng vững qua đợt tấn công thứ tám, thứ chín cho tới khi mặt trời chuẩn bị lặn.
Hoàng hôn buông xuống, người Nhật cuối cùng cũng bỏ cuộc. Họ đã chịu thương vong vượt sức tưởng tượng, đây là thất bại khủng khiếp nhất kể từ khi họ bước chân tới Hàn Quốc. Suốt buổi tối hôm đó, các võ sĩ Nhật còn sống sót chất thành đống thi hài của đồng đội mình. Trên đường quay về thành Seoul, một sĩ quan Nhật đã gọi chiến địa bờ sông Hàn là sanzu no kawa (dòng sông địa ngục). Khi không còn bóng dáng quân Nhật, Kwon Yul và người của ông băm vằm xéc kẻ địch còn sót lại, và treo từng mảnh xác ngoài tường pháo đài.
Tại Bình Nhưỡng, tướng Li Rusong khước từ mọi thỉnh cầu tiến quân giải phóng Seoul từ phía Hàn Quốc. Ông đã chạm trán quân đội của Hideyoshi hai lần, và đều thất bại thảm khốc. Nếu mạo hiểm giao chiến thêm lần nữa, kết quả có thể còn tệ hơn. Thay vào đó, ông quyết định đàm phán ngoại giao với phía Nhật tại thủ đô, thông qua sứ giả Shen Wijing. Người Nhật tất nhiên đồng ý, kho lương của họ ngày một rỗng, rút lui là lựa chọn khả dĩ nhất cho họ lúc này. Vài lục đục nội bộ diễn ra trong bộ chỉ huy liên quân, giữa những người Trung Quốc chủ hòa, và vài người Hàn chủ chiến. Sau cùng, Shen Weijing cũng dàn xếp buổi đàm phán diễn ra êm thấm. Vào ngày 19/5/1593, quân Nhật từ tốn hành quân về phía nam, rời khỏi thủ đô.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *