CHIẾN TRANH NHÂM THÌN. (2)(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)

CHIẾN TRANH NHÂM THÌN (2)

CHIẾN TRANH NHÂM THÌN. (2)
(Lược dịch: Imjin War – Samuel Hawley.)
Kì 2: Hoàn toàn thất thủ.
Cứ điểm quan trọng nhất của người Hàn là Chungju, nằm giữa chặng đường từ Pusan tới Seoul, ở rìa phía bắc tỉnh Kyongsang. Triều đình Seoul cử tướng Sin Ip tới đây để ngăn cản bước tiến của quân địch. Ông tập hợp một đội quân 8.000 người, bao gồm sĩ quan và quân lính phía nam đào thoát kết hợp với lực lượng ông đem từ Seoul. Ý định ban đầu của Sin là đưa người của mình phục kích tại đèo Choryong, phía nam thành phố, nơi ông có thể tận dụng được địa hình gồ ghề của con đèo hẹp. Sin Ip lập tức phải thay đổi kế hoạch của mình, khi nghe tin về thất bại chóng vánh của cánh quân phòng thủ ở Sangju, cách đó 100km xuôi về phía nam, do tướng Yi Il cầm đầu. Với việc mất Sang Ju và người Nhật đang tiến rất nhanh tới Chyorong, tướng Sin quyết định ở lại ngay tại Chungju. Thủ hạ của ông đề ra ý kiến: tập trung phòng thủ tại các ngọn đồi hiểm trở quanh thành phố. Tuy nhiên, ông bác bỏ điều này vì cho rằng: “Địa hình đồi núi sẽ vô hiệu hóa kỵ binh của chúng ta. Thế nên, ta sẽ đóng quân ở đây, ngay tại vùng đất bằng phẳng này.”
Giữa ngày 6/6, quân Nhật đã vượt con đường đèo Choryong, tiến sát Chungju. Trong khi đó, Sin Ip dàn quân sẵn sàng đương đầu với kẻ địch trước một thị trấn, nằm dưới chân quả đồi Tangumdae. Đây là một vị trí tệ hại, khi bị chặn bởi sông Nam Hàn phía sau và đồi Tangumdae ở bên phải. Sin Ip đã chọn cho mình một tử địa với không một lối thoát khả dĩ. Đương nhiên, ông bị các đồng sự chỉ trích rất nhiều. Dường như, quyết định này của ông đến từ sự tự tin thái quá mà ông dành cho đơn vị kỵ binh của mình, khi cho rằng chúng có thể phát huy sức mạnh trước quân Nhật trên địa hình đồng bằng. Tuy nhiên, có vài điểm trong tình thế chiến trận tại Chungju có thể bào chữa cho quyết định thất sách này của tướng Sin Ip.
Việc chọn chiến trường dưới chân đồi Tangumdae không lối thoát, có khi lại chính là mục đích thực sự của tướng Sin. Tự đặt quân mình vào tình thế hiểm nghèo, để binh lính đạt trạng thái quyết chiến là một trong những chiến thuật kinh điển trong binh pháp Trung Hoa. Không thiếu tướng lĩnh đã thành công khi áp dụng chiến lược này, dù cho quân số thua xa kẻ thù. Chiến thuật dựa trên nguyên tắc tâm lý đơn giản: khi một chiến binh bị dồn vào ngõ cụt, không còn chút cơ may đào thoát nào; bằng nỗ lực cuối cùng trong tuyệt vọng, anh ta sẽ vùng lên chiến đấu như “con thú hoang cùng đường” và nhờ đó trở nên rất khó đánh bại. Là một trong những tướng dày dạn kinh nghiệm nhất mà người Hàn sở hữu, biết chữ và chắc chắn đã đọc binh pháp Trung Quốc, tướng Sin Ip biết về chiến lược này.
Ví dụ sớm nhất cho cách đánh trận trên, có lẽ đến từ nhà quân sự lỗi lạc thời Hán trong khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, Hàn Tín. Hàn Tín đã đặt quân của mình dưới chân một hẻm núi và quay lưng ra phía bờ sông. Với không còn lựa chọn nào để thoái lui, quân Hán chiến đấu điên cuồng để giành lấy sự sống, và cuối cùng chiến thắng một cách đầy vinh quang. Sau đó, các thuộc cấp của Hàn Tín đã hỏi ông rằng: “Binh pháp nói “Bên phải sau lưng thì núi gò, trước mặt bên trái thì sông đầm” nay tướng quân lại sai chúng tôi quay lưng ra sông mà bày trận, nói chắc rằng đánh xong quân Triệu sẽ ăn cơm. Chúng tôi không phục nhưng kết quả lại thắng, ngài có thể giải thích được không?”. Hàn Tín đáp: “Điều đó ở trong binh pháp, chỉ là các người không biết thôi. Chẳng phải binh pháp có nói: “Hãm vào đất chết thì sau nó mới sống, dắt vào chỗ mất thì sau nó mới còn” đó sao? Vả lại ta không có trong tay tinh binh. Toàn nhưng kẻ ta kéo ngoại chợ vào chiến trường. Tình thế này nếu không đặt chúng vào nơi hiểm nguy khiến cho ai cũng vì bản thân mà chiến đấu thì không được. Nếu như ta để cho chúng vào nơi đất sống thì chúng đều bỏ chạy, thế thì làm sao dùng đám binh quèn này được nữa.”
Tướng Sin Ip cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Lính tráng của ông đa phần kém cỏi, không chuyên, thậm chí nhiều người chỉ thuần nông dân, họ nhát gan và đôi khi bỏ chạy ngay lúc bắt đầu giáp chiến. Hơn nữa, ông buộc phải giành chiến thắng, bởi Chungju là lá chắn cuối cùng của kinh đô ở Seoul vào lúc này. Đây quả là trận tử chiến không thể tránh khỏi. Với một dòng sông phía sau lưng, quân của ông sẽ không thể hèn nhát mà bỏ chạy như những gì quân của tướng Yi Il đã làm ở Sangju. Với đội kỵ binh át chủ cùng với hàng loạt tân binh chập chững, Sin Ip tin mình vẫn có cơ may ngăn chặn người Nhật.
Về phần quân Nhật, nhờ tù nhân Hàn dẫn đường, họ dễ dàng qua đèo Choryong và trực chỉ hướng Chungju từ tối ngày 5/6. Hành quân xuyên đêm, tới khi còn cách thành phố vài km, Konishi Yukinaga chia đội quân của mình thành ba phần: tả, trung, hữu. Sau đó, với các tay súng dẫn đầu, phía sau là lính cận chiến; họ xộc thẳng vào chiến địa dưới chân đồi Tangumdae. Ngay loạt đạn chì đầu tiên, quân của Sin Ip đã có dấu hiệu vỡ trận. Sin Ip đã cố gắng xoay xở, chỉ đạo nhóm kỵ binh của mình tiến lên phía trước, nhưng hỏa lực đã đập tan ý định càn quét đội hình đối phương của dàn kỵ sĩ. Chẳng mất chốc, chiến địa tràn ngập lính Hàn cùng những con ngựa đang nằm quằn quại, đau đớn. Thất bại thảm hại hiện rõ trước mắt Sin Ip. Giá mà trận chiến cũng là trận “giáp lá cà” như quân Hán của Hàn Tín đánh với quân Triệu từ trước công nguyên, thì biết đâu Sin và người của ông đã có thể dành chiến thắng với gươm và giáo. Nhưng trước uy lực của súng hỏa mai, chẳng có kết quả bất ngờ nào cả. Ngày hôm đó, tướng quân Sin Ip và 8.000 người của mình bị đè bẹp tại Tangumdae. Các chiến lược cổ xưa, rốt cuộc, đã không còn hiệu quả trước sự tiến bộ của công nghệ quân sự.
Sau khi hội quân thời gian ngắn tại Chung Ju, đội tiên phong của Konishi và đội của Kato Kiyomasa lại tiếp tục tách nhau, thần tốc tiến công Seoul. Konishi lại là người tới trước, hắn tới Tongdaemun (Cổng Đông) vào sáng ngày 12/6 còn Kato tới Namdaemun (Cổng Nam), vài giờ sau đó. Người Nhật tiến vào một tòa thành ma. Toàn bộ lính và dân đều chạy trốn, vua Sonjo và chính phủ của ông đã kịp sơ tán.
Toàn quân Nhật nghỉ ngơi ở Seoul trong hai tuần, đồng thời các hoạt động quân vận bổ sung vẫn tiếp tục diễn ra ở bờ phía nam. Họ nhanh chóng quay lại đường đua. Đầu tháng bảy, các samurai đánh tan 10.000 quân của Tổng tư lệnh Kim Myong Won khi vừa vượt sông Imjin. Tới cuối tháng, Nhật đã kiểm soát hoàn toàn Bình Nhưỡng. Trong cùng thời gian này, Kato Kiyomasa thúc quân của mình theo hướng đông bắc, một hành trình dài 1.000 cây số từ Pusan tới tận vùng Mãn Châu. Tại đây, người Nhật đã có vài xung đột nhẹ với quân đội du mục Mãn Châu, có thể để kiểm tra sức mạnh của người Nữ Chân.
Nhưng có lẽ đó là giới hạn cho toàn bộ cuộc chơi của người Nhật trên đất Hàn.
Vào tháng 8 năm 1582, Trung Quốc quyết định gửi viện binh tới đất Hàn. Vua Sonjo và nội các của của ông, hiện đang trú ẩn tại Uiju trên sông Yalu, ban đầu khá dè dặt với mong muốn giúp đỡ từ Minh triều. Vì điều đó đồng nghĩa với việc, phó mặc hoàn toàn quyền tự quyết vận mệnh dân tộc vào tay tướng lĩnh và quan lại nhà Minh. Ngoài ra, còn là các lo ngại về gánh nặng hậu cần phục vụ quân đội nhà Minh, hoàn toàn có thể làm suy kiệt cả quốc gia. Thế nhưng, chiến tranh leo thang khiến người Hàn buộc phải cầu viện Đại Minh nếu không muốn hoàn toàn vong quốc.
Về phần mình, người Trung Quốc ban đầu khá mơ màng về tình hình tại Hàn Quốc. Liệu thực sự có cuộc xâm lược đang diễn ra như những gì người Hàn báo cáo? Hay chỉ đơn thuần là vài cuộc tấn công từ đám cướp biển, vốn diễn ra như cơm bữa với cả hai quốc gia, trong suốt vài thế kỉ và Seoul thì đang phản ứng thái quá? Làm thế nào người Nhật dám tổng lực tấn công bán đảo, thậm chí uy hiếp cả nhà Minh? Ngay cả khi tình hình chiến sự trở nên rõ ràng hơn, vài người phía nhà Minh vẫn nghi ngờ về một kế hoạch liên minh giữa Nhật và Hàn hòng kéo Trung Quốc sa lầy? Cuối cùng, khi sự đe dọa của quân Nhật đã rõ như ban ngày, vua Minh cũng quyết định điều động binh lính tới Hàn Quốc. Do bận dẹp các cuộc nổi loạn của người Mông Cổ ở phía bắc vào cùng thời điểm, rất khó điều động lực lượng lớn tiến vào Hàn Quốc từ phía đông. Lực lượng quân Minh đầu tiên chỉ có 5.000 lính, được lãnh đạo bởi một tướng lĩnh vô cùng cao ngạo tên Zhao Chengxun. Khi ông này tới Uiju và nghe về sức mạnh của quân Nhật, ông đã quả quyết với các chỉ huy Hàn rằng: “Đám tặc khấu Nhật Bản này với tôi chẳng khác nào lũ ong kiến. Chúng sẽ sớm bị đánh cho vỡ tổ, bay tứ phía thôi.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *