Chiến tranh Đường – Cao Câu Ly
Bối cảnh
Năm 642, vương triều Cao Câu Ly lúc này đã trải qua gần 700 năm tồn tại kể từ khi Đông Minh Vương Cao Chu Mông (Jumong – cũng chính là nhân vật chính trong phim truyền hình Truyền thuyết Jumong nổi tiếng một thời) đánh bại các thế lực đối địch và thế lực ngoại bang là nhà Hán để lập quốc. Cao Câu Ly đã đạt đến điểm cực thịnh dưới thời Quảng Khai Thổ Thái Vương (Gwanggaeto), cai trị 391–413, tức tương đương với những năm cuối cùng của nhà Đông Tấn bên Trung Quốc. Dưới thời trị vị của Quảng Khai Thổ, vương triều Cao Câu Ly trở nên hùng mạnh, thôn tính các nước bé lân bang, trở thành một cường quốc trong khu vực. Sau một thời kỳ cương thịnh, Cao Câu Ly bắt đầu suy yếu vào cuối thể kỷ thứ 5, khi vương quốc rơi vào những cuộc tranh chấp nội bộ vì vấn đề kế vị.
Tình hình trở nên phức tạp tại bán đảo Triều Tiên khi hai nước phía nam là Bách Tế và Tân La liên minh với nhau, đánh chiếm khu vực thung lũng sông Hán (xung quanh vùng Seoul-Incheon ngày nay). Tuy nhiên mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, Bách Tế một mình giao tranh với Cao Câu Ly, chỉ đến khi gần kết thúc quân Tân La mới xuất hiện với danh nghĩa là viện binh cho Bách Tế để đánh Cao Câu Ly rồi thừa nước đục thả câu chiếm hết vùng đất mà Bách Tế nhọc công dành được. Tức giận, vua Bách Tế quyết định tấn công vào biên giới Tân La, nhưng do quân đội đã giao chiến với Cao Câu Ly lâu ngày nên đã mỏi mệt, Bách Tế thua trận và bản thân nhà vua cũng tử trận. Tân La tiếp quản thung lũng sông Hàn, qua đó giúp họ có đường thông ra biển Hoàng Hải, mở được con đường giao thương trực tiếp với Trung Quốc mà không cần phải thông qua Cao Câu Ly như trước. Chính điều này đã tạo nên những hệ luỵ sau này khi mối quan hệ giữa Tân La và các triều đại Trung Quốc dần được tăng cường và đến thế kỷ thứ 7 thì đã trở thành một liên minh, đe dọa Cao Câu Ly.
Vào cuối thể kỷ thứ 6, chiến tranh giữa nhà Tùy và Cao Câu Ly đã bắt đầu nổ ra. Trong các năm 598, 612, 613 và 614, nhà Tùy đã tổng cộng 4 lần phát động chiến tranh với Cao Câu Ly, nhưng đều chuốc phải thất bại. Đỉnh điểm là vào năm 612, Tùy Dạng Đế đã huy động tới 1.133.800 người (theo Tùy thư của Trung Quốc và Tam Quốc sử ký của Triều Tiên) để tiến đánh Cao Câu Ly, nhưng bị đánh bại bên bờ sông Tát Thủy bên ngoài Bình Nhưỡng. Chính những cuộc chiến này đã làm nhà Tùy suy yếu nghiêm trọng và cuối cùng sụp đổ nhưng cũng khiến Cao Câu Ly tổn thất nghiêm trọng và khiến nó ngày càng yếu đi.
Nguyên nhân
Vào năm 641, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã tiêu diệt Hãn quốc Đột Quyết – một đồng minh quan trọng của Cao Câu Ly. Đường Thái Tông được người Đột Quyết tôn làm Thiên Khả Hãn, bắt đầu dòm ngó tới phía đông. Cao Câu Ly tuy lúc bấy giờ đã không còn cường thịnh như xưa, nhưng bản thân vẫn là một thế lực lớn trong khu vực và một mối đe dọa tiềm tàng. Bản thân Đường Thái Tông cũng quyết tâm tiêu diệt Cao Câu Ly, quyết tâm dành lấy thành công tại nơi mà Tùy Dạng Đế đã thất bại.
Còn về phía Cao Câu Ly thì vào thời điểm này, do lo ngại trước thế lực ngày càng lớn mạnh của viên tướng Uyên Cái Tô Văn (Yeon Gaesomun), vua Cao Câu Ly là Vinh Lưu Vương Cao Vũ cùng với một số cận thần đã lên kế hoạch, mưu toan ám sát Uyên Cái Tô Văn nhưng bị phát giác và bị giết. Uyên Cái Tô Văn sau khi giết vua liền đem lập cháu họ của ông là Bảo Tạng Vương Cao Tạng lên nối ngôi kế vị. Kể từ đấy, chính trị Cao Câu Ly bị quyền thần Uyên Cái Tô Văn thao túng còn Bảo Tạng Vương chỉ là vua bù nhìn, không có thực quyền.
Năm 642, Nghĩa Từ vương của Bách Tế liên minh với Cao Câu Ly tấn công Tân La, chiếm được 40 thành trì trọng điểm. Trước sự tấn công dữ dội, vào năm 643, Thiện Đức nữ vương (Nữ vương Seondeok) phải cầu cứu nhà Đường, nêu rõ việc liên minh Bách Tế-Cao Câu Ly đang tấn công nước mình. Nhận được lời cầu cứu của Tân La, Đường Thái Tông sai sứ giả đến yêu cầu Uyên Cái Tô Văn lui binh, nhưng bị khước từ.
Diễn biến
Lấy cớ là Uyên Cái Tô Văn chuyên quyền, giết vua mưu chuyện phế lập, Đường Thái Tông bắt đầu huy động binh mã, chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới. Tháng 4 năm 645, 6 vạn quân chính quy nhà Đường cùng một số lượng binh mã bộ lạc không rõ khác dưới sự chỉ huy của danh tướng Lý Thế Tích, đã tập hợp tại U Châu (khu vực quanh Bắc Kinh ngày nay), rồi khởi binh xuất chinh. Bản thân Đường Thái Tông cũng đích thân chỉ huy 1 vạn thiết kỵ, dự kiến sẽ khởi hành sau và sẽ gia nhập vào đội quân của Lý Thế Tích. Ngoài ra, một hạm đội gồm 500 tàu sẽ chuyên chở 4 vạn quân mới tuyển và 3.000 quân tinh nhuệ (từ Lạc Dương và Trường An) từ bán đảo Liêu Đông đi dọc theo đường biển để tới bán đảo Triều Tiên, bổ sung khi đạo quân chính của nhà Đường tiến vào bán đảo Triều Tiên (một điều sẽ chẳng bao giờ xảy ra)
Đường Thái Tông cực kỳ lạc quan về cuộc chiến lần này. Ông cho rằng nguyên nhân khiến Tùy Dạng Đế thất bại là do ông ta quá tàn bạo với bách tính, khiến lòng người oán hận. Mọi sự nay đã khác, nhà Đường đã trở nên hùng mạnh và tự tin về sức mạnh của quân đội nhà Đường sau khi tiêu diệt người Đột Quyết, sĩ khí lại đang cao, còn quân đội Cao Câu Ly chỉ là một toán ô hợp, thiếu ý chí chiến đấu. Chính vì thế mà Đường Thái Tông tin mình sẽ nắm chắc phần thắng.
Lý Thế Tích tiến vào lãnh thổ Cao Câu Ly vào ngày 1 tháng 5 sau khi vượt qua sông Liêu Hà. Do thiếu sự chuẩn bị trước, quân Cao Câu Ly bất ngờ khi thấy quân Đường xuất hiện. Ngày 16 tháng đó, quân Đường vây thành Cái Mưu (Kaemo, nay là Phủ Thuận, Liêu Ninh). Chỉ sau 11 ngày, quân Đường hạ được thành, bắt được 2 vạn người, thu được 10 vạn thạch lương (tương đương 6 triệu lít thóc). Lý Thế Tích tiếp tục tiến quân tới vây hãm thành Liêu Đông (nay là Liêu Dương, Liêu Ninh), đánh bại 4 vạn quân Cao Câu Ly tiếp viện ngay bên ngoài thành. Vài ngày sau đó, 1 vạn thiết kỵ dưới sự chỉ huy của Đường Thái Tông cuối cùng cũng đã tới nơi. Thành Liêu Đông bị phá không lâu sau đó vào ngày 16 tháng 6 sau khi quân Đường sử dụng đạn gây cháy và lợi dụng hướng gió nam để bắn vào thành, gây hỏa hoạn trong thành. Quân Cao Câu Ly tổn thất 1 vạn người, hàng vạn lính cùng 4 vạn dân trong thành bị bắt, quân Đường thu được 50 vạn thạch lương.
Ngày 27 tháng 6, quân Đường đến ngoài thành Bạch Nham (Baekam). Trong lúc vây hãm, chỉ huy cánh phải quân Đường là Khả Hãn A Sử Na Tư Ma của Hãn quốc Đông Đột Quyết, lúc này đã là chư hầu của nhà Đường, bị trúng tên. Tương truyền, Đường Thái Tông đã đích thân hút máu từ vết thương của A Sử Na Tư Ma rồi tự mình băng bó lại cẩn thận để khích lệ tướng sĩ. Ngày 2 tháng 7, biết khó giữ được thành, tướng giữ thành Tôn Đại Âm của Cao Câu Ly đã dâng thành đầu hàng. Đường Thái Tông ra lệnh cho binh lính không được đụng chạm tới bất kỳ thứ gì của dân và phong cho Tôn Đại Âm làm thứ sử Nham Châu.
Quân Đường đến bên ngoài thành An Thị (Ansi) vào ngày 18 tháng 7. Đường Thái Tông nhận được tin cấp báo rằng một đội quân cứu viện gồm 15 vạn người cả Cao Câu Ly lẫn Mạt Hạt đang ở gần đó. Thái Tông hạ lệnh cho Lý Thế Tích dẫn 15 nghìn kỵ binh tới khiêu khích và nhử quân Cao Câu Ly vào bẫy, còn Trưởng Tôn Vô Kỵ cùng một số tướng lĩnh khác thì dẫn một cánh quân đi vòng ra phía sau để đánh tập hậu. 2 ngày sau, quân Đường đại phá quân Cao Câu Ly. Tàn quân Cao Câu Ly chạy đến một ngọn đồi gần đó cố thủ, nhưng sau 1 ngày thì toàn bộ đầu hàng. Kết quả, quân Đường bắt được tổng cộng 36.800 người. Trong số người này, 3500 sĩ quan và tù trưởng các bộ lạc bị bắt đưa về Trung Quốc, 3.300 người Mạt Hạt bị hạ lệnh xử tử nhưng số binh sĩ người Cao Câu Ly còn lại đều được thả.
Tuy thắng lợi trên chiến trận, nhưng quân Đường vẫn không tài nào phá được thành An Thị, vốn đang được Dương Vạn Xuân với vỏn vẹn 5.000 quân trấn giữ. Quân Đưởng tổ chức tấn công vào thành tới 6 đến 7 lần trong ngày, nhưng lần nào cũng bị đẩy lui. Sau khi nhiều tuần trôi qua, Đường Thái Tông đã nghĩ tới việc bỏ thành An Thị để tiến sâu vào nội địa Triều Tiên. Nhưng do không an tâm vì An Thị có thể sẽ là một mối nguy sau lưng, ông tiếp tục vây hãm thành, quyết chiếm cho bằng được tòa thành này. Đường Thái Tông đặt cược mọi thứ khi ông hạ lệnh cho quân sĩ lấy đất đắp thành một ụ đất khổng lồ, nhưng ụ đất này bị quân giữ thành chiếm được, và bảo vệ thành công ba ngày dù quân Đường tấn công dữ dội. Sau gần 3 tháng, 5.000 quân Cao Câu Ly vẫn kiên trì phòng thủ, quân Đường không hạ nổi thành và buộc phải rút lui khi lương thực cạn kiệt và sau khi gánh chịu những tổn thất nặng nề.
Năm 647, Thái Tông sau khi bình thường hóa quan hệ lại một lần nữa cắt đứt quan hệ với Cao Câu Ly và chuẩn bị thêm 1 cuộc viễn chinh nữa. Lần này Thái Tông nghe lời khuyên của một số đại thần, phát động các chiến dịch quấy rối trước nhắm vào vùng biên giới phía bắc Cao Câu Ly nhằm suy yếu dần Cao Câu Ly. Những người thực hiện các chiến dịch này là Ngưu Tiến Đạt và Lý Thế Tích, và các cuộc tấn công này còn tái diễn. Tất cả những điều này nhằm chuẩn bị cho cuộc viễn chinh với 30 vạn đại quân với Thái Tông muốn thân chinh lần 2 vào năm 649, nhưng Thái Tông mất cùng năm làm chiến dịch phải hoãn lại và chuyển sang đời Cao Tông.
(còn tiếp)
Tự biên soạn
Tài liệu tham khảo
- Tư Mã Quang, Tư trị thông giám, Đường kỷ
- David Graff, Medieval Chinese Warfare 300-900, ISBN 1134553536
- Lee, Kenneth B., Korea and East Asia: The Story of a Phoenix, ISBN 9780275958237