Chiến thắng vĩ đại sau cùng nhưng phải trả giá rất đắt [Pyrrhic Victory] dẫn đến sự …

Chiến thắng vĩ đại sau cùng nhưng phải trả giá rất đắt [Pyrrhic Victory]

Chiến thắng vĩ đại sau cùng nhưng phải trả giá rất đắt [Pyrrhic Victory] dẫn đến sự sụp đổ của một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất hành tinh vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước.

Santa Cruz tựa như Thượng Đức của Việt Nam hay Verdun và Somme của Đại Thế Chiến. Nơi đã chôn vùi những đơn vị tốt nhất sau cùng và tiềm lực kinh tế dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực dẫn đến sự thay đổi cán cân chiến trường.

Sau cuộc hải chiến tại Midway, Hải quân Hoàng Gia Nhật Bản mất đến 4 hàng không mẫu hạm cùng 1 tuần dương hạm nặng. Họ còn đau hơn khi mất thêm 1 chuẩn đô đốc và 3 thuyền trưởng tài năng. Hạm Đội Cơ Động giờ đây chỉ còn lại một nửa sức mạnh của mình. Khác với những tháng trước đó, sự tự tin trước người Mỹ của Đệ Nhất Hạm Đội đã tan biến, họ không được phép phạm sai lầm thêm một lần nào nữa. Tháng 07/1942, Đệ Nhất Hạm Đội được giải tán và phần còn lại được chuyển sang nằm dưới quyền điều động của Đệ Tam Hạm Đội.

Tuy vậy thất bại hải quân buộc phải loan báo chiến thắng để tránh lòng dân hoang mang. Báo chí Đông Kinh [Tokyo] dẫn lại từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân rằng họ đã chiến thắng, đánh chìm đến 3 hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ và chỉ mất một khu trục hạm cùng 100 thủy thủ chìm cùng con tầu của mình. Kế hoạch tiếp theo của Hải Quân là bỏ kế hoạch xâm chiến Hạ Uy Di [Hawaii], đi theo kế hoạch ban đầu là xâm chiếm nước Úc và ngăn chặn Hoa Kỳ xâm lược từ phía Bắc. Đại thiết giáp hạm Yamato đã nhổ neo và mang theo toàn bộ Bộ Chỉ Huy của Hạm Đội Liên Hợp đóng quân ở đảo Truk tại vùng Xích Đạo, trực tiếp chỉ huy cuộc chiến lớn ở phía Nam.

Lúc nầy, để cứu vãn tình thế nguy cấp, Đại Đô Đốc Yamamoto quyết tâm tìm kiếm một trận chiến mà ở đó ông có thể dùng toàn bộ sức mạnh từ trên không và trên biển hủy diệt toàn bộ lực lượng Mỹ bao gồm các hàng không mẫu hạm – lá chắn duy nhất giữa ông và chiến thắng cho Đế Quốc, tìm kiếm một hòa ước mà ở đó có lợi cho Nhật.

Với Sư đoàn 1 Mẫu Hạm gồm Shokaku, Zuikaku và Zuiho (174 phi cơ) và Sư đoàn 2 Mẫu Hạm gồm Junyo và Hiyo (90 phi cơ). Yamamoto có trong tay 5 hàng không mẫu hạm sẵn sàng tham chiến, đập tan bất kì cuộc tấn công nào của Hasley. Cũng nên nói thêm, những phi công nầy được chuyển giao từ các không đội cũ bay trên Akagi, Kaga, Soryu, Hiryu nên xét về khả năng chiến đấu đều ở mức độ sẵn sàng cao.

Mong đợi của ông thành công khi hai bên tập trung binh lực đối đầu tại quần đảo Solomon – cửa ngõ ra vào nước Úc. Trận đánh chiến lược tiêu hao xung quanh đảo Guadalcanal đã dẫn đến trận đánh mà cả hai bên đều mong chờ – Hải chiến quần đảo Santa Cruz.

Trong một sự kiện không may cho phía Nhật, mẫu hạm Hiyo bị trúng ngư lôi phải rời tiền tuyến đến Truk để sửa chữa tạm thời và phải về Nhật để sửa chữa toàn diện. Phía Nhật chỉ còn 4 mẫu hạm cùng 219 phi cơ nhưng với Yamamoto thế là quá đủ. Ngày 26/10/1942, hải chiến Santa Cruz bùng nổ và kéo dài liên tục trong 1 ngày đến sáng ngày 27/10. Kết quả thật là kinh khủng : Nhật bị thương nặng 2 mẫu hạm và 1 tuần dương hạm nặng còn Mỹ chìm 1 mẫu hạm cùng 1 khu trục hạm, ngoài ra còn bị thương nặng 1 mẫu hạm, 2 khu trục hạm cùng 1 thiết giáp hạm. Về phần tổn thất trên không, 99 phi cơ Nhật và 81 của Mỹ bị bắn hạ đồng nghĩa với 148 phi công Nhật và 26 phi công Mỹ.

Xét trên năng lực tác chiến vào thời gian nầy, đây là một tổn thất khó lòng có thể chấp nhận được về phía Nhật. Nhật Bản phải mất từ 1.5 năm đến 2 năm để đào tạo được một lực lượng phi công xuất sắc với số lượng nhỏ giọt khoảng 1.500 người trong phía Mỹ có thể đào tạo 15.000 người như thế trong một năm chỉ tính trên phi công lái chiến đấu cơ. 409 phi công tinh nhuệ trên tổng số 765 người lúc đột kích Trân Châu Cảng đã tử trận.

Ngoài ra, Santa Cruz còn là nơi mất nhiều phi công hơn cả trong khi biển San Hô mất 90, Midway là 110, Đông Solomon là 61. Những phi công còn lại không đủ sức để gánh vác chiến trường quá rộng lớn trong khi các đội bay mới vẫn chưa đủ sức để đối đầu với không lực Mỹ.

Dù gây hư hại nặng cho hạm đội Mỹ nhưng lực lượng mẫu hạm Nhật phải rút về bản quốc đến tận tháng Hai năm 1943 mới quay lại Guadalcanal nhằm che chở trên không cho các quân đoàn Nhật rút khỏi quần đảo Solomon. Việc thiếu hụt lực lượng mẫu hạm che chở khiến Nhật phải triển khai lực lượng chiến đấu lẫn tiếp liệu vào ban đêm dẫn đến các cuộc hải chiến xung quanh đảo Guadalcanal mà đỉnh điểm là Nhật mất 2 thiết giáp hạm Hiei và Kirishima vào tháng 11/1942. Một khu vực xung quanh vùng biển giữa hai hòn đảo Guadalcanal và Savo được mệnh danh là Vịnh Đáy Sắt [Iron bottom sound] với 55 chiến hạm Mỹ và 38 chiến hạm Nhật bị đánh chìm xung quanh khu vực nầy từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943.

Ngoài ra, kết quả trận chiến không được như ý muốn của Đại Đô Đốc Yamamoto, thứ nhất là mất quá nhiều phi công tinh nhuệ, thứ hai là không hủy diệt được hoàn toàn hạm đội Mỹ đã để một mẫu hạm chạy thoát, thứ ba là quân Mỹ vẫn còn đồn trú trên Guadalcanal và Không lực Xương Rồng – cái gai trong mắt vẫn tồn tại còn Lục quân thì bị tiêu diệt gần sạch, buộc ông phải triển khai lực lượng còn lại vào ban đêm dẫn đến thảm họa tháng 11/1942. Ông chẳng thể nào ép Mỹ kí vào bất kì hòa ước nào như mong muốn để kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt mà vẫn giữ thể diện được cho Nhật.

Công tâm mà nói, cùng với hải chiến Midway và chiến dịch Solomon, hải chiến Santa Cruz là trận chiến xoay chiều đối với cả hai phe tham chiến, thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường dẫn đến kết cục bi thảm cho nước Nhật năm 1945.

Hình ảnh nổi tiếng nhất trận đánh : Chuẩn úy Shigeyuki Sato thuộc phi đoàn oanh tạc bổ nhào của hàng không mẫu hạm Zuikaku cùng với chiếc oanh tạc cơ Aichi D3A2 đang bốc cháy của mình bổ nhào thẳng xuống Hornet trong đợt tấn công đầu tiên. Cú đâm trực diện nầy đã làm hư hại nặng sàn đáp và khiến Hornet phải giảm tốc. Tạo thời cơ cho 3 chiếc B5N2 do trung tá Murata chỉ huy lao vào phóng 2 quả ngư lôi trúng Hornet khiến cô nằm bất động giữa biển. Trong tâm trí của những người Nhật, hành động anh hùng nầy mãi mãi vẫn còn được lưu truyền đến hàng ngàn năm sau cuộc chiến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *