LÊ LAI CỨU CHÚA

LÊ LAI CỨU CHÚA
Các bác hẳn ai cũng biết về sự tích Lê Lai cứu chúa. Lam Sơn thực lục chép Năm Mậu Tuất [1418]:
Hôm sau, giặc lại giao chiến với Nhà vua ở xứ Mỹ mỹ. Bắt được tướng chỉ huy của giặc là Nguyễn Sao, và chém được hơn nghìn đầu.
Bài này không có trong sách của em, nhưng sách Ngàn dặm quan san em vẫn đang crowdfunding ở đây các bác nhé. 23/12 em đóng để chốt số lượng in.
https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/456849368354405
Khi ấy quân ta chỉ mới được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh, Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng:
– Ai có thể thay mặc áo vàng của Trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây đô. Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: “Ta là chúa Lam sơn đây!”. Để cho giặc bắt? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!
Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai thưa rằng:
– Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà vua. Ngày sau Bệ Hạ gây nên Đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!
Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng:
– Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!
Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến.
Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng:
– Ta đây là chúa Lam sơn!
Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm!

Đại Việt thông sử chép tương tự, với cái chết của Lê Lai rằng: “Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lai về hành Đông Quan giết chết”.

Cương mục chép hơi khác một chút, rằng việc chém Nguyễn Sao xảy ra vào tháng Tư năm Kỷ Hợi [1419], rồi tới việc Lê Lai cứu chúa. Tiền biên không chép việc này, nhưng Việt sử tiêu án cũng của Ngô Thì Sỹ thì chép: “Lê Lai liền tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương chết rồi, người Minh cũng tin là thật”.
Nhưng điều khiến ta ngạc nhiên nhất là Toàn thư không có dòng nào đả động tới việc Lê Lai cứu chúa cả. Rồi tới năm Đinh Mùi [1427], lại thấy chép về việc Bình Định vương giết Lê Lai: “Giết Tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có chiến công, nói năng khinh mạn. – Nguyên văn: 誅司馬黎來籍其家,以來恃有戰功,出慢語故也 – Tru Tư mã Lê Lai, tịch kỳ gia, dĩ Lai thị hữu chiến công, xuất mạn ngữ cố dã”

Cũng từ dòng ghi chép này mà nhiều người nảy sinh nghi ngờ rằng khi Lê Lai cứu chúa năm Mậu Tuất (hoặc Kỷ Hợi), ông không chết mà về sau bị Lê Lợi giết, từ đó cho rằng Lê Lợi tru diệt công thần.

Điều này là một nhầm lẫn tai hại, vì Lê Lai ở sự kiện năm Đinh Mùi là một viên tướng khác. Còn Lê Lai cứu chúa trước kia được Cương mục chép rõ việc phong thưởng: “Kịp khi trong nước đã yên, nhà vua tặng phong Lê Lai là Thiếu úy, Lũng Nhai công thần. Đến đây, lại tặng phong thêm chức Thái úy, sai Lê Trãi [tức Nguyễn Trãi] chép lời thề nguyền của nhà vua cất vào trong hòm bằng vàng [tức một dạng thệ thư thiết khoán] để tỏ ý ghi nhớ không quên.”

Con cháu của Lê Lai cũng được trọng dụng, nổi tiếng nhất là Lê Niệm. Cương mục chép: “Niệm là cháu Lê Lai, con Lê Lâm, đầu niên hiệu Thiệu Bình lấy danh nghĩa ấm phong được trao giữ chức Cận thị cục Chính chưởng, làm quan trải qua các chức lên đến Thái phó, gia phong Quốc công. Gia đình Lê Niệm vào hàng bầy tôi hết đời này đến đời khác, có công đức lâu đời, Niệm làm tướng gần 30 năm, thường dựng được công lớn, uy danh đức vọng rất lừng lẫy, làm chỗ dựa vững chắc cho triều đình. Đến nay, Niệm mất, nhà vua tặng phong chức Thái úy và đặt tên thụy là Trinh Ý.”

Không rõ vì sao Toàn thư chép về thời Lê sơ không nhắc tới công của Lê Lai, nhưng rất may tới Lê Trung Hưng thì lại chép rõ: “Nhâm Tý [1672] Mùa xuân, tháng Giêng, vẫn cấp ruộng tế cho công thần khai quốc Lê Lai, để lại cho con cháu giữ, đời đời thờ cúng. – Nguyên văn: 春,正月,仍給開國功臣黎來祭田,留孫姪世守祀事。 – Xuân, chính nguyệt, nhưng cấp Khai quốc công thần Lê Lai tế điền, lưu tôn chất thế thủ tự sự.”

Nguyên lai sự việc này được Cương mục giải thích rằng bấy giờ triều đình “Trước kia, Lê Thái tổ khởi nghĩa Lam Sơn, bị quân nhà Minh bức bách, Lê Lai khảng khái lăn xả vào nơi hoạn nạn. Sau khi dẹp được quân Minh, đã nhiều lần Lê Lai được tặng phong tước vương và ban cho ruộng tế tự. Đến nay, giảm bớt lộc điền của các công thần, triều đình lấy cớ rằng Lê Lai là người có công lớn, nên ruộng tế tự được cấp từ trước vẫn để nguyên như cũ, giao cho cháu chắt được đời đời phụng thủ để tế tự.”

Thậm chí tới năm Tân Tỵ [1671], ông còn được cho tòng tự ở miếu Quan Công để biểu dương lòng trung nghĩa.

Như vậy, không hề có chuyện Lê Lợi tru sát công thần Lê Lai như một số người vẫn vin vào sự việc giết Tư mã Lê Lai năm 1427. Công lao to lớn của Lê Lai vẫn được triều nhà Lê ghi nhận cho tới hết thời Lê Trung Hưng.


Ngàn dặm quan san em vẫn đang crowdfunding ở đây các bác nhé. 23/12 em đóng để chốt số lượng in.
https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/456849368354405
Hình minh họa em lấy trên mạng nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *