#chia_sẻ
LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ – GIỮA CHÍCH QUÁI VÀ CHÍNH SỬ
Có nhiều bác thi thoảng thắc mắc (hoặc dè bỉu) rằng Đại Việt sử ký toàn thư đưa quá nhiều truyền thuyết hư cấu vào thành sử, đặc biệt là các truyền thuyết lấy trong Lĩnh Nam chích quái hay Việt điện u linh tập để tạo thành Kỷ Hồng Bàng thị, Kỷ nhà Thục. Em nói thế này để các bác hiểu, tất cả những truyền thuyết mà Toàn thư trích lấy đều có dụng ý của nhà cầm quyền thời đó cả (tức nhà Lê Sơ), cho nên Lĩnh Nam chích quái hay Việt Điện u linh tập, có truyện được thâu nạp, có truyện không, và nội dung các truyền thuyết đều được kết cấu lại, thay đổi tùy thuộc mục đích của triều đình. Nay tạm phân tích truyện Lạc Long quân và Âu Cơ để các bác hiểu thêm rằng, vua Lê Thánh tông và sử quan Ngô Sĩ Liên không phải tự nhiên mà đưa Kỷ Hồng Bàng thị vào chính sử. Đừng vội chê những thứ mình chưa thực sự hiểu, chúng ta nên nhớ rằng Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu chỉ chép từ Triệu Vũ đế tới Lý Chiêu hoàng[1], mà Toàn thư do Thánh tông sai Ngô Sĩ Liên soạn, chủ động chép cả Hùng vương và An Dương vương.
Lĩnh Nam chích quái viết: “Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ.”
Đoạn này Toàn thư chép hầu như y nguyên, để tỏ rằng phương Nam với phương Bắc cùng một mối mà ngang hàng nhau.
Chích quái lại viết: “Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Vì nhớ đến chuyện ông tổ Đế Minh du hành phương Nam gặp tiên nữ, nên Đế Lai nhân khi phương Bắc thiên hạ thái bình bèn sai quần thần là bọn Xi Vưu thay mình trông coi việc nước, rồi đi tuần xuống nước phía nam đến nước Xích Quỷ.”
Câu này tỏ ý đế phương Bắc cai quản phương Nam (nên đi tuần đến nước Xích Quỷ). Toàn thư bỏ không chép mà chuyển thẳng sang “Vua [tức Lạc Long quân] lấy con gái của đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.” Vậy là phương Nam vẫn giữ vị thế ngang hàng với phương Bắc trong chính sử nước ta, không chỉ lược bỏ yếu tố tuần du của đế Lai, mà còn ngầm biểu thị sự môn đương hộ đối giữa Bắc và Nam.
—
Bài không có trong sách mới #Thương_Hải_Tang_Điền mà em đang crowdfunding. Nhân thể tái bản #Ngàn_Dặm_Quan_San ạ. Rất mong các bác ủng hộ để sinh viên nghèo tiếp tục ngày ngủ 3 tiếng rồi chạy grab tối luận sử.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=616405389065468
—
Đoạn Lạc Long quân chia tay Âu Cơ, Chích quái viết: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng giòng giống khác nhau, thủy hỏa tương khắc, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia tay. Ta đem năm mươi trai về thủy phủ (nguyên văn: quy thủy phủ) chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất (nguyên văn: cư địa thượng), chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con vâng lời, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con về ở đất Phong Hiệp (Nay là huyện Bạch Hạc), cùng nhau tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương.”
Câu này nghĩa là 50 người con trai theo mẹ ở trên MẶT ĐẤT, trở thành thủy tổ của người Việt, còn 50 người con theo cha XUỐNG BIỂN, trở thành Aquaman; đồng thời Hùng Vương là do những người con theo mẹ bầu lên. Toàn thư đã nhân chuyện đó thay đổi rằng “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ VỀ NÚI (nguyên văn: tòng mẫu quy sơn), 50 con theo cha VỀ Ở MIỀN NAM (có bản chép là về Nam Hải) (nguyên văn: tòng phụ cư nam), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.”
Như vậy theo Toàn thư thì 100 người con trai không phải chia thành cặp TRÊN ĐẤT/DƯỚI BIỂN (biểu thị việc chia thành giống người và thủy tộc phi nhân), mà thực chất là cặp NGƯỜI MIỀN NÚI/NGƯỜI MIỀN NAM. Quan trọng hơn, vị Hùng Vương được lập là do Lạc Long quân (tức NGƯỜI MIỀN NAM) chỉ định. Miền núi tức cương vực mà các vua Hùng trị vì, đại để là miền núi và đồng bằng bắc Bắc Bộ, đến đời nhà Trần phân chia ra Kinh và Trại thì đây là đất Kinh. Vậy thì Miền Nam tương ứng với xứ Thanh Nghệ, mà nhà Trần gọi là đất Trại[2].
Nhà Lê xuất thân Lam Sơn Thanh Hóa, vốn bị coi là dân Trại, dân Mường. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sử sách ghi chép lại một số trường hợp dân Kinh tỏ ý coi thường Bình Định vương Lê Lợi[3]. Qua việc trích và thay đổi câu chữ từ Lĩnh Nam chích quái (một tác phẩm văn học của người Kinh, sáng tác thời Trần) vào Toàn thư, triều đình nhà Lê đã kiến tạo nên một tư tưởng rằng người Kinh hay người Trại đều chung một nguồn gốc, là con cháu Lạc Long quân và Âu Cơ, 50 người con theo mẹ là tổ của người Kinh mà 50 người con theo cha là tổ của người Trại. Chức vua nước Việt vốn là xưa kia người Trại tạm trao cho người Kinh, nay người Trại lên làm vua cũng là thuận theo ý trời.
—
[1] TT.BK.q5 chép: “Mùa Xuân, tháng giêng, Hàn Lâm viện Học sĩ kiêm Quốc Sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại việt sử ký từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên”.
[2] Sự phân biệt Kinh Trại hay dân miền bắc Bắc Bộ với dân Thanh Nghệ ở thời Trần là rất rõ rệt, tới mức ở hai khoa thi Thái học sinh đầu tiên của nhà Trần (năm 1256 và 1266), còn chia ra hai ngôi vị Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên. Đến khoa thi năm Ất Hợi (1275) mới gộp làm một.
[3] TT.BK.q10 chép: “Trước đây, quân lính ở thành Tam Giang theo sự điều động của quan Tổng binh nhà Minh đi đánh vua ở Thanh Hóa, bị thua trở về, có tên ngụy binh buông lời khinh mạn vua”.
Minh sử – truyện Lý Nhậm chép quân Lam Sơn đánh thành Xương Giang gặp vô vàn khó khăn (đánh chín tháng mới hạ được thành) vì dân chúng theo người Minh chống lại nghĩa quân, tới mức “Quân dân, phụ nữ trong thành không chịu khuất phục, chết vài ngàn người”.
—
hình: Lĩnh Nam chích quái thần thánh của họa sĩ Tạ Huy Long