“chia-khoa”-giam-ganh-nang-ung-thu

“Chìa khóa” giảm gánh nặng ung thư

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt Trung tâm tầm soát công nghệ cao NURA tích hợp AI đầu tiên tại Đông Nam Á ngày 1/7, TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm, có chi phí điều trị cao hiện nay là bệnh ung thư. 

Đó là do người Việt chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ, tầm soát ung thư sớm, dẫn đến việc khi thấy cơ thể ốm yếu, sụt cân bất thương, đau đớn, có u… thì thường ở giai đoạn muộn. 

“Công cuộc phòng chống ung thư có thành công hay không phần lớn nhờ vào việc có phát hiện được sớm hay không. Phát hiện ung thư sớm thì chi phí điều trị giảm đi và khả năng sống sót tăng lên”, ông Khoa nói. 

Phát hiện ung thư sớm thì chi phí điều trị giảm đi và khả năng sống sót tăng lên (Ảnh: TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (người thứ 2 từ phải sang), thăm máy tầm soát ung thư công nghệ cao tích hợp AI của NURA. Ảnh BTC

Ông Khoa nhận định, hiện nay Việt Nam có số ca ung thư cao và tăng theo từng năm. Đáng nói là tỷ lệ ca bệnh ung thư phát hiện sớm khá thấp. Hiện nay, Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh đã có một số hướng dẫn phát hiện sớm các bệnh ung thư. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ để phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. 

Ngoài ra ở vùng sâu vùng xa, trang thiết bị y tế còn lạc hậu nên việc phát hiện ung thư sớm còn hạn chế. Theo ông Khoa, hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra hướng dẫn trong việc ứng dụng AI trong công tác chăm sóc sức khỏe. 

Việc ứng dụng thêm công nghệ AI sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ, đặc biệt các bác sĩ ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa…, giúp nâng cao năng lực phát hiện sớm các tổn thương, nghi ngờ ung thư để có thể phát hiện sớm bệnh. 

Ông Khoa cùng kỳ vọng ứng dụng công nghệ AI trong y tế mang lại lợi ích lớn trong công tác chẩn đoán, phát hiện sớm, lập kế hoạch điều trị cho người bệnh một cách phù hợp nhất, có hiệu quả nhất, nhằm giảm gánh nặng bệnh tật cho Việt Nam. 

Khuyến cáo phòng chống ung thư và các bệnh mạn tính khác, ông Khoa chia sẻ: “Người dân cần phải phòng bệnh bằng thói quen, lối sống, chế độ dinh dưỡng như: Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, bảo vệ môi trường, thói quen ăn uống…

Ngoài ra, người dân cũng cần khám sức khỏe định kỳ, đi tầm soát phát hiện ung thư sớm, nhất là ở 1 số nhóm đối tượng nguy cơ cao như người hút thuốc lá nhiều năm, người trên 45 tuổi, phụ nữ cần tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung…”. 

Theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu – Globocan 2022, công bố ngày 8/2/2024 cho thấy, có 120.000 người tử vong vì ung thư mỗi năm ở Việt Nam.

Mỗi ngày, 330 gia đình phải đối mặt với nỗi đau mất người thân, đó không chỉ là những con số mà còn là 120.000 câu chuyện buồn của hơn 330 gia đình phải đối diện với nỗi mất mát người thân vì căn bệnh này mỗi ngày.

Cũng theo số liệu tại Hội nghị Ung thư Quốc tế về phòng chống ung thư năm 2022, tình hình ung thư ở Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Số ca mắc mới đã tăng gần gấp 3 lần trong hai thập kỷ qua và ngày càng có xu hướng trẻ hóa, từ 68.000 ca vào năm 2000 lên hơn 180.000 ca vào năm 2022.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *