Ông Nguyễn Văn Xuân (64 tuổi, trú TP Nha Trang) bắt tay nghiên cứu các sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường từ 3 năm trước. Sau nhiều lần thất bại, tiêu tốn cả tỷ đồng, vừa qua, sản phẩm bê tông rác thải nhựa của ông Xuân mới thành công và được công nhận.
Ông Xuân chia sẻ, ngày còn trẻ, ông đã trăn trở về vấn nạn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, nhưng không có thời gian, tiền bạc để nghiên cứu. Tuổi hưu, thời gian rảnh rỗi, kinh tế ổn định nên ông bắt tay vào làm.
Đầu tiên, ông Xuân định dùng nhiệt để nhiệt phân nhựa tạo ra dầu. Dầu từ rác thải có thể dùng làm chất đốt hoặc sử dụng cho các động cơ tốc độ thấp, động cơ diesel.
Phương pháp thứ 2 là làm gạch bằng cách gia nhiệt nhựa hóa dẻo, tuy nhiên cả 2 lần đều thất bại do giá thành để ra sản phẩm quá cao. Bên cạnh đó, khi sử dụng nhiệt để đốt, tạo ra khí thải không thân thiện với môi trường.
Khi làm gạch từ rác thải nhựa, ông Xuân hóa dẻo nhựa với mục tiêu thay thế chất kết nối là xi măng. Tuy nhiên, qua tính toán, ông Xuân thấy thực tế giá xi măng rẻ, thân thiện với môi trường, ông lại suy nghĩ: “Tại sao mình phải thay thế xi măng mà không tìm cách kết hợp với chúng?”.
Từ ý tưởng trên, người đàn ông ngoài 60 tuổi lên internet tìm hiểu thông tin. Qua đó, được biết, nhu cầu sử dụng bê tông trên thế giới đứng thứ 2, chỉ sau nhu cầu về nước.
“Theo thống kê, mỗi năm, lượng bê tông được sản xuất trên thế giới khoảng 35 tỷ tấn, trong khi đó rác nhựa thải ra khoảng 300 triệu tấn/năm. Do đó, tôi nghĩ rằng chỉ cần “nhốt” nhựa vào bê tông là cơ bản có thể giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra”, ông Xuân nói.
Theo người đàn ông này, để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình ông đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để nghiên cứu.
“Tôi làm bê tông rác thải nhựa không phải vì tiền, nhưng tính toán làm sao để công trình nghiên cứu của mình có thể làm ra tiền. Nghĩa là phát minh hữu ích, được xã hội công nhận. Có như vậy, thế hệ phía sau mới tiếp tục phát triển, phát huy”, người đàn ông “nhốt” rác thải nhựa vào bê tông trải lòng.
Rác thải nhựa từ các bãi rác, công xưởng được ông Xuân nhập về để “nhốt” vào bê tông.
Theo tính toán, để tạo thành một chiếc ghế đá có trọng lượng 150kg, ông Xuân sử dụng 50kg nhựa. Sản phẩm bê tông từ nhựa của ông Xuân có thể chịu được sức nặng khoảng 300kg, bền và đẹp không khác gì bê tông thông thường, còn giá thành thì thấp hơn 20-30%.
Về vấn đề an toàn của bê tông từ rác thải nhựa, ông nói rằng, dù nhìn thấy hạt nhựa nhưng người dùng không tiếp xúc trực tiếp với nhựa do đã có lớp chống thấm và lớp tạo bề mặt bên ngoài. Ngoài ra, khi sản xuất cũng có thể “nhốt” nhựa vào hẳn bên trong và đổ thêm một lớp bê tông ra bên ngoài để che lấp hoàn toàn những hạt nhựa
Hiện xưởng của ông Xuân có 10 công nhân làm việc với mức thu nhập 8-10 triệu đồng.
Ông Xuân cho biết đang tiếp tục nghiên cứu ra các dòng sản phẩm rác thải nhựa mỹ nghệ, như bình cắm hoa, bình decor trang trí.
“Nếu các sản phẩm mỹ nghệ rác thải nhựa được cộng đồng đón nhận, nhiều rác thải nhựa sẽ được “nhốt” hơn, người lao động có công ăn, việc làm ổn định hơn”, ông Xuân nói.
Rác thải nhựa được nghiền thành dạng hạt để làm thành các sản phẩm đồ mỹ nghệ.
Vừa qua, Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp với ông Xuân trưng bày 30 ghế đá và “Đoạn đường bê tông bằng rác thải nhựa” tại công viên dọc đường Trần Phú (TP Nha Trang) làm từ bê tông và rác thải nhựa, đem đến sự hào hứng cho người dân và du khách.
Ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa, cho biết mỗi ghế đá có thể chịu sức nặng khoảng 300kg và hoàn toàn thân thiện với môi trường, ước tính tồn tại trên 50 năm.
“Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với ông Xuân thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa như xây dựng các đoạn đường bê tông rác thải nhựa, thực hiện các mô hình, vật dụng lưu niệm bê tông từ rác thải nhựa”, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa chia sẻ.