Chỉ số P/B trong định giá ngân hàng

1. CHỈ SỐ P/B LÀ GÌ?

P/B là viết tắt của Price to Book Value Ratio (PBR). Đây là hệ số thể hiện giá cổ phiếu cao hơn tài sản ròng (được ghi trên báo cáo tài chính) của doanh nghiệp bao nhiêu lần.

Ví dụ: hiện tại chỉ số của P/B của Ngân hàng quân đội MBBank là 1.8, tức là để sở hữu cổ phiếu MBB, nhà đầu tư chấp nhận trả 1.8 lần giá trị sổ sách

2. CÔNG THỨC TÍNH P/B

P/B = Giá thị trường/ Giá trị sổ sách của 1 cổ phiếu = Vốn hóa công ty/Vốn chủ sở hữu

Trong đó:

P = Price = Market Price: Giá thị trường tại thời điểm giao dịch

B = Book Value: Giá trị sổ sách của 1 cổ phiếu

3. CHỈ SỐ P/B KHI ĐỊNH GIÁ NGÀNH NGÂN HÀNG

Hệ số P/B thường được sử dụng định giá vì đặc thù của nhóm ngân hàng là kinh doanh dựa trên hiệu suất của tài sản. Khi có một sự thay đổi trong chất lượng tài sản, lợi nhuận sẽ thay đổi rất lớn. Trong năm 2021, lãi suất đầu vào cho các khoản tiền gửi giảm, biên lãi thuần cải thiện, giúp ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.

Mối quan hệ giữa chỉ số P/B và ROE cũng nên được xem xét khi đánh giá ngân hàng. Thông thường, P/B sẽ có tỉ lệ thuận với ROE vì những nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn để mua cổ phiếu của một công ty mang lại nhiều lợi nhuận cho mình. Những công ty có tỉ lệ tăng trưởng cao thường sẽ có chỉ số P/B cao tương ứng.

Ví dụ: Một ngân hàng có chỉ số P/B cao và ROE thấp mang hàm ý rằng tổng tài sản của doanh nghiệp không còn tăng trưởng tốt nữa. Điều này đồng nghĩa với việc, ngân hàng này đang được định giá quá cao. Ngược lại, nhà đầu tư có thể xem 1 ngân hàng với chỉ số P/B thấp và ROE cao là một cơ hội đầu tư tiềm năng. Mối liên hệ giữa P/B và ROE còn được thể hiện qua công thức: P/B = (ROE – g) / (r – g). (Trong đó: g là tỉ lệ tăng trưởng, r là chi phí vốn chủ sở hữu).

Cuối cùng việc kết hợp thêm những chỉ số sau sẽ giúp nhà đầu tư tìm được những cổ phiếu ngân hàng tiềm năng cho mình:

  • NIM: Tỷ lệ thu nhập lãi thuần, là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu. Tỷ lệ này càng cao và cải thiện chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng tốt.
  • CASA: Là loại tiền gửi không kỳ hạn được tính qua từng ngày. Tỷ số này càng cao thì giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn với chi phí càng thấp, từ đó tác động làm tăng hệ số NIM của ngân hàng.
  • NPL: Là chỉ số nợ xấu dùng để chỉ các khoản nợ khó đòi. Ngân hàng càng có tỷ lệ nợ xấu cao thì càng cần phải trích lập dự phòng nhiều hơn và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
  • LLR: Là số dư dự phòng của các khoản nợ xấu, được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu. Việc ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn 100%, có nghĩa là việc xử lý nợ xấu tốt và duy trì được nợ xấu đang thấp hơn số dự trữ đang có. Tỷ lệ này cao có nghĩa là ngân hàng đang trích đủ dự phòng, dùng dự phòng đó xóa đi khoản nợ xấu lâu ngày, đồng thời quỹ dự phòng cũng giảm xuống. Nếu tỷ lệ bao nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản của ngân hàng đó càng tốt.
  • CIR: Là tỷ lệ chi phí trên thu nhập giúp chúng ta xem xét mức độ quản trị hiệu quả của doanh nghiệp. Ví dụ: CIR của MBB là 35.2% và con số này giảm dần qua các năm, chứng tỏ bằng cách nào đó doanh nghiệp đã tiết kiệm được chi phí vận hành
  • Tăng trưởng tín dụng: Là chỉ tiêu quan trọng vì hoạt động tín dụng mang lại nguồn thu nhập trong hiện tại và tương lai của ngân hàng và thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Tổng tài sản

Bài viết có sử dụng một số hình ảnh của Wichart.vn

Hình 1: Mối quan hệ giữa P/B và ROE của VCB
Nguồn: Wichart.vn
Hình 2: Dữ liệu ngành Ngân hàng Việt Nam
Nguồn: Wichart.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *