chi-nua-trieu-dong-cho-mot-lan-tam-theo-kieu-“vui-lap”-toan-than,-vi-sao-nhieu-nguoi-san-sang-trai-nghiem?

Chi nửa triệu đồng cho một lần tắm theo kiểu “vùi lấp” toàn thân, vì sao nhiều người sẵn sàng trải nghiệm?

Trải nghiệm độc lạ: Tắm không cần nước, vùi toàn thân trong cám gạo có gì đặc biệt? Clip: Trung Hiếu.

Vượt nỗi sợ “vùi lấp” toàn thân, nhiều người tò mò trải nghiệm loại hình tắm độc đáo này

Đều đặn 2 lần/tuần, sau giờ tan làm, chị Nguyễn Thị Thương (45 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) lại đến địa điểm tắm enzyme. Nhẹ nhàng nằm xuống lớp cám gạo lên men và chỉ để hở mỗi khuôn mặt, chị Thương cảm nhận hơi ấm dần lan tỏa khắp cơ thể. Chỉ sau vài phút, mồ hôi của chị bắt đầu rịn trên trán, chảy dọc xuống cổ. Chị đã trải nghiệm hoạt động này như một thói quen được 3 tháng nay.

Trước đây, khi tình cờ xem một đoạn clip trên mạng xã hội quay cảnh những người nằm vùi mình trong lớp cám gạo, chỉ hở mỗi khuôn mặt, chị liên tưởng đến cảnh “chôn” mình trong đất. “Màu của cám gạo cũng rất giống màu đất, tôi bị cuốn hút bởi sự lạ lẫm của phương pháp này ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy. Từ đó, tôi quyết định mạnh dạn tới trải nghiệm thực tế”, chị nói.

Chi nửa triệu đồng cho một lần tắm theo kiểu “vùi lấp” toàn thân, vì sao nhiều người sẵn sàng trải nghiệm? - Ảnh 1.

Chị Thương được phủ kín bởi lớp cám gạo lên men, chỉ hở gương mặt khi trải nghiệm tắm enzyme. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo chị Thương, mỗi lần cựa quậy nhẹ trong chiếc hộp gỗ chứa đầy cám gạo, cơ thể chị càng cảm nhận rõ rệt hơi nóng. Hơi ấm thấm dần từ chân lên tay, từ lưng lên vai. Sau 15 phút, khi bước ra khỏi bồn, quần áo chị ướt đẫm mồ hôi. Nhẹ nhàng chà lớp cám còn sót lại trên tay, chị bảo: “Sau khi ra khỏi bồn tắm, tôi cảm giác như vừa đi tập thể dục, các cơ như được giãn hết ra làm cho tôi rất thư giãn”.

Chi nửa triệu đồng cho một lần tắm theo kiểu “vùi lấp” toàn thân, vì sao nhiều người sẵn sàng trải nghiệm? - Ảnh 2.

Người tắm được nằm trong chiếc bồn gỗ hình chữ nhật. Ảnh: Trung Hiếu.

Cũng tìm đến phương pháp tắm enzyme như một cách thư giãn sau ngày làm việc căng thẳng, anh Trần Văn Dũng (45 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) ban đầu chỉ đi cùng bạn để thử cho biết. “Tôi được bạn rủ mãi nên đi thử. Ban đầu cũng hơi ngại vì hình thức này trông lạ quá, cứ như đang bị ‘vùi lấp’ vào một đất vậy”, anh cười nói.

Tắm enzyme dưỡng sinh được cho là ra đời tại Nhật Bản cách đây hơn 70 năm, được tạo ra bởi một số nhà khoa học chuyên về lĩnh vực vi khuẩn và lên men. Kỹ thuật này khác hoàn toàn với các phương pháp xông hơi khác.

Thực tế, khi lần đầu tiên nhìn thấy bồn cám gạo lên men, anh Dũng có phần do dự. “Tưởng tượng đến cảnh nằm im trong bồn, chỉ hở mỗi khuôn mặt, tôi thấy hơi ái ngại. Ban đầu tôi cũng nghĩ, không biết có nóng quá không, có ngứa hay bí bách không… Cảm giác khi thử có phần lạ lẫm khi nằm giữa một bể cám mềm và ấm. Nhưng sau vài phút, cơ thể đổ mồ hôi và thả lỏng dần, giúp tôi thấy nhẹ nhõm hơn”, anh nói.

Theo anh Dũng, điều khiến anh duy trì trải nghiệm này không chỉ là cảm giác thư giãn mà còn vì nó giúp giảm căng thẳng đáng kể: “Mỗi lần trải nghiệm xong là tôi thấy cơ thể ‘nhẹ’ đi rất nhiều, tối về cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn”.

Chi 500.000 đồng để tắm enzyme: Không phải ai cũng có thể trải nghiệm

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Đào Anh Đức – chủ một cơ sở tắm enzyme tại Hà Nội cho biết, khách hàng trải nghiệm hình thức tắm này sẽ nằm trong bồn dạng hộp gỗ hình chữ nhật, kích thước rộng 1m, dài 2m, sâu 0,6m. Mức nhiệt trong bồn có thể dao động từ 55 đến 70 độ. Người tắm nằm phủ mình trong đó, chỉ để hở phần mặt.

“Bồn enzyme không sử dụng điện hay khí đốt, mà nhờ vi sinh vật sinh nhiệt để làm nóng lớp cám gạo. Mùi của cám thay đổi theo mùa, mùa đông thường nặng hơn, còn mùa hè hay thu thì nhẹ hơn”, anh nói. Để duy trì chất lượng enzyme, bồn cần được “cho ăn” thêm cám gạo mới, kết hợp đảo trộn thủ công.

Chi nửa triệu đồng cho một lần tắm theo kiểu “vùi lấp” toàn thân, vì sao nhiều người sẵn sàng trải nghiệm? - Ảnh 3.

Theo anh Đức, cám gạo sẽ được cho thêm vào bồn tắm với tần suất đều đặn để duy trì chất lượng enzyme. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo anh Đức, dịch vụ tắm enzyme hiện có mức giá từ 500.000 – 550.000 đồng/lần, với tổng thời gian trải nghiệm khoảng 60 phút. Trong đó, thời gian khách hàng nằm trong bồn thường kéo dài khoảng 15 phút, họ sẽ được xoa bóp tay, chân, cổ, vai gáy và lưng để thư giãn và cuối cùng là nằm nghỉ để cơ thể thích nghi lại với trạng thái bình thường rồi tắm tráng bằng nước sạch.

Đôi tay thoăn thoắt trải đều lớp cám quanh vai và cánh tay khách hàng, anh Đức tiếp lời: “Tùy lượng người tắm nhiều hay ít thì bên mình sẽ căn thời gian để thay cám trong thùng, thông thường tần suất sẽ là 1 – 3 tháng/lần, mỗi lần thay khoảng 1/3 hoặc là 1/2 lượng cám trong bồn tắm. Bên mình sẽ không phục vụ những khách hàng vừa uống bia, rượu hoặc người có vết thương hở, hay phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai thời kỳ đầu”.

Chi nửa triệu đồng cho một lần tắm theo kiểu “vùi lấp” toàn thân, vì sao nhiều người sẵn sàng trải nghiệm? - Ảnh 4.

Mức nhiệt trong bồn tắm có thể dao động từ 55 – 70 độ C. Ảnh: Trung Hiếu.

Vị chủ cơ sở này khẳng định, tắm enzyme không phải là liệu pháp để chữa bệnh. “Đối tượng khách tới trải nghiệm dịch vụ tắm enzyme chủ yếu từ 40 tuổi trở lên. Đa số họ đều tâm sự rằng đây là cách giúp cơ thể thư giãn, ngủ ngon hơn khi về nhà. Sau khi đăng tải video lên mạng xã hội, nhiều người tò mò và tìm đến trải nghiệm. Tuy nhiên, số khách tối đa mà bên mình phục vụ trong 1 ngày chỉ là 8 người để đảm bảo nhiệt độ trong bồn cám gạo được tốt nhất có thể”, anh Đức nói thêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *