Chủ nhật, ngày 20/04/2025 19:00 GMT+7
Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 20/04/2025 19:00 GMT+7
Trước vụ việc triệt phá đường dây thuốc giả “khủng” hàng trăm tỷ ở Thanh Hoá gây xôn xao dư luận, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tra cứu thuốc tại trang chính thức để phân biệt thật – giả trước khi mua.
Liên quan tình trạng thuốc giả xâm nhập thị trường, chiều 20/4, trao đổi với PV Dân Việt, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), khuyến cáo người dân cần chủ động tra cứu nguồn gốc thuốc trước khi mua.
Theo ông Hùng, chỉ cần vài thao tác, người dân có thể kiểm tra loại thuốc mình định mua là thật hay giả.

Cụ thể, người dân có thể truy cập trang tra cứu chính thức tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc. Nếu tên thuốc không xuất hiện trên hệ thống, chắc chắn đó là thuốc giả. Trong trường hợp có tên thuốc nhưng thông tin về nhà sản xuất, số đăng ký hoặc đơn vị phân phối không khớp, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác vì đây có thể là sản phẩm giả mạo.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên mua thuốc tại các nhà thuốc hợp pháp, có đăng ký hoạt động, thay vì qua mạng xã hội hoặc qua tay người quen. Bởi theo cơ quan chức năng, thuốc giả hiện được phân phối dưới vỏ bọc “nhân viên dược sĩ”, “hàng xách tay” với lời quảng cáo hấp dẫn, giá rẻ hơn thuốc chính hãng.

Lãnh đạo Cục Quản lý dược cũng cho biết thủ đoạn của các đường dây sản xuất thuốc giả ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường thuê kho xưởng ở khu vực hẻo lánh, ít người qua lại để tổ chức sản xuất. Công nhân chủ yếu là người quen, sống khép kín trong kho để tránh bị phát hiện. Sau khi có thành phẩm, thuốc giả được trộn lẫn với thuốc thật, hoặc đóng gói giống sản phẩm thật rồi phân phối nhỏ lẻ ra thị trường.
“Tỉ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đều dưới 0,1%. Trong năm 2023-2024, một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội báo cáo phát hiện một số lô thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion giả… Các sản phẩm này thường được giới thiệu là hàng dư từ thầu bệnh viện, không xuất hóa đơn nên giá mềm, hoặc mạo danh hàng nhập khẩu để lấy lòng tin người mua. Khi đã xây dựng được lượng khách ổn định, các đối tượng mới bắt đầu bán toàn bộ thuốc giả tự sản xuất”, ông Hùng nhấn mạnh.
Để ngăn chặn thuốc giả, Bộ Y tế đang phối hợp với các địa phương, Ban chỉ đạo 389 và lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động tự bảo vệ mình bằng cách kiểm tra nguồn gốc thuốc trước khi sử dụng.
Ông Hùng cho biết thêm, theo thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa và các đơn vị liên quan, đến nay chưa phát hiện thuốc giả từ đường dây vừa bị triệt phá xuất hiện trong các cơ sở khám chữa bệnh.
“Thuốc giả do các đối tượng làm ra không thể vào bệnh viện công lập do không có giấy tờ hợp lệ để tham gia đấu thầu, chủ yếu được bán trên mạng và kênh bán lẻ. Với bệnh viện tư, nếu tuân thủ đúng quy định, mua thuốc từ cơ sở có đủ điều kiện, có hóa đơn chứng từ thì cũng không có nguy cơ bị thuốc giả xâm nhập”, ông Hùng nói.
Trong ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký văn bản gửi Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng… để kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý theo quy định.
Bộ Y tế chỉ đạo, xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật, thông tin kịp thời để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân viên y tế , người bệnh, người nhà và người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm.
