CHỈ LÀ VÀI ĐỒNG LẺ, NHƯNG SAO LẠI CÓ MỘT SỐ NGƯỜI ĐỂ Ý NHƯ THẾ?

Tôi từng nhìn thấy một bà lão, vì ngồi xe bus để nhầm tiền vào hộp, vốn chỉ cần để vào một đồng (3500 VNĐ), nhưng lại để nhầm năm đồng (18000 VNĐ), thế là bà ấy đã van nài người tài xế cả một đoạn đường. Bởi vì người đi xe quá đông, người tài xế luôn tập trung lái xe nên cũng không để ý, bà lão nói hết mười mấy phút nhưng ông ấy cũng mắt điếc tai ngơ như không nghe thấy. Bà lão đành ngồi sụp xuống một bên mà khóc.

Một cô gái ở bên cạnh thấy thế không nhịn được, liền lấy trong ví ra năm đồng đưa cho bà, nói rằng không phải bà bỏ nhầm tiền vào đâu, tiền bà bị rơi trên đất đây mà.

Bà lão nhìn cô gái, nắm lấy tay cô rồi nói: Cảm ơn cháu, nhưng tiền của bà không có mới thế này đâu.

Tôi từng nhìn thấy hai người vợ chồng bán bánh quẩy chiên, trong lúc khách quá đông đã đưa nhầm tiền thừa cho người ta, không biết là đã đưa thừa mười đồng (36 nghìn VNĐ) hay hai mươi đồng (70 nghìn VNĐ), họ đã chạy theo người khách đó hết mấy phút. Vị khách đó đi xe moto, không biết là thật sự không nghe thấy hay giả vờ không nghe thấy, đạp chân ga quẹo vào khúc cua mất biệt.

Người phụ nữ đó ngã ngồi trên đất, đầu gối bị xước chảy máu, vừa khóc vừa mắng chồng mình là một tên mù.

Anh chồng mặt đỏ bừng không nói gì, đi qua đỡ vợ dậy rồi tự tát mình một cái thật mạnh.

Tôi từng bắt gặp một bé gái mặt cái quần bò cũ nát, phía sau vác theo một cái bao, trên một con đường không có đèn, cúi đầu đi loanh quanh. Lúc đó trời đã vào đông rồi, cô bé bị lạnh đến trắng bệch mặt mày.

Chúng tôi dừng xe bên cạnh cô bé hỏi: Em gái, em đang làm gì vậy?

Hai mắt con bé đỏ bừng: Em làm mất tiền.

Bạn gái tôi bảo: Nhanh về nhà đi, trời tối như thế ba mẹ em sẽ lo lắng đấy.

Con bé nghẹn ngào đáp: Chị ơi, chị không biết đâu, số tiền đó là do bà đưa em để mua sách vở, bà phải nhặt ve chai một tháng mới dành dụm được bấy nhiêu tiền đó ạ.

Dưới cái nhìn của bạn, chỉ vì một chút tiền mà đến nông nổi đó?

Năm đồng (18 nghìn VNĐ) thì chỉ bằng một lon nước ngọt, mười đồng (36 nghìn VNĐ) vừa hay đủ hai tiếng ở tiệm net, hơn ba mươi đồng (108 nghìn VNĐ) cũng chỉ bằng tiền một bao thuốc lá.

Nhưng đối với họ mà nói, chút tiền đó là hy vọng của họ, là áp lực lớn nhất trong cuộc đời họ. Một chút tiền đó là cọng rơm để họ níu lại khi sắp chết đuối.

Thế giới này rất thích lấy mình để làm thước đo cho người khác, bạn nhìn quen những ánh đèn đỏ xanh rực rỡ, mỗi ngày ra ngoài đều thấy những phố phường phồn hoa, những tòa nhà cao tầng chọc trời, đồ bạn mua đều là từ những cửa hàng chuyên dụng, thì đương nhiên đối với bạn cái khổ cái nghèo đó không tồn tại, có chăng chỉ là sự đồng tình và cười cợt.

Chúng ta đừng chỉ nhìn lên trời cao vời vợi, mà hãy học cách nhìn xuống dưới chân mình.

Những người nói tiền không quan trọng, đó thường đều là những người chưa trưởng thành.

Lúc học cấp ba, tôi thường vung tiền phung phí, tiền tiêu vặt một tháng hơn ngàn tệ, trong đó quẹt thẻ mua quần áo đã hết mấy trăm đồng, hết tiền rồi thì đi vay khắp nơi, không vay được nữa thì về nhà mở tủ của ba “lấy”, có một lần lén lút về nhà lấy hết một ngàn đồng (tương đương 3 triệu 6 VNĐ), lúc chuẩn bị tìm lũ bạn để đi ăn ngon thì bị ba tôi bắt được, ngại nhất là cơ hội để nói dối cũng không có. Ba vừa mở cửa thì vừa hay nhìn thấy tôi đang vui vẻ lấy tiền của ba. Lúc đó tôi nghĩ: Toang rồi! Toang rồi! Lần này chết chắc rồi!

Ba trầm giọng hỏi: Xài hết tiền rồi?

Tôi đỏ bừng mặt gật đầu, chuẩn bị nghênh đón một trận đòn nhừ tử, kết quả ba chỉ hỏi: Chú tâm học hành một chút, đừng có lúc nào cũng chỉ biết ở ngoài vui chơi.

Nhìn thấy ba cầm một cái giỏ, bên trong có bốn cái bánh màn thầu, lại nhớ đến trên bàn ăn chỉ có hai đĩa rau, đây là những gì ba dùng để ăn tạm bợ cho qua bữa trưa. Lúc này tôi mới biết xấu hổ, tôi có thể sống thoải mái như vậy, chẳng qua là do có người đã gánh vác giúp tôi phần cực khổ. Tôi hỏi: Buổi trưa ba ăn cái này sao?

Ba cười cười đáp: Dù sao nhà cũng không có ai, ăn uống đơn giản là được rồi.

Tôi cúi đầu không biết nên nói gì, ba vỗ vai tôi rồi nói ra một câu mà tôi không kiềm được nước mắt:

“Ừ nhỉ, con vẫn chưa ăn đúng không, đi thôi, chúng ta ra ngoài ăn.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *