Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô tại Đông Nam Á, có một mẫu xe ô tô nội địa đứng đầu bảng xếp hạng bán chạy tại quốc gia đó trong một năm – đó là mẫu xe Vinfast Fadil tại Việt Nam. Còn hãng Vinfast đã đứng vị trí thứ 4 trong danh sách những hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam, vượt qua nhiều hãng xe Nhật, EU… Vị trí mà chưa từng có hãng xe Đông Nam Á nào đạt được tại quốc gia của họ.
Đó có phải là thành công không? Dù với những người khó tính nhất, cũng phải đồng ý đây là một thành tích rất đáng ghi nhận. Vậy Việt Nam có thể thành công hơn nữa không? Đó là một câu hỏi của tương lai. Nhưng tương lai phải được xây dựng từ hiện tại.
Các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã “buff” rất lực cho các hãng xe nội địa của họ, nhưng sự thành công là chưa thấy đâu. Thậm chí còn manh nha xuất hiện đã lụi tàn. Liệu Việt Nam có thể làm khác họ hay không? Thành công ban đầu nhưng có đi một con đường dài hơn hay không?
Xe điện là một xu thế không cần bàn cãi gì nữa, mặc dù vẫn còn rất nhiều người băn khoăn về nó – trong đó có mình. Nhưng tầm nhìn về xe điện của thế giới là tương đối rõ và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Chính vì thế, Việt Nam đã có những chính sách “buff” tương đối rõ ràng cho xe điện, ví dụ như giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn giảm lệ phí trước bạ… với ô tô điện. Trước đó, cũng đã có những ưu đãi rõ rệt với các mẫu xe lắp ráp tại thị trường Việt Nam.
Chính phủ đã trao cờ đến tay rồi thì cố gắng mà phất thôi…
Một trong những câu chuyện được tranh cãi nhiều ngày trước đó là chuyện Vinfast “ngừng sản xuất xe xăng và chuyển hoàn toàn sang xe điện”. Người bi quan thì cho rằng đó là câu chuyện “theo chồng bỏ cuộc chơi”, người lạc quan thì đánh giá rằng xu hướng xe điện khiến Vinfast không thể “nửa nạc nửa mỡ”. Một là thành công, hai là thành…. bại.
Mình không quá rành về xe điện nói riêng và ô tô nói chung, chỉ nói về cảm quan của một người dân bình thường. Nếu họ thành công thì đây dĩ nhiên là một điều đáng mừng, vì Việt Nam cần nhiều cú hích kinh tế trong tương lai đến từ các tập đoàn tư nhân. Các quốc gia Đông Á đồng văn với chúng ta đều có cốt lõi từ các doanh nghiệp nội tại. Mấy chục năm qua, thị trường ô tô Việt Nam đều bị thống trị bởi các cái tên đến từ nước ngoài. Trong 2 – 3 năm trở lại đây, Vinfast và phần nào đó là Thaco đã khiến cho cuộc chơi đã không còn chỉ dành cho ngoại quốc nữa. Dĩ nhiên, không thể đưa ra một mặt hàng tệ rồi gặm nhấm lòng yêu nước được.
Trong tương lai gần, rất mong là có một cuộc canh tranh sòng phẳng đến từ hãng xe Việt. Chúng ta có thể đi sau họ nhiều năm trong xe xăng, nhưng tại xe điện, tất cả đều có một giãn cách không đáng kể. Một điều mà Vinfast có căn cứ để thành công là hệ thống trạm sạc chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối tại Việt Nam (40 ngàn cổng sạc với khoảng 8000 điểm sạc, bằng khoảng ½ so với hệ thống trạm xăng dầu ở Việt Nam, và dự kiến lên tới 150 ngàn cổng sạc). Các hãng xe khác ở Việt Nam gần như chưa có hệ thống các trạm sạc điện.
Hôm nay đọc bài phỏng vấn tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nói vui chút, điều khiến mình giống tỷ phú nhất có lẽ là mong muốn trao tình yêu thương vô bờ bến với con cái và cố gắng dạy con cái trở thành một người tử tế và đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam. Điều này là điều mà một người cha, người mẹ nào cũng muốn làm.
Còn những cái khác, như tỷ phú đã nói trong buổi nói chuyện với bác Nguyễn Mạnh Hùng – Viettel cách đây không xa, là muốn hình ảnh Việt Nam lan tỏa ra thế giới.
Có nhiều doanh nghiệp đang thành công ở bên nước ngoài và mạnh mẽ ở thị trường trong nước, như Viettel, Vietjet, Trung Nguyên, Hòa Phát, Thaco, Vinamilk… nhưng chúng ta cần nhiều hơn nữa. Phải gấp vài chục lần con số như hiện tại, phải có nhiều doanh nghiệp mãi mãi một tinh thần khởi nghiệp.
“Việt Nam phải có ít nhất một thương hiệu được thế giới công nhận. Chúng tôi đã thử một số lĩnh vực và thấy chỉ có VinFast và chỉ có xe điện mới có thể là cơ hội để đạt được điều này. Mặc dù sẽ không đơn giản.”
—
#tifosi
Nguồn ảnh: VNEXPRESS