CHẾ THẮNG PHU NHÂN- MỘT CUNG PHI MẪN TIỆP THÔNG TUỆ, MỘT TUYỆT SẮC GIAI NHÂN BƯỚC RA TỪ VĂN THƠ

Chế Thắng phu nhân tên húy là Nguyễn Thị Bích Châu, là Thần phi của vua Trần Duệ Tông. Tuy nhiên, trong chính sử Việt Nam hiện nay, và cả trong Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, không hề có ghi chép về bà và những sự kiện liên quan. 

Vì vậy, để kể về người cung phi họ Nguyễn này, trước hết phải nhắc đến quyển Truyền Kì Tân Phả của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Nguyễn Thị Bích Châu xuất hiện trong truyện Hải Khẩu Linh Từ (Đền Thiêng Cửa Biển), và đã thật sự sống lại như một người bằng xương bằng thịt dưới tài dẫn văn khéo léo, lôi cuốn của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. 

Nguyễn Thị Bích Châu (có tài liệu ghi là Nguyễn Cơ Bích Châu), tự là Bích Lưu, sinh năm 1356 ở Hải Hậu, Nam Định. Bà là con gái của vị đại thần nổi tiếng nhất mực ngay thẳng Nguyễn Tướng Công và bà Phạm Phu nhân sắc nước hương trời. Vì ở tận tuổi 40 mới sinh ra Bích Châu nên gia đình Nguyễn Tướng Công xem con gái như châu ngọc, lưu ly quý báu mà trời ban tặng nên đặt tên là Bích Châu.

Càng lớn, Bích Châu càng xinh đẹp, tài giỏi. Nhờ sự dạy dỗ toàn diện về văn võ của gia đình, bà sớm thông tuệ văn chương, thơ phú, hơn nữa còn giỏi cầm kỳ thi hoạ. Mới 13 tuổi, bà đã thông thuộc “Tứ Thư Ngũ Tuyệt”. Tài năng và sắc đẹp của bà đã khẳng định bà chính là một viên ngọc quý báu, đúng như cái tên Bích Châu của bà.

Năm bà 16 tuổi (tức năm Quý Sửu 1373), vua Trần Duệ Tông thấy bà thông hiểu âm luật, tư dung xinh đẹp nên tuyển vào cung làm phi. Đang ở tuổi cập kê, Bích Châu nhan sắc rực rỡ, lại văn hay chữ tốt không phi tần nào sánh bằng, nên vua Duệ Tông sủng ái bà hết mực. Vào cung không bao lâu, bà đã được phong hiệu Thần phi, được vua thường xuyên gọi là Ái phi Bích Châu.

Có giai thoại kể rằng, vào Tết Trung Thu, khắp cung treo đèn lồng sắc trắng chen đủ màu rất đẹp, yến tiệc linh đình, cung nữ múa hát khắp nơi. Lúc đó Duệ Tông bỗng cao hứng ra câu đối:

“Thu thiên ngọa các quải ngân đăng, nguyệt trung đan quế.”

(Trời thu gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng)

Lúc mọi người còn đang suy nghĩ, vua đã liếc mắt sang Nguyễn Bích Châu. Bà liền mỉm cười, ung dung đối lại rằng :

“Xuân sắc trang đài khai bảo kính, thủy để phù dung.”

(Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước)

Vua khen ngợi hồi lâu, và thưởng cho đôi ngọc long kim nhĩ (hoa tai vàng cẩn ngọc hình rồng nổi). Kể từ đó, bà càng được vua trân quý hơn nữa, ban hiệu là Phù Dung.

Cung phi Bích Châu còn là một nhà chính trị tài giỏi, biết nhìn xa trông rộng. Cái giỏi chính trị ở bà là xuất phát từ lòng nhân từ và yêu đất nước, yêu con dân. Chính vì lẽ đó, bà được vua cho ở bên cạnh, phụ giúp việc triều cương.

Ở thời vua Duệ Tông, nhà Trần đứng trước nguy cơ suy yếu, tuy vua Duệ Tông có lòng muốn khôi phục lại đất nước, nhưng tính tình ông lại vô cùng hiếu thắng, nóng nảy, lại thiếu bản lĩnh. Bích Châu thấy vua có tính xấu như vậy, còn đất nước thì càng ngày càng đổ đốn thì rất buồn phiền, liền dành hết tâm huyết để viết ra “Kê Minh Thập Sách” – mười điều để trị quốc an dân nhằm khuyên bảo nhà vua nên tập trung chấn chỉnh đất nước. Khi đem dâng lên cho Duệ Tông, vua rất đỗi cảm phục, tấm tắc khen hay, nhưng sau đó vua lại chẳng thèm động đến nên không thực hiện được điều nào. 

Điều đáng nói ở đây là, khi dâng lên “Kê Minh Thập Sách”, Nguyễn Thị Bích Châu chỉ mới độ 18 tuổi. Tuổi đời còn nhỏ, lại là phận nữ nhi khuê các không được coi trọng trong việc lớn, nhưng tư tưởng của bà lại không hề nhỏ chút nào. Tài trí của bà, công tâm mà nói, đối với thời đại phong kiến xưa quả thật ngang tầm với trình độ của nhiều quan lớn, công thần, thậm chí nếu so với Duệ Tông cũng có phần ngang ngửa. Tuy kế hoạch bất thành nhưng có thể suy xét rằng bà là người người ngay thẳng, chính trực, dám đứng ra “chỉnh đốn” nhà vua.

Ở phía hậu cung, vì Thần Phi chỉ mới vào cung được vài năm, nhưng lại được vua yêu chiều, sủng ái hết mực nên khó tránh khỏi việc ganh ghét, tranh đoạt. Dù trong những điển tích, sử sách về bà không nhắc nhiều đến việc này, nhưng việc tranh giành chốn hậu cung là điều thường thấy, huống hồ Bích Châu lại tài giỏi như vậy. Tuy vậy, có một truyện được truyền miệng rằng, bởi vì Bích Châu là người nhân từ, thông minh, lại không tranh giành với ai, được Hoàng thượng ban lụa là gấm vóc đều đem đi phân phát, nên được người trong hậu cung vô cùng nể trọng, không ai dám gây khó dễ.

Tài giỏi là vậy, nhưng cuộc đời của bà về sau lại chuyển hướng vô cùng bi kịch.

Năm 1376, nước ta thường xuyên bị Chiêm Thành quấy rối. Duệ Tông rất giận, tính tình nóng nảy bộc phát nên muốn thân chinh giết giặc. Ngự sử trung tán Lê Tích có ý can gián, bảo rằng giặc kia chỉ là hạng tầm thường, cần gì vua phải thân chinh đánh giặc. Vua nghe lời can gián, tỏ ý không vui. Thấy vua vẫn giữ chủ ý đánh giặc và thậm chí có ý khinh địch, lúc lui vào cung, Thần phi Bích Châu mới làm biểu văn phân tích lợi hại dâng lên. 

“Thiếp trộm nghĩ, rợ Hiếm Doãn ngang tàng quá lắm, từ trước quen thân, rợ Hung Nô kiệt biệt ghê gớm, đến nay càng tệ. Vì cướp bóc là cái thói thường của man di mà dụng binh không phải bản tâm của vương giả. Chiêm Thành nhỏ xíu kia ở mếch nơi hải đảo, năm xưa kéo quân vào Nhị Thủy nhòm thấy nước ta bất hòa, khi ấy tiếng trống động ngoài biển, chỉ vì lòng dân chưa ổn. Cho nên dám tung đàn ruồi nhặng để múa cỏ, có khác nào giơ càng bọ ngựa ngăn bánh xe. 

Nhưng thánh nhân rộng lượng bao hàm, không thèm cùng với tiểu nhân so sánh, và trị đạo trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàm, trị cái rắn dùng cái mềm, phục người xa lấy đức. Ngu bệ múa can vũ, bảy tuần tức khắc Miêu đến chầu. Hạ cung gẩy thiết cầm, chẵn tháng tự nhiên Hồ quy phục. Đó là thượng sách, mong quan gia xét đoán cho minh.”

Theo một thuyết cho rằng, biểu văn của bà vững chắc về mặt lập luận, không khác Trương Đỗ bao nhiêu, nhưng xét về mặt quan tâm đến con dân thì có phần nhỉnh hơn vị quan họ Trương kia nhiều. Dù vậy, vì thói trọng nam khinh nữ nên chỉ có biểu văn của Trương Đỗ được ghi chép, còn của Bích Châu thì không.

Tuy nhiên, nếu suy xét trong lịch sử thì không có bà Bích Châu, vì vậy có lẽ việc bà can gián vua cũng chỉ là truyền thuyết. Tuy nhiên, có thể nói rằng Bích Châu chính là đại diện cho những quần thần ngăn cản vua xuất binh. Bà cũng có thể là hiện thân của Ngự Sử Đại Phu Trương Đỗ, bấy giờ ngăn cản vua rất kịch liệt, sau ba lần dâng tấu sớ không thành, ông bỏ mũ từ quan. Câu chuyện can gián của kỳ nữ Bích Châu có lẽ là lấy ý tưởng từ việc triều thần không ủng hộ vua, nhưng bà không “bỏ mũ từ quan”, mà câu chuyện của bà vẫn còn tiếp tục.

Tuy Bích Châu ngăn cản vô cùng nhưng Duệ Tông lại ngó lơ, không thèm trả lời biểu văn. Vua bắt đầu sắp xếp lại quân đội đợi ngày ra thao trường. Bích Châu thấy bản thân can ngăn không được, nàng không yên tâm, bèn bỏ ăn bỏ ngủ, ngay cả việc làm đẹp, chuyện hậu cung cũng không màng, xin phép được theo hộ giá. Lúc đầu vua tỏ ý không chịu, nhưng sau vì nàng van nài quá nên đành chấp thuận. Nàng là một trong nhiều cung phi được theo hầu vua.

Năm Bính Thìn 1377, Duệ Tông cầm 20 vạn binh tiến đến Chiêm Thành theo đường biển, năm ngày sau tiến đến một cửa biển lớn, ghé vào nghỉ tại bãi Bạch Tân. 

Trong lúc nghỉ ngơi, vào một đêm nọ, Bích Châu ngồi bên cửa sổ ngắm cảnh, nhan sắc trong veo tựa trăng rằm. Bỗng dưng trên trời xuất hiện mây vần vũ, Bích Châu lấy làm lạ, bèn bói thử một quẻ. Trong Truyền Kỳ Tân Phả, Đoàn Thị Điểm viết : “Nàng ngồi dậy bói một quẻ Kinh Dịch, trúng vào quẻ “phục” biến sang quẻ “di”, trong lòng tự đoán rằng: trong quẻ, “dụng đảng” nhiều, “thể đảng” ít, “ngoại khí” vượng “nội khí” suy. Vả hào từ nói “mê lại dữ, có tai vạ”, đi hành quân thế nào cũng đại bại.”. Bích Châu có tài bói toán, dự cảm trước điềm không lành của trận chiến này, tuy nhiên, chính dự cảm đó đã góp phần tạo nên cái chết bi thương của bà.

Có hai truyền thuyết về cái chết của Nguyễn Thị Bích Châu.

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, vua Trần Duệ Tông năm đó có ý khinh địch rõ ràng, luôn dương dương tự đắc. Năm 1377, khi quan quân nhà Trần tiến đến cửa biển Thị Nại rồi đánh đến kinh thành, vua Chiêm là Chế Bồng Nga mới bày mưu, cho người trá hàng nói rằng Chế Bồng Nga đã bỏ trốn khỏi thành. Duệ Tông tưởng quân ta chiếm ưu thế nên không phòng thủ nữa, hơn nữa còn muốn nôn nóng đánh ngay vào thành.Tuy nhiên, đến nửa đêm, quân Chiêm lại tấn công bất ngờ vào doanh trại. Biết quân ta mắc bẫy, vua lại đang hoảng hốt, Chế Thắng phu nhân cưỡi ngựa mặc giáp, dẫn đầu quân lính. Phong thái của bà vô cùng anh dũng, hào quang toả ra xung quanh, khí thế mạnh mẽ. Nhưng sau đó, quân ta thất thủ, Bích Châu không may trúng tên độc rồi từ trần. Còn về phần vua Duệ Tông, ba ngày sau cũng băng hà vì bị thương quá nặng.

Theo truyền thuyết là vậy, nhưng trong lịch sử ghi rằng, vua Duệ Tông cùng các tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hoà, Phạm Huyền Linh cùng tử trận trong vòng vây của giặc khi tiến đánh kinh thành nước Chiêm. Ở chi tiết này, lại một lần nữa, chúng ta có thể thấy Chế Thắng phu nhân chính là hình ảnh của các vị tướng đã hi sinh anh dũng cho đất nước. Bà cũng cưỡi ngựa, cầm kiếm đánh giặc không khác gì bậc nam tử hán, và cũng hi sinh như các vị tướng kia.

Sau đó, linh cữu vua được đưa về theo đường bộ, còn linh cữu Thần phi theo đường biển, nhưng đến cửa bể Kỳ Hoa thì gió Đông Bắc tràn xuống nên không thể đi tiếp, triều đình đành xuống chiếu an táng bà tại đó. 

Còn một truyền thuyết thứ hai về cái chết của Nguyễn Thị Bích Châu. Truyền thuyết này là nhắc đến sự mê tín của quan quân thời đó, chính là tục hiến tế.

Theo Đoàn Thị Điểm viết, Bích Châu đem quẻ bói của mình trình bày cho vua xem, giải thích rằng sắp có chuyện không lành, mong nhà vua chuẩn bị lục quân để phòng thủ. Đêm hôm đó, lúc nghỉ chân tại cửa bể Kỳ Hoa, vua nằm mơ thấy một người cao lớn, râu ria xồm xoàm, mặc áo gấm, cúi đầu nghiêng mình. Vua hỏi :

“Ngươi là ai ? Đêm khuya tới tìm ta vì chuyện gì?”

“Tôi là đô đốc vùng Nam Hải, đi làm quan ở nơi giang hồ, hiện còn thiếu người nội trợ, nghe nói bệ hạ cung tần rất nhiều, nay ngẫu nhĩ gặp nhau cho nên nổi sóng mạnh để thay câu thơ Hoa đường. Vậy xin ban cho nàng Tử Vân, tôi sẽ kết cỏ ngậm vành mong có ngày báo đáp. Nếu chỉ để làm của riêng thì tôi không thể nào bỏ qua được vậy !”

Vua giật mình tỉnh giấc, đem chuyện nằm mộng kể cho quần thần, cung phi. Các cung phi theo hầu nghe vậy thì không muốn phải đi làm vợ Hà Bá, mặt ai cũng tái mét nhìn nhau. Lúc đó biển nổi cơn sóng lớn, gió gào rít ngoài khơi, sóng đánh ập vào làm hư hại các thuyền chiến. Thần phi Bích Châu thấy vậy liền đứng ra xin được hiến thân mình để bảo đảm an toàn cho toàn quân:

“Cái nguy sóng gió kia chứng nghiệm đã báo trước qua quẻ bói. Nếu không phải là oan khiên ngày trước cũng tất là nghiệp chướng ngày nay. Thiếp đây không dám tham luyến phồn hoa, tiếc thân bồ liễu, xin trả cho xong cái nợ trước mặt vậy.”

Vua đập bàn tức giận, có ý bảo rằng mình là vua một nước, sao phải vì vài lời mê tín mộng mị mà làm khổ vợ mình. Bích Châu lại khẩn khoản xin rằng : “… Vả lại trong khi hành quân, tướng sĩ là trọng, ân ái là nhẹ, đời xưa có người giết vợ vứt con cũng là do vạn bất đắc dĩ.”

Sáng hôm sau, quan quân tập trung ở bãi biển. Vua luyến tiếc buồn bã không muốn rời xa Bích Châu. Bích Châu liền tâu rằng :

“Thiếp không tiếc chết đi để dân chúng yên bình, bao năm hầu hạ chăn gối quan gia là phúc đức của thần thiếp. Chỉ mong khi trở về, xin bệ hạ sửa văn, nghi võ, dụng người hiền làm điều nhân nghĩa như đế vương, dựng chước lâu dài cho nhà nước, được như thế thì u hồn thiếp có thể ngậm cười nơi chín suối vậy”.

Tận đến lúc chết, Bích Châu vẫn không quên nghĩ cho dân chúng, nước nhà, quả thực rất đáng quý.

Bà ngồi trên con thuyền độc mộc nhỏ, dáng vẻ xinh đẹp u uất tiến ra biển khơi. Ai cũng lấy làm thương tiếc, tiếng khóc vang cả vùng. Trời bỗng nổi gió, sóng cuộn trào từng đợt, cuốn mất lấy chiếc thuyền của Bích Châu. Sau đó, sóng yên gió lặng. Vua lập tức hạ lệnh tiến quân, nhưng trúng phải quỷ kế của Chế Bồng Nga. Lần ấy, vua Duệ Tông bại trận và chết trong quân. Đó là ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ 1377.

Đã có ghi chép nói rằng, việc có một cung phi chết ở cửa biển Kỳ Hoa là có thật, tuy nhiên không rõ có phải là bà Bích Châu hay không.

Cái chết của bà đã làm hậu thế thương tâm. Cả hai truyền thuyết đều nói lên sự hi sinh cao cả vì dân, vì nước của bà. Bà mất năm 1377, lúc đó chỉ mới 21 tuổi, hầu hạ vua được 5 năm. Dẫu biết bản thân là cung phi được sủng ái, có thể sống tiếp cùng vua, nhưng bà chọn cách tự nguyện hiến tế để đảm bảo an toàn cho đất nước. 

Nhưng Đoàn Thị Điểm đã viết một cái kết có hậu cho bà. Trong Truyền Kì Tân Phả chép rằng, “một thế kỷ sau, năm Canh Dần 1470, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua cửa biển Kỳ Hoa, Nàng Bích Châu báo mộng xin nhà vua cứu giúp. Vua sai làm tờ điệp trách vua Thủy tề là Quảng Lợi vương, bắn ra biển. Vua Thủy tề liền ra lệnh tróc nã giao thần, thần thuồng luồng. Thi hài nàng Bích Châu nổi lên mặt nước, vẫn xinh đẹp tuyệt trần như người nằm ngủ. Nhà vua sai làm lễ mai táng nàng ở bãi Bạch Tân, lại sai lập đền thờ ở cửa biển và có sắc phong nàng là Chế Thắng phu nhân.”

Đền thờ Chế Thắng phu nhân được sửa sang vô cùng nguy nga lộng lẫy, được đặt tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hằng năm, đến tháng 2 Âm lịch, người địa phương và du khách thập phương lại hành hương về đền thờ Thánh Mẫu để tế lễ, dâng hương tưởng nhớ đến ngày mất của Bà và cầu phúc cho bản người thân và gia đình.

Có ý kiến cho rằng, bởi vì ở thời của Đoàn Thị Điểm sử sách còn được lưu giữ đầy đủ nên có thể Nguyễn Thị Bích Châu là một nhân vật có thật, bởi vì trong truyện Hải Khẩu Linh Từ, cốt truyện chính xác từ thời gian, địa điểm cho đến cả thời tiết. Nhưng dù bà có thật hay không, thì bà vẫn là hình ảnh đại diện cho nhân dân, quan viên thời đó, được miêu tả như một người yêu nước nhưng vì triều đại đã sụp đổ nên đành hi sinh đầy thương tiếc. Lúc còn sống bà đã trung can nghĩa khí, tận tâm với nước, khi chết đi vẫn còn giữ trọn đạo hạnh. Khá nhiều chi tiết trong các câu chuyện về quân thần nhà Trần dưới thời vua Duệ Tông tương tự với Hải Khẩu Linh Từ, nên có thể kết luận rằng truyền thuyết về Bích Châu là được tạo nên từ những câu chuyện của vị quan liêm chính, tài năng và yêu nước, đáng để hậu thế noi theo. Bà xứng đáng là viên châu ngọc sáng ngời của thời nhà Trần.

Để câu chuyện về bà được lưu giữ ngàn đời, Lê Thánh Tông đã làm một bài thơ ca ngợi Chế Thắng phu nhân như sau :

Phiên âm

Bản thị Hy Lăng cung lý nhân,

Lâm nguy vị quốc độc vong thân.

Yên phong nhất trận đào hao lãng,

Xuân dạ tam canh độ nhược tân.

Hàn thủy vô đoan mai Sở phụ,

Hương hồn hà xứ điếu Tương quân?

Ta hồ, bách vạn hùng binh lữ,

Bất tận thư sinh nhất hịch văn!

Dịch thơ

Nàng xưa cung nữ của Hy Lăng,

Vì nước lâm nguy, quyết xả thân.

Một trận gió yêu gây sóng cả,

Hồn nương bến bãi suốt đêm xuân.

Bỗng dưng sông lạnh vùi thân gái,

Biết chốn nào đây viếng nữ thần?

Chán nhỉ, vạn ngàn quân tướng mạnh,

Chẳng bằng tờ hịch gã thư sinh!

Sáu câu đầu Lê Thánh Tông ca tụng đức xả thân cứu nước của bà Bích Châu, hai câu kết có ngụ ý chê Trần Duệ Tông và tự đề cao mình. Có lẽ hương linh của bà Bích Châu không vui, vì chạm vào tình cảm kính trọng chồng. Vì thế, khi Lê Thánh Tông thắng trận, lúc khải hoàn qua đây, bà lại báo mộng, tạ ơn Hoàng đế đã cứu mình, với lời van xin: “Bài thơ nhà vua đề ở Đền lời ý đều hay, duy hai câu kết có ý phẩm bình chuyện cũ, khiến lòng thiếp không được yên!”

Hoàng đế tỉnh dậy, sửa ngay hai câu kết thành: “Cương thường vạn cổ ưng vô quý/ từ hạ thư cưu hý thủy văn”. Dịch rằng: “Vạn cổ cương thường lòng chẳng thẹn/ Thư cưu giỡn sóng dưới chân đền”.

Lan Thanh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *