Chấp nhận bản thân là phiên bản không hoàn hảo

Ai có thể cho bạn sự tự tin khi bản thân bạn còn không tin chính mình? Ai có thể cho bạn sự giàu có khi bạn còn không biết trân trọng những đồng tiền mà mình kiếm được? Ai có thể giúp bạn đẹp hơn, quyến rũ hơn, hấp dẫn hơn khi bản thân bạn lại từ chối chính cơ thể mình?

“Một nghiên cứu từ nhà tâm lý học Ethan Kross của Đại học Michigan chỉ ra rằng người dành nhiều thời gian cho facebook nhiều hơn thường cảm thấy buồn và cô đơn. Trong hơn hai tuần, Kross và các đồng nghiệp của mình đã gửi tin nhắn cho 82 cư dân Ann Arbor năm lần mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu muốn biết một số điều: đối tượng của họ cảm thấy như thế nào, mức độ lo lắng và cô đơn, mức độ sử dụng Facebook và tần suất họ tương tác trực tiếp với người khác kể từ tin nhắn văn bản trước đó. Dữ liệu cho thấy càng nhiều người sử dụng Facebook trong khoảng thời gian giữa hai văn bản, họ càng cảm thấy ít hạnh phúc hơn và sự hài lòng của họ càng giảm từ đầu nghiên cứu cho đến khi kết thúc nghiên cứu”.

Mỗi lướt mạng xã hội với vô vàn hình ảnh của hàng triệu người trên khắp thế giới đang cố gắng khoe những thành tựu vật chất mà họ sở hữu, chúng ta có xu hướng phủ nhận những thứ mình đang có. Chúng ta thấy dường như ai cũng cuộc sống mơ ước, ai cũng có những thành tựu đáng ngưỡng mộ. Chỉ riêng mình thì không!! Cùng với những áp lực thực tế từ gia đình, xã hội và chính bản thân, chúng ta dần rơi vào trạng thái hoang mang, chán nản và bế tắc.

Khi mạng xã hội chưa phổ biến, tôi nghĩ con người có thể đã hạnh phúc hơn hiện tại rất nhiều. Trước đây chúng ta chỉ có thể so sánh với những người xung quanh mình trong vòng tròn rất nhỏ từ hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp. Sự so sánh ấy dẫu tồn tại nhưng chưa có sức mạnh đủ lớn khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp đến mức rơi vào vào một số căn bệnh về tâm lý. Căn bệnh này đã trở nên được quan tâm hơn bao giờ hết khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng 70% những người thành công đều mắc phải căn bệnh này. Đó là hội chứng kẻ mạo danh.

Hội chứng kẻ mạo danh là hiện tượng miêu tả những người không có khả năng nhận ra thành tựu của chính mình. Thuật ngữ này được hai nhà tâm lý học lâm sàng là Pauline R.Clance và Suzanne A.lmes tạo ra năm 1978 và thường dùng để nói về phụ nữ. Các nhà tâm lý học cho rằng những người mắc hội chứng này tin bản thân mình không xứng đáng với thành công, mặc dù thành công này đều có bằng chứng rõ ràng. Họ có xu hướng không ghi nhận nỗ lực của chính mình và cố gắng tỏ ra hoàn hảo, ít sai sót nhất trong mắt người khác. Họ đặc biệt nhạy cảm với những lời nhận xét hoặc góp ý mang tính xây dựng từ những người xung quanh hoặc những lời bình luận trên mạng xã hội.

Khi xã hội hiện đại đặt ra quy chuẩn người phụ nữ hoàn hảo là phải “vừa đảm việc nước, vừa giỏi việc nhà” cũng là lúc phụ nữ gồng mình lên để trở nên xứng đáng trong mắt người khác. Vai trò lẫn trách nhiệm của người phụ nữ được đẩy lên cao quá mức. Để đáp ứng kỳ vọng của xã hội lẫn của chính bản thân, người vợ, người mẹ phải gồng mình lên để đảm bảo nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, con cái được chăm sóc chu đáo vừa hoàn thành công việc tại cơ quan. Mọi thứ phải thật hoàn hảo, không được sai sót, không được lệch đi một chút nào.

Họ đóng rất nhiều vai trong vở kịch cuộc đời, làm người phụ nữ hiện đại thành công, làm dâu hiền vợ thảo, mẹ khéo chăm con ngoan nhưng họ quên mất rằng họ cũng chỉ là một người bình thường với đủ cảm xúc vui buồn và những nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng. Họ mải miết đi chăm sóc người khác mà quên mất rằng chính mình cũng cần được chăm sóc, nghỉ ngơi.

Khi lập gia đình và có con, tôi cũng cố gắng trở thành “nữ cường nhân” mà mạng xã hội và các trang báo thường dành rất nhiều giấy mực để ca ngợi. Một người vợ biết chiều chồng, lại biết chăm con. Một người phụ nữ giỏi giang, vừa kiếm được nhiều tiền vừa thu vén tốt việc gia đình. Tất nhiên là ngoài kia nhiều người phụ nữ vẫn làm được nhưng xuất phát, hoàn cảnh của tôi không giống họ. Tôi không có chồng hỗ trợ vì anh thường phải đi công tác xa. Tôi không có người giúp chăm sóc con cái khi tôi vắng mặt nhiều ngày. Thậm chí chỉ gửi con vài giờ để đi ra ngoài có việc gấp mà tôi đã phải cuống cuồng lên để kịp về nhà. Tôi cũng không có đủ tài chính để thuê hai ba người giúp việc một lúc. Tôi càng không có đủ thời gian để vừa chăm sóc bản thân vừa chăm con nhỏ. Tôi nhận ra thực tế là càng cố gắng chạy theo người khác, tôi càng mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi tất cả.

Mấu chốt của việc chúng ta cố gắng trở nên hoàn hảo là vì chúng ta không chấp nhận những khiếm khuyết của chính mình. Chúng ta nhìn vào tiêu chuẩn của xã hội, của người khác, so sánh nó với những gì mình có và cảm thấy thiếu hụt. Một người luôn cảm giác “tôi không có” thường cố gắng vợ vào những thứ bên ngoài càng nhiều càng tốt mà không biết rằng họ đã có tất cả những thứ mà họ cần. Ngay cả những điều mà họ cho là “khiếm khuyết” lại những thứ mà người khác khao khát mà không có được!

Ai có thể cho bạn sự tự tin khi bản thân bạn còn không tin chính mình? Ai có thể cho bạn sự giàu có khi bạn còn không biết trân trọng những đồng tiền mà mình kiếm được? Ai có thể giúp bạn đẹp hơn, quyến rũ hơn, hấp dẫn hơn khi bản thân bạn lại từ chối chính cơ thể mình?

Chúng ta có thể khoác lên người rất nhiều tấm vải đẹp, đeo lên rất nhiều trang sức lấp lánh, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ để có chiếc mũi, má lúm đồng tiền nhưng rồi chúng ta sẽ nhận ra tất cả những thứ này đều thỏa mãn chúng ta nhất thời. Chúng ta cảm thấy tự hào trong một thời gian ngắn rồi lại cảm thấy không hài lòng mấy nữa. Và chúng ta lại chạy theo những xu hướng mới, những trào lưu mới mà người khác đặt ra. Khi mãi chạy theo những thứ hư vô, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ cảm thấy mang thêm một chiếc bông tai lên thôi cũng tựa như mang một hòn đá.

Đôi lúc cuộc sống vô cùng bế tắc, bạn cảm thấy tuyệt vọng cũng là điều dễ hiểu. Bạn trải qua những ngày tồi tệ, những tuần tồi tệ, những tháng tồi tệ cũng không sao cả. Quan trọng là chúng ta không thể bản thân chôn vùi cuộc đời mình trong cảnh bế tắc đó mãi mãi. Nếu muốn khóc hãy khóc thỏa thích. Chúng ta phải cảm thấy buồn để biết mình cần thay đổi điều gì trong cuộc sống và chấp nhận những điều bản thân mình không thể làm. Chỉ khi chấp nhận mọi chuyện đang diễn ra chúng ta mới có thể vượt qua và tiếp tục sống. Khi chấp nhận cả những giới hạn của bản thân mới có thể buông bỏ một cách dễ dàng những gì không thuộc về mình và chọn cho bản thân những gì mình có thể làm tốt nhất.

Chúng ta thường cố gắng vượt ra khỏi vùng an toàn để thành công nhưng có một điều chúng ta quên là đừng ép bản thân mình đi quá xa khi tâm trí và thể xác đều không đủ vững vàng. Chúng ta cũng thường cố gắng trở nên hoàn hảo trong mắt người khác mà không biết sự thật là không hoàn hảo cũng tuyệt vời. Chính vì chấp nhận bản thân là một phiên bản cần được mài dũa, bổ sung mà chúng ta cho phép người khác bước vào cuộc đời mình, đồng hành cùng chúng ta hoàn thiện chúng. Chính vì chấp nhận bản thân cũng là một phiên kém hoàn hảo nên chúng ta bao dung hơn với sự khác biệt và những khiếm khuyết của người khác. Nên, thay vì cố gắng tỏ ra hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh, nỗ lực hoàn thiện mình trong từng bước nhỏ là cách mà chúng ta nên làm. Chúng ta có thể nhìn vào những người thành công để học hỏi và trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng đừng đánh mất bản thân khi mãi chạy theo họ!

Câu hỏi gợi mở: Đâu là những nguyên nhân cốt lõi khiến bạn phải tỏ ra hoàn hảo trong mắt người khác hoặc hoàn hảo với bản thân mình? Đó là những lý do bên trong, thật sự muốn như vậy hay liên quan đến một nỗi sợ nào đó? Liệt kê ra 3 nhu cầu hoàn hảo của bạn trong cuộc sống hàng ngày lẫn công việc và tự hỏi bản thân xem tại sao bạn cần hoàn hảo trong những việc này? Chúng có hữu ích trong công việc lẫn nâng cao chất lượng sống của bạn không? Chúng thật sự là nhu cầu của bạn để hoàn thiện bản thân hay để chứng tỏ với người khác?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *