Dám hạnh phúc

Hôm nay mình sẽ review quyển sách “Dám hạnh phúc” – đây là phần tiếp theo của quyển “Dám bị ghét”. Đọc hết quyển sách này và nghiền ngẫm mình mới hiểu rõ hơn về tâm lý học Adler qua việc thể hiện sâu sắc về “tình yêu”.

– Dám hạnh phúc nói về cuộc gặp gỡ giữa chàng thanh niên và triết gia sau 3 năm kể từ lần gặp cuối. Kể từ khi chia tay ngày ấy, chàng thanh niên nay đã trở thành một nhà giáo mong muốn đem tư tưởng của Adler đến với các học trò. Nhưng trong quá trình thực hành tư tưởng của Adler chàng thanh niên đã gặp nhiều vấn đề chưa biết cách giải quyết vì chưa hiểu rõ được cảm thức cộng đồng, nay chàng thanh niên quay lại gặp triết gia với mong muốn từ bỏ tâm lý học Adler vì cho rằng tư tưởng của Adler là không thực tế, xin tóm tắt một vài vấn đề quan trọng trong cuộc chuyện trò thâu đêm giữa hai người:

– Mở đầu về các vấn đề trong giáo dục, tâm lý học Adler đề cao sự tôn trọng và dân chủ, hướng dẫn và trợ giúp nhằm hướng đến sự tự lập cho mỗi cá nhân. Không đồng tình với thưởng phạt và cạnh tranh mà đề cao sự hợp tác, con người không cần phải cạnh tranh nhau mà chỉ cần hợp tác cùng nhau phát triển.

Tôn trọng là quan tâm để các em có thể trưởng thành, phát triển vì chính bản thân các em. Không áp đặt giá trị quan của bản thân mình mà để các em tự hình thành và phát triển giá trị quan của chúng.
Dân chủ nghĩa là học sinh chính là người chủ của lớp học, tương tự như nhân dân làm chủ đất nước. Giáo viên chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn và trợ giúp học trò, cho sự hình thành và phát triển. Không nên có thái độ điều khiển, điều chỉnh vì như thế không có gì là sự tôn trọng cả.
Triết gia cho rằng chàng thanh niên chưa hiểu rõ về tâm lý học Adler nên đã thực hành chưa đúng với những vấn đề đó. Đó là bởi vì chàng thanh niên chưa từng trải qua “tình yêu”, chỉ những ai từng yêu mới hiểu được Adler.

– Quan điểm của Adler về tình yêu là: tình yêu là nhiệm vụ do hai người thực hiện, thực hiện một cuộc đời hạnh phúc, tìm kiếm hạnh phúc trong cảm giác cống hiến (cho và nhận). Tình yêu là xây dựng hạnh phúc của cả hai không thể tách rời. Nhiệm vụ do hai người thực hiện (cống hiến) là không ưu tiên hạnh phúc của một trong hai, nếu một trong hai người không hạnh phúc thì chẳng có nghĩa lý gì. Vì vậy cần mưu cầu hạnh phúc của “chúng ta” chứ không phải hạnh phúc của anh hay hạnh phúc của tôi.

– Để có một tình yêu hạnh phúc, cái “tôi” cần phải biến mất, hay nói một cách khác “tình yêu là sự giải phóng cái tôi”.
Tự lập chính là thoát khỏi bản tính ích kỷ (cái tôi). Chỉ yêu người khác chúng ta mới được giải thoát khỏi bản tính ích kỷ. Chỉ yêu người khác chúng ta mới tự lập được. Và chỉ có yêu người khác chúng ta mới có thể có được cảm thức cộng đồng.

– Tâm lý học Adler cho rằng con người sợ “yêu” vì yêu là hành động không có gì là đảm bảo, không biết người đó có nảy sinh tình cảm với mình hay không, họ sợ mình sẽ bị tổn thương, sẽ đau khổ. Sở dĩ như vậy bởi vì họ không tin tưởng, không yêu chính bản thân mình, luôn mang cảm giác tự ti nên mặc định rằng trong quan hệ tình yêu chắc chắn mình sẽ tổn thương, sẽ đau khổ, rằng làm gì có ai yêu một kẻ như mình… Chính vì thế mà Adler cho rằng “dám yêu” mới là khó.

– Mọi mối quan hệ giữa người với người đều hình thành dựa trên tiền đề “chia ly”. Như thế thì chúng ta chỉ có thể nỗ lực không ngừng nghỉ để hướng tới một cuộc “chia ly tốt nhất” trong mọi cuộc hội ngộ, mọi mối quan hệ giữa người với người để thời gian chia sẽ cùng người khác là không hề lãng phí.
Hãy dám yêu, dấn thân vào tình yêu và nỗ lực không ngừng nghỉ để hướng tới sự “chia ly tốt nhất” với người mình yêu. Không cần bận tâm đến giới hạn thời gian hay gì cả.
Do đó chúng ta hãy cứ yêu thôi, bất chấp người đó có nghĩ gì về mình. Yêu là nhiệm vụ của mình, còn đối phương đáp lại tình yêu của mình như thế nào đó lại là nhiệm vụ của họ, mình không thể điều khiển được, điều mình có thể làm được chỉ là “yêu trước” mà không thụ động chờ đợi, vì có chờ đợi cũng chẳng thay đổi gì.

Riêng bản thân, tôi đã từng trải qua những cuộc chia ly trong tình yêu nhưng đa phần trong số đó đều chưa đạt đến sự “chia ly tốt nhất”, một trong số đó chỉ mang đến sự nuối tiếc, không trọn vẹn. Bởi vì bản thân tuy có sự chủ động, nhưng đã không nỗ lực đủ để đem lại hạnh phúc cho “chúng ta”, quan trọng hơn là vẫn cần sự nỗ lực và vun đắp của cả hai người. Dù cho những sự chia ly có nhiều nuối tiếc nhưng bản thân cũng phải chấp nhận, từ đó thay đổi bản thân sống tốt hơn và tiếp tục tiến bước cho các nhiệm vụ cuộc đời.

– Cuối cùng để hướng tới một cuộc “chia ly tốt nhất” và lâu dài, Adler coi tình yêu như trò chơi “khiêu vũ” mà ở đó hai người cùng tham gia vào một công việc chung, không nghĩ đến việc sẽ đi đâu, chỉ nắm lấy tay nhau nhìn thẳng vào hạnh phúc của hôm nay, vào khoảnh khắc hiện tại mà tiếp tục khiêu vũ, quỹ đạo khiêu vũ một điệu nhảy dài đó chính là định mệnh trong tình yêu mà mọi người luôn hằng mong đợi.

– Lòng can đảm dám yêu cũng có nghĩa là lòng can đảm dám hạnh phúc mà quyển sách muốn truyền tải. Ai cũng có thể hạnh phúc ngay từ giây phút này, chỉ có điều, chúng ta không thể hưởng thụ hạnh phúc nếu chỉ đứng yên tại chỗ. Cần phải tiếp tục tiến bước trên con đường mình đã đặt chân lên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *