QUẢ TÁO THẦN KÌ CỦA KIMURA

Ai đọc hết chấm 1 chấm (.)
Ai không đọc hết chấm 2 chấm (..) để mình biết mình viết lởm thế nào nhé😅.

QUẢ TÁO THẦN KÌ CỦA KIMURA
“Trong cuộc đời này ít nhất hãy một lần làm kẻ ngốc”, Akinori Kimura nói vậy đấy. Nghe thì có vẻ ngầu, gì chứ ngốc thì ai chả làm được, khôn mới khó. Nhưng nếu đọc về cuộc đời trồng táo của ông mới thấy ngốc như ông ít người làm được lắm. Cái sự ngốc của ông cuối cùng cũng được đền đáp, quả táo ông trồng bổ đôi ra không bị chuyển sang màu nâu, để hai năm không hề bị thối mà chỉ teo lại. Quả táo của ông được mệnh danh là thứ trái cây thần kì nhất thế giới, ai cũng mong ước một lần được thưởng thức.
Cái sự ngốc của ông đã cứu sống một chàng trai trẻ tuổi bế tắc muốn tự tử, ông nói rằng nếu đến mức định chết thì trước đó cứ thử thành kẻ ngốc một lần xem sao đã. Cứ điên với một thứ, đến lúc nào đó, chắc chắn sẽ tình cờ gặp được câu trả lời.
Ông điên đến nỗi trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật, điều mà chính ông cũng không biết là trên đời này tồn tại, vì từ lúc biết nhớ đến khi lấy vợ, mọi người ở quanh ông đều phun thuốc định kì theo lịch để trồng táo, nếu không thì lá cũng không còn chứ nói gì đến quả. Trong một lần vào thư viện tìm sách về động cơ máy kéo, vô tình ông làm rơi cuốn :”Nông pháp tự nhiên” do Fukuoka Masanobu viết nên mua về vì nhỡ làm, bẩn. Cuốn sách tình cờ đó ghi lại phương pháp canh tác liên tục gieo lúa, lúa mỳ và cỏ ba lá, khi thu hoạch chỉ cần cắt ngọn, rơm để khắp ruộng, không cần làm gì nữa.
Nhưng lúa và táo không hoàn toàn giống nhau, khí hậu ở vùng Aomori của ông cũng khác Ehime của cụ Fukuoka. Nhìn vườn táo không phun thuốc của ông với những vườn phun thuốc xung quanh chẳng khác nào thiên đường và địa ngục. Vườn táo bị sâu bệnh đến 1 chiếc lá cũng rụng sạch, nói gì đến ra quả, ông bắt sâu không mỏi mệt từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đã 7 năm rồi vườn táo trụi lủi không lá không hoa. Khi ngủ có nằm mơ ông cũng nghĩ đến việc làm cách nào trị bệnh cho cây, làm không thiếu một cách gì trên đời. Ông thử hòa bột mỳ, tạo thành dung dịch hồ rồi phun, rải rượu chưng cất pha loãng, phun cả mù tạt, phun cả lòng trắng trứng, thậm chí pha loãng sữa bò với nước rồi phun, hay pha cả xà phòng rửa tay thành dạng sữa rồi phun. Ông cứ làm đi làm lại những việc ngu ngốc như vậy, đẩy gia đình vào chân tường.
Từ gia đình khá giả mấy đời trồng táo sung túc, bây giờ không có tiền mua gạo, cả nhà 7 miệng ăn cháo, đến rau vườn trồng được cây nào mang bán mua gạo hết rồi, vợ chồng ông nhường cháo cho con, hái rau dại nấu canh miso cứng ngắc. Các con gái của ông không đủ tiền mua bút chì, chì cụt vợ ông lại dính 2 mẩu ngắn với nhau để con viết tiếp, quần áo rách thì khâu vá lại, con gái ông nói tại sao bắt con phải thực hiện giấc mơ của cha? Ông cũng lên thành phố làm đủ nghề mưu sinh, làm phu khuân vác, phục vụ bàn cho quán rượu, đến độ bị người ta đánh gẫy răng. Nhưng nếu ông không làm cái điều trồng táo không phun thuốc thì ai sẽ làm, không ai cả, đã 7 năm rồi vườn táo trụi lủi, ông có nản lòng không, đã từng nghĩ đến việc bỏ cuộc chưa?
Có đấy, ông thường không ngủ được, tung chăn giữa đêm, ra lán ngồi cạnh các thùng đựng táo rỗng tuếch, nhắm mắt lại, cứ thế đến tận sáng. Ông bị cha mẹ đẻ từ bỏ, bị bạn bè thân khuyên can không được nên xa lánh, bị người dân trong làng dị nghị, nên ông đi làm khi trời chưa tỏ và về khi tối mịt để đỡ gặp người. Ông đi qua từng gốc táo và cầu xin chúng đừng chết, không ra hoa cũng được nhưng đừng chết, từng cây từng cây một đều được ông cầu xin như thế. Một hôm ông bện dây thừng lại, và đi lên núi Iwaki, ông nghĩ nếu ông chết đi sẽ giải quyết được mọi việc, không làm gánh nặng cho gia đình nữa. Đến lưng chừng núi, ông nghĩ đến đây là đủ rồi, quăng dây vào 1 ngọn cây, nhưng bị trượt, đến cái việc quăng dây treo cổ cũng không làm được, đúng là bỏ đi mà. Cái dây nó rơi vào 1 cây táo dại, không, là cây dẻ, tại sao cây lại cho được ngần này lá, không ai lên đây phun thuốc trừ sâu cả, ông bất giác cho đất vào miệng, mùi ngai ngái xộc vào mũi và lan tỏa trong miệng. Ông đã tìm ra sự khác biệt, đó là đất. Đất được ủ ấm bởi cỏ dại, được cày xới bởi rễ cỏ dại. Ông đã tìm được câu trả lời, hệ sinh thái trong đất đã bị biến đổi sau rất nhiều năm phun thuốc trừ sâu, lượng vi sinh vật trong đất bị giảm đi rất nhiều. Ông bắt đầu gieo đỗ tương, không phát cỏ nữa, cỏ dại bắt đầu mọc, dưới tán cỏ, côn trùng bắt đầu kêu, rồi cây táo khỏe hơn một chút.
Cứ như thế sau 8 năm thì vườn táo 800 cây của ông ra được 7 bông hoa, đậu 2 quả, ông thắp hương tổ tiên và ăn, thấy ngon và ngọt như chưa từng được ăn, mặc dù ông lớn lên giữa làng táo. Sau 9 năm thì cả vườn táo đồng loạt ra hoa, ngày hôm đó ông mang rượu đi thiết đãi từng cây táo, ông rót một chút vào cây và cũng uống một ít. Ông cảm ơn cây táo đã ra hoa cho ông. Những bông hoa đã cho ra quả vào mùa thu, nhưng quả to cỡ…bóng bàn. Ông không biết ai sẽ cần thứ táo không phun thuốc này, ông mới đến Osaka- nơi sầm uất này chắc người ta sẽ thích ăn táo sạch. Nhưng 10 thùng táo ông mướt mồ hôi mang từ quê lên chỉ bán được cho vài người. Nhưng được thế giới này chấp nhận hay không không phải vấn đề. Cái đó là việc thế giới quyết đinh. Bản thân mình đi con đường này là được. Sau đó ra sao thì ra.
Mấy tuần sau một bức thư gửi đến.Là từ người khách được ông trao cho một túi nhét đầy táo, đến mức rách cả túi giấy ở Osaka: “Tôi chưa từng được ăn quả táo nào ngon đến như thế. Xin hãy gửi tiếp cho tôi”.
Vậy đấy, ông ngốc đến nỗi nằm dưới tán cây táo, ngắm con bướm đẻ trứng, đếm được mấy quả, rồi lại ngắm con bọ cánh cam đẻ trứng ngay bên cạnh. Ông thấy 1 nửa số trứng nở trước ăn táo của ông, 1 nửa còn lại là nguồn thức ăn cho bọ cánh cam con nở ra ở mấy quả trứng gần đó. Tự nhiên vốn dĩ công bằng và thông minh hết sảy. Chỉ có con người là ngu ngốc mới không nhận ra thôi. Tôi thật sự bị khuất phục trước sự ngu ngốc của ông. Cảm ơn ông đã ngu ngốc nhiều đến thế, mong một lần trong đời được nếm thử trái táo Kimura- trái táo bây giờ to hơn quả bóng bàn nhiều rồi:x.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *