Bỏ nghề giáo, đưa ống hút đi… Tây
Ngày cuối tháng 3, anh Trịnh Đình Toàn (34 tuổi) tất bật với những đơn hàng ống hút tre để kịp giao cho khách. “Từ đầu năm đến giờ, đơn hàng của tôi xếp chồng, hàng chục công nhân làm tăng ca mà vẫn không kịp hàng gửi đi”, anh Toàn nói.
Trước khi thành công như hiện nay, anh Toàn là kỹ sư cơ khí chế tạo máy và có thời gian là giảng viên của một trường Cao Đẳng công nghệ ở miền Nam. Đồng lương giáo viên thấp, không đủ trang trải nên anh rời bục giảng, đi làm tại một công ty chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn.
Theo anh Toàn, dù là sinh viên học khối kỹ thuật, song anh rất nhạy bén với thị trường và có niềm đam mê chơi sáo trúc. Khi đang theo học tại Trường Đại học sư phạm kỹ thuật, anh “đu trend” thành công khi bắt kịp xu hướng mốt chơi sáo của giới trẻ nên đã khởi nghiệp bằng việc mua trúc về làm sáo, bán kiếm tiền.
Sau thời gian làm việc ở công ty, tích góp được một số tiền, anh Toàn rủ thêm 2 người bạn mua tre, trúc, máy móc, mở xưởng chế tạo nhạc cụ. “Năm 2015, mọi người đang thích chơi sáo nên có tháng, 3 anh em thu về 150 triệu đồng”, anh Toàn chia sẻ.
Năm 2018, phong trào chơi sáo đi xuống, thấy xu hướng của giới trẻ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường nên anh quyết định làm ống hút tre tại tỉnh Đồng Nai. “Ống hút tre khi đó rất hút khách, mỗi tháng tôi thu lãi vài trăm triệu đồng”, anh Toàn kể.
Theo anh Toàn, để làm ra chiếc ống hút không đơn giản. Những cây tre được lựa chọn kỹ càng với chiều dài đốt khoảng 20cm, có đường kính 5-13mm. Sau đó đưa đi cắt gọt, phơi sấy, đánh bóng thủ công.
Sau khi hoàn thiện, ống hút sẽ có mặt ngoài trơn nhẵn, bên trong có lớp lụa và đã được làm sạch 100%. Khi sử dụng, ống hút này có mùi tre đặc trưng, thanh nhẹ rất dễ chịu. Ống hút được tái sử dụng nhiều lần và phân hủy trong vòng 3-6 tháng.
“5 năm trước, ống hút tre ở Việt Nam là một khái niệm mới nhưng với một số nước trên thế giới thì không. Tôi không gặp khó khăn khi quảng bá sản phẩm, các sản phẩm làm ra đều được các công ty xuất khẩu đặt hàng đưa đến các nước ở châu Âu”, anh Toàn vui vẻ kể.
Từ vỡ nợ đến doanh thu tiền tỷ
Năm 2020, khi công việc đang thuận lợi thì dịch Covid-19 ập tới khiến các đơn hàng ngày càng ít. Anh Toàn gắng gượng, cố tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Không lâu sau, anh nhận được đơn hàng lớn của một khách hàng người Đức. Không chần chừ, ông chủ 9X huy động tối đa công nhân tập trung sản xuất, đáp ứng yêu cầu khách hàng. Thế nhưng, đây cũng là cú vấp ngã khiến anh trắng tay.
“Vị khách rất nhiệt tình. Ông ấy đến tận xưởng để đặt hàng lấy ống hút tre vào chuỗi siêu thị ở Đức. Tôi đi vay mượn đầu tư nguyên liệu, thuê thêm nhân công để làm. Khi làm xong hàng, tôi gọi điện cho ông ấy lấy hàng nhưng không hiểu vì sao đầu dây bên kia lại không liên lạc được. Toàn bộ số hàng bị hư hỏng sau thời gian đợi khách”, anh Toàn nhớ lại.
Lần “bom” hàng của vị khách khiến anh Toàn vỡ nợ hơn 1 tỷ đồng. Năm 2021, vợ chồng anh về quê, vay vốn ngân hàng để làm lại từ đầu.
Nhận thấy ở quê có nguồn nguyên liệu tre, luồng dồi dào, anh quyết định tiếp tục khởi nghiệp với ống hút tre. Anh bắt đầu bằng việc thành lập Hợp tác xã (HTX) tre Thăng Thọ. Chỉ một thời gian ngắn, HTX của anh bắt đầu có những đơn hàng, sớm vực lại thương hiệu ống hút tre.
Hiện mỗi tháng anh Toàn bán cả triệu ống hút, doanh thu gần 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ống hút, anh còn sản xuất thêm một số sản phẩm như bình giữ nhiệt, hộp đựng chè, khay đựng bánh kẹo, thước học sinh, móc chìa khóa, cốc uống nước…
Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTX của anh Toàn còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, mức lương 5-15 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Thời gian tới, anh Toàn định hướng mở rộng, làm thêm đồ dùng nhà bếp, đồ dao, dĩa bằng tre để xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á.
Ông Phạm Quang Thuyên, Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ, cho biết HTX tre của gia đình anh Toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm từ tre, luồng của HTX được xuất ra nước ngoài, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 200 lao động ở địa phương.
“Tương lai, địa phương sẽ quy hoạch 5ha tại khu đồng Nấp, thôn Thọ Khang để phát triển các sản phẩm làng nghề trong đó có các sản phẩm của HTX tre Thăng Thọ”, ông Thuyên nói.