Một đêm mùa hạ.
Cơn gió nhẹ khẽ lay ngọn lửa của chiếc đèn lạc đặt ở góc phòng, khiến những bóng người trong cung điện tạo thành những hình ảnh lạ mắt đung đưa trên vách.
Cung nữ, thái giám, ngự y. Còn có cả…
– Quan gia!
Ta gượng ngồi dậy để cúi chào người mặc long bào đang đi tới. Người vội chạy đến đỡ ta, cử chỉ dịu dàng, giọng nói đầy vẻ khẩn trương:
– Hậu cứ nghỉ ngơi!
Người để ta dựa vào lồng ngực rắn chắc, lắng nghe từng nhịp tim khắc khoải.
– Quốc Khang sắp đến rồi!
Ta mỉm cười, thầm cảm ơn người bao năm qua vẫn luôn nhớ đến đứa con tội nghiệp của ta. Quốc Khang… năm nay đã được mười một tuổi, càng lớn càng giống cha…
Giống hệt người đã vĩnh viễn giam chặt trái tim ta, gần hai mươi năm trước.
Lần đầu gặp mặt tại hoàng cung, người vỗ tay tán thưởng điệu múa của một con bé vụng về vừa tròn sáu tuổi.
Lần thứ hai gặp mặt, người đưa em trai vào cung ra mắt phụ hoàng, ngang qua vườn ngự uyển, khẽ tặng ta một nụ cười hiền.
Lần thứ ba gặp mặt, có trống kèn náo nhiệt, đèn hoa lộng lẫy, phụ hoàng bảo ta về làm vợ của người.
Ta không hiểu thế nào là chồng vợ, cũng không biết phải làm gì mới đúng. Ai cũng bảo họ Trần đang muốn giành ngôi họ Lý, ta nghe không hiểu, cũng không muốn nghĩ xấu về người. Một thân một mình giữa vương phủ đầy xa lạ, trong lòng ta chỉ có lo sợ và lo sợ, mang đôi mắt ươn ướt đến gặp người:
– Liễu ca ca, lấy chồng là như thế nào vậy?
Người, khi ấy chỉ vừa mười ba tuổi nhưng đã có dáng vẻ của một vị dũng tướng, ôm ta vào lòng, thân thiết vỗ về:
– Ngọc Oanh ngoan, vợ chồng là một gia đình, giống như cha mẹ của ta, từ nay Liễu ca ca và Ngọc Oanh sẽ là một gia đình, Ngọc Oanh có thích hay không?
– Rất thích!
Ta vùi mặt vào vòng tay ấm áp của người, ngủ một giấc an yên.
Năm năm tháng tháng, ta và người cùng nhau khôn lớn. Khi người luyện kiếm, ta gảy đàn. Khi người đọc sách, ta lặng lẽ pha trà. Cuộc sống tưởng như không gì có thể bình yên hơn thế.
Có lúc người đưa ta vào thăm phụ hoàng và Phật Kim, lúc quay về sẽ ôm chặt để ta òa khóc, lắng nghe từng tiếng nấc, từng câu đớn đau mai mỉa của ta.
Cơ nghiệp tổ tiên ta mấy đời truyền lại, dòng dõi đế vương của họ Lý nhà ta, người cha đế vương điên dại của ta, cô em gái vừa lên ngôi nữ hoàng của ta…
Chỉ hơn kém nhau hai tuổi, cuộc đời của chị em ta đã khác nhau như vậy. Ta có người ở cạnh chở che, còn Phật Kim phải một mình đương đầu với cả gia tộc họ Trần. Ta làm Phụng Càn vương phi sống trong yên ổn, còn Phật Kim là hoàng hậu mà chịu tiếng giao cả giang sơn vào tay người chồng trẻ dại.
Có lần phụ hoàng nói với ta, “Thuận Thiên, cứ như tên gọi của con, theo ý trời mà hành sự.”. Phụ hoàng không có quyền, mẫu hậu không có quyền, chị em ta cũng không có quyền. Là ý trời, hay là ý của một vị đại nhân họ Trần nào đó?!
Có những lần ta thét gào oán trách trong cơn mộng mị, người giữ chặt ta, nhẹ nhàng xoa dịu những phẫn uất trong lòng.
– Ngọc Oanh, thời thế chẳng chiều người, việc chúng ta có thể làm là thả trôi theo dòng nước.
Khi phụ hoàng đột ngột qua đời, người nhìn sâu vào đôi mắt đầy căm hận của ta, vừa nghiêm khắc như dạy dỗ, vừa run rẩy như thể van xin:
– Ngọc Oanh, yên phận ở lại vương phủ cùng ta, không được hay sao?
Nhiều năm sau, ta vì đôi mắt của Liễu ca ca ngày đó, ngoan ngoãn cùng người đến A Sào, khai hoang lập ấp. Vị anh hùng mười ba tuổi hứa che chở cho ta giờ đã trở thành chàng trai tráng kiện, tạo nên cả hậu phương to lớn cho cha và em trai yên tâm dựng nghiệp. Ta lại cùng người về lại Thăng Long, phụ việc triều chính. Mối hận diệt tộc của ta dường như tan biến hết, chỉ nguyện cùng người có chung suy nghĩ vì nước vì dân.
Ngày quay về kinh thành đã in đậm ký ức thời thơ dại, người lại đưa ta đến vườn ngự uyển, nhìn sâu vào mắt ta, hỏi rất dịu dàng:
– Ngọc Oanh có đồng ý trở thành vợ ta không?
– Liễu ca ca, không phải chúng ta đã cưới nhau nhiều năm trước rồi sao?
– Trước đây là một gia đình, bây giờ mới thực là chồng vợ.
Không lâu sau đó, Doãn ra đời, cuộc sống gia đình ta ngày thêm hạnh phúc. Bất chấp tranh đoạt vương quyền, bất chấp tiếng đời dị nghị, ta có người và con ở bên, còn mong gì hơn nữa?
Cả người mẹ mà phụ hoàng ta yêu quý, chị em ta một lòng kính trọng, giờ cũng ở bên người khác, ta còn có thể làm gì được nữa đây?!
Lẽ thường, không có gì viên mãn dài lâu, không có cuộc sống nào bình yên mãi mãi. Người và em trai đế vương ngày càng khắng khít, hiển nhiên có người sẽ không vui. Người suốt ngày ra vào hoàng cung, địa vị mỗi lúc một cao, chắc chắn có kẻ lo sợ người ảnh hưởng quyền lực hắn.
Một ngày, kẻ hầu về báo tin, Hiển hoàng vương cưỡng ép cung nữ nhà Lý tại cung Lệ Thiên, bị giáng làm Hoài vương. Ta vội chạy đến tìm người, thấy người ở phòng riêng, trầm mặc ngồi bên chiếc bàn con. Ánh mắt vốn sáng như sao trời, hôm nay nhuộm một màu ảm đạm thê lương. Nghe tiếng động, người ngước nhìn ta, như thể đợi chờ từ ta một lời định tội.
– Hoài vương phi, chức danh này nghe cũng không tệ lắm.
Ta mỉm cười bước đến cạnh bên, đưa tay vuốt nhẹ lên bờ vai vững chãi, rồi chúng ta ôm nhau, bật khóc.
Cả đất nước này không hiểu thì sao? Hậu thế có phỉ báng người thì thế nào?! Ta hiểu người, tin người, mãi mãi ở cạnh người, đã đủ hay chưa?!
Giống như ngày người kéo ta ra khỏi cơn ác mộng từng đêm, giờ đến lượt ta vỗ về người trong từng giấc ngủ.
Ngày ta mang thai Quốc Khang, người vui mừng như đứa trẻ, vô tư khoe khắp mọi người. Chúng ta say trong hạnh phúc của riêng mình mà vô tình quên mất rằng bên trong cung điện lộng lẫy kia, đôi vợ chồng trẻ đang mòn mỏi chờ mong một đứa con. Em gái ta từ lúc sinh đứa con đầu lòng yểu mệnh đến giờ, đã không còn hy vọng làm mẹ nữa.
Quốc Khang hoài thai ba tháng, người nhận lệnh đi công vụ ở xa, vừa đúng lúc em gái ta bị giáng làm Phế hậu. Nước mắt khóc thương em chưa cạn, ta đã nhận tin tiến cung làm Hoàng hậu mới. Vì ta cũng mang dòng máu của vương tôn nhà Lý, vì trong bụng ta đang mang là huyết mạch của họ Trần.
Một đêm tối trời, ta dẫn Trần Doãn lén trốn đi, tìm đến chỗ người. Không ngờ người chặn đường của mẹ con ta chẳng phải ai xa lạ.
Là Thuận Trinh hoàng hậu của Lý Huệ Tông.
Là Thiên Cực công chúa ở thời đại nhà Trần.
Là Quốc mẫu, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ.
Mặc thái độ khinh khỉnh lạnh lùng, mặc bao lời nói mai mỉa của ta, người ấy nước mắt lưng tròng, nắm chặt tay ta, không biết là ra lệnh hay cầu xin:
– Thuận Thiên, để người khác lên làm hoàng hậu, cả con và Chiêu Thánh đều phải chết. Hơn nữa Hoài vương vừa nghe tin đã mang quân về sông Cái gây nội loạn, Thái sư đã cho người trấn áp rồi. Mẹ con ta đều phận khổ, chỉ vì muốn cứu người thân, nên chấp nhận tiếng xấu ngàn năm. Lẽ nào ta có thể hy sinh, còn con vì chút nông nỗi nhất thời mà vô tâm hại chết em con, chồng con, cả Doãn và đứa con đang mang trong bụng?!
Người ấy, là mẹ của ta.
Người ấy, gọi ta là Thuận Thiên, gọi Phật Kim là Chiêu Thánh.
Người ấy bây giờ, chỉ là vợ của người đã cướp mất ngai vàng từ tay họ Lý mà thôi.
Lúc ấy, là hy sinh, hay là tham sống sợ chết, hay là không còn thiết tha gì chuyện vẫy vùng, nói cho dễ nghe là thuận ý trời, bản thân ta cũng không biết được. Lấy chồng của em gái, lấy em trai của chồng, có gì đáng để tự hào, có gì ý nghĩa cần suy nghĩ?!
Ta không gặp lại Phật Kim, cũng không gặp lại người, dọn đến hoàng cung mà sống, cũng chưa một lần được diện kiến long nhan.
Tin đồn trong cung, Trần Cảnh vì quyết định của Thái sư mà phẫn uất bỏ lên Yên Tử. Ta chỉ mong người sớm quay về, làm chủ đại cuộc, để Liễu ca ca còn một con đường sống. Người ôn hòa như vậy, hiểu chuyện như vậy, trước sau cẩn trọng như vậy, lần này bất chấp tất cả mà gây loạn, chẳng phải vì Ngọc Oanh cả hay sao?!
Tội cho Phật Kim và Quan gia, gắn bó từ thuở ấu thơ, mặc kệ oán thù hai họ, cuối cùng vẫn chỉ vì toan tính của một người mà xa cách.
Đợi nửa tuần trăng, người vận long bào cũng đến trước mặt ta. Đôi mắt vô hồn, nụ cười chán nản.
– Hoàng tẩu yên tâm, hoàng huynh Trần Liễu đã được tha bổng, cấp đất ở Yên Sinh. Ta cũng đã ra lệnh không một ai được tổn hại Phật Kim.
Dường như chỉ chờ đợi có điều này, bao nhiêu gánh nặng trong lòng ta trút xuống. Dẫu sao giữa chốn mưa máu gió tanh này, tình anh em vẫn còn tồn tại. Ta mỉm cười với vị hoàng đế kém mình vài tuổi:
– Quan gia, vậy là quá đủ. Ta hiểu, Liễu ca ca hiểu, Phật Kim cũng hiểu, người cũng chỉ là một nạn nhân.
Một giọt nước mắt rơi xuống long bào.
Chị em ta, vợ chồng ta ôm nhau khóc, hệt như cảnh trong cung Hoài vương ngày ấy. Tình anh em, chồng vợ, đạo lý luân thường… rốt cuộc cũng chỉ là con tốt thí, trên bàn cờ thế sự của một người.
Quốc Khang mạnh khỏe chào đời, hoàng đế vẫn một lòng tôn trọng vị hoàng hậu như ta. Ta và người ngoài là chồng vợ, trong vẫn giữ tình cảm chị em, quan tâm lẫn nhau như một gia đình.
Gia đình, chồng của ta, Liễu Hoài vương, bây giờ người có khỏe không? Người hiểu ta như vậy, có lần nào oán trách ta không? Người ở Yên Sinh, có được vui như lúc ở A Sào?!
Ta đã không còn những cơn ác mộng như lúc ở bên người, chỉ có những canh khuya một mình bật khóc, Liễu ca ca, xin người quên Ngọc Oanh đi…!
Tháng lại ngày trôi, đâu đó tiếng ra vào Hoàng hậu còn vương vấn Yên Sinh vương nên mãi mà không hạ sinh hoàng tử. Ta đã thầm dự liệu một ngày, Thuận Thiên Hoàng hậu rồi trở thành Lý Phế hậu thứ hai. Nhưng còn Liễu ca ca và Doãn, họ sẽ không vì tin đồn này mà chịu thiệt thòi gì chứ?!
Cho đến một hôm, Trần Cảnh ngự giá đến hậu cung, ánh mắt cũng trống rỗng hệt như lần đầu bọn ta gặp mặt.
– Hậu vì đất nước này mà phải hy sinh, ta hứa suốt đời sẽ thay hoàng huynh yêu thương và che chở cho mẹ con của Hậu.
Đêm ấy, mưa như trút nước, như khóc giùm ta những giọt lệ mà ta chỉ dám giấu ngược vào tim.
Thân thể này, mùi hương này, chỉ thuộc về em gái của ta, bây giờ lại bị chị gái nó tranh giành.
Liễu ca ca, từ nay cả tư cách nhớ thương người, Ngọc Oanh cũng không còn nữa.
Ta nghe người báo lại, Yên Sinh Vương giờ đã lập phi tần, còn có thêm vương tử. Chắc là bây giờ người oán ta, hận ta, cả tên của ta cũng không muốn nhắc.
Những đêm hoàng đế ở lại phòng, ta thường nghe tiếng người nấc nghẹn giữa đêm khuya.
Hoảng và Quang Khải lần lượt ra đời. Trần Cảnh vẫn yêu thương Quốc Khang như con ruột. Người ngày một trưởng thành hơn, cứng cáp hơn, việc trong triều cũng dần không cần nhất nhất theo ý Thái sư. Ta cũng toàn tâm với vai hoàng hậu, làm tốt từng bổn phận của mình.
Mười năm trôi qua, ta và Quan gia, đều là vì hai người thương yêu nhất của cuộc đời mình mà cố gắng, chỉ mong họ ở nơi xa có thể được bình an. Chỉ cần quyền lực trong tay bọn ta càng lớn, sự an toàn của họ càng chắc chắn hơn.
Có những ngày ta bắt gặp Trần Cảnh đứng thẫn thờ trước căn phòng cũ của Phật Kim, ta cũng nhòe nước mắt nhớ Liễu ca ca, bước đến ôm vai người. Người quay lại ôm lấy ta, giữ chặt trong lòng:
– Trên đời này chỉ còn Hậu là người thân của trẫm.
Từ lâu, ta và người đã hình thành một thói quen, chỉ có thể khóc trước mặt nhau, cũng chỉ có thể cho người kia thấy những góc khuất trong lòng. Ta nhìn thấy ở người bóng dáng vững chãi của một vị vương gia, người nhìn thấy ở ta hình bóng của nữ hoàng đế triều đại cũ. Có thể gọi là tình thân, cũng có thể gọi là tri kỉ, chỉ là không phải tình yêu.
Tình yêu của ta và người chỉ có một, đều sớm bị bàn tay tàn nhẫn của ai bóp chết lâu rồi.
Năm tháng lặng trôi, thế sự xoay vần.
Cứ ngỡ có thể thản nhiên tựa vai nhau đi hết đoạn đường đời, chia nhau từng chút buồn vui, chẳng ngờ ta lại phải đi trước người một đoạn.
Dầu sắp cạn, có cố bồi thêm cũng chỉ được chút ánh sáng le lói chập chờn.
– Quan gia, thần đi rồi, người nhớ tự chăm sóc bản thân.
Ta thấy vòng tay người khẽ run, cố gắng siết chặt ta vào ngực, cố gắng truyền hơi ấm cho thân thể ngày một lạnh của ta.
– Chúng ta còn có Khang, Hoảng và Khải, Hậu nỡ bỏ mặc chúng hay sao?!
Ta cố hết sức đưa tay vuốt gương mặt đau khổ của người, thấy mắt mình nhòe nước.
– Quan gia, có thể gọi thần là hoàng tỷ hay không?!
Một nét đau đớn thoáng hiện trong mắt người.
– Nàng muốn được tự do về với hoàng huynh?!
Ta gượng mỉm cười, nghe lòng mặn đắng:
– Tên của thần là Thuận Thiên, cả đời đã không được sống theo ý mình, chỉ mong… đến lúc chết đi, có thể một lần cãi lại ông trời.
Người khẽ khàng đặt ta nằm xuống, nhìn sững hồi lâu, cuối cùng khẽ cúi đầu, một giọt lệ lăn dài trên má:
– Hoàng tỷ, xin người hãy yên lòng.
Ta bỗng thấy thân thể mình nhẹ tênh, trước mắt ta, cung nữ, nội thị, còn có cả ba đứa trẻ đang òa khóc. Một người đàn ông cao lớn gục đầu.
Ta không đến Yên Sinh như mình vẫn nghĩ. Trong lòng ta bây giờ, quá khứ hay hiện tại đều giữ một vị trí riêng, chẳng thể chọn lựa hay so sánh. Trần Liễu của bây giờ chắc gì đã coi trọng ta hơn một vị quân vương?!
Ta thấy mình ở A Sào, những ngày bình yên nhất, có người luyện kiếm theo tiếng đàn ta gảy, có người chuyên tâm đọc sách, thỉnh thoảng ngẩng lên ăn bánh ta làm.
Còn có người dịu dàng nhìn sâu vào mắt ta và hỏi:
– Ngọc Oanh có đồng ý trở thành vợ ta không?
Ta mỉm cười, nhẹ nhàng đáp lại:
– Ta rất vui lòng.