cham-lo-tot-cho-nguoi-co-cong-va-than-nhan-nguoi-co-cong

Chăm lo tốt cho người có công và thân nhân người có công

Cùng với các hoạt động chi trả trợ cấp cho người có công, Bộ LĐTBXH cũng xác định làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người có công, thực hiện giám định tìm hài cốt liệt sĩ… và nhiều nhiệm vụ khác có liên quan.

Gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, có trên 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Trong đó có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

Mới đây, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chăm lo tốt cho người có công và thân nhân người có công - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thăm hỏi động viên người có công ở Trung tâm Điều dưỡng Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Tống Giáp

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/2023), Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng số kinh phí là hơn 400 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2012-2022 ngân sách nhà nước được bố trí là 357.373 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi, chính sách khác với người có công.

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng hỗ trợ hộ gia đình người có công, xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa, tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. 2.988 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Đến nay, 99% số hộ người có công với cách mạng trên cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% số xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách, ngành LĐTBXH đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Giám định ADN tìm hài cốt liệt sĩ đạt được nhiều kết quả khả quan

Chăm lo tốt cho người có công và thân nhân người có công - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Bá Hoan – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH tiếp đoàn đại biểu người có công tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: N.A

Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cách đây 1 năm, Bộ đã phối hợp với đối tác phía Mỹ gửi 50 mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin sang Hà Lan để giám định ADN. Đây là những mẫu hài cốt mà các đơn vị tại Việt Nam không thể thực hiện được công tác giám định do chất lượng mẫu không bảo đảm vì qua thời gian dài, hài cốt bị thoái hóa. Đến ngày 25/7, phía Hà Lan đã thông báo giám định ADN được 39 mẫu.

“Đây là tin rất vui, mở ra cơ hội mới với công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục gửi các mẫu hài cốt sang Hà Lan để giám định” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay. Ông Dung cũng cho biết thêm, đến nay, chúng ta còn lưu giữ hơn 25.000 hiện vật, kỷ vật của người có công tại các trung tâm lưu trữ quốc gia.

Thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg. Mục tiêu đến năm 2030 là xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định AND với số lượng 25.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Hiện nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa biết thông tin. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *