CHA và CON

Ông Quỳ đã già yếu lại mắc nhiều thứ bệnh, có bệnh thật hiểm nghèo. Ông kiên trì điều trị nên một số bệnh đã được thuyên giảm và ổn định. Hiện tại bệnh còn lại chủ yếu của ông là tiểu đường kèm theo táo bón.

Buổi tối ấy ông đi vào phòng vệ sinh không may bị trơn trượt té ngửa, đít đập xuống sàn khá mạnh. Ồng đứng lên cảm thấy bình thường chi có hơi đau nhẹ ở mông. Sau đó ông sinh hoạt bình thường, đi lại không việc gì và xem Tivi đến gần 10 giờ đêm mới ngủ. Nhưng sáng hôm sau ông dậy bước đi luống cuống cảm thấy khó khăn, tay nắm các vật dụng không được vững vàng. Ông gọi con trai đến nói rõ sự việc. Người con chuẩn bị đi làm nhưng thấy vậy tỏ ra băn khoăn lo lắng nên điện vào công ty xin nghỉ đột xuất và gọi Taxi đưa ông đến bệnh viện ngay tức khắc.

Vào phòng cấp cứu, bác sĩ khám lâm sàng rồi thông bảo rằng ông Quỳ cần phải nhập viện để theo dõi. Tại đây các bác sĩ khám toàn diện, kể cả nội soi. Kết quả bác sĩ cho biết là đang nghi vấn ông Quỳ bị chấn thương sọ não có thể do ảnh hưởng từ bệnh tiểu đường, may mà đưa đến bệnh viện kịp thời, không thì nguy hiểm lắm! Trong hoàn cảnh éo le, vợ ông cũng già yếu, dịp nầy lại đi điều trị tại một bệnh viện ở SG. Các con khác thì ở xa không thể về thăm và chăm ông được; Buộc con trai (gần 50 tuổi) đang ở với ông điện đến Công ty nói rõ lý do và xin tạm nghỉ ít ngày để chăm sóc ông trong những ngày nằm viện.

Hai ngày đầu nhập viện chân ông Quỳ co quắp đi lại không được. Muốn đi đâu con ông phải cõng, đến bữa ăn con ông phải đút. Ông Quỳ bắt đầu cảm thấy bi quan chán nản. Ông đã nghĩ cuộc đời mình đến đây chắc là tiêu rồi. Bước sang ngày thứ 3, được người con dìu giắt, ông cố nén đau gắng gượng chịu khó đi bộ được dăm bảy bước. Tay đã nắm được thìa tự đút lấy đôi miếng để ăn. Cứ thế mà ông kiên trì tập luyện rồi dần dần tự giải quyết được một số việc cần thiết.

Nhưng điều khó khăn phức tạp khác lại đến. Vốn ông bị táo bón, mấy ngày nay vì đau ốm ít vận động, lại không được ăn rau nhiều như khi đang ở nhà nên không giải quyết được “đẩu ra”. Cái bụng cứ anh ách rất khó chịu. Chính điều nầy làm cho ông Quỳ càng trở nên mệt mỏi và căng thẳng thêm. Đêm đến ông không sao ngủ được, cứ trằn trọc thao thức cho đến sáng. Với tình trạng nầy, con ông Quỳ đến trình bày với các bác sĩ. Họ kê đơn đi mua một lọ thuốc tẩy đem về cha con tự giải quyết lấy.

May thay hôm ấy có hai người nằm cùng điều trị tại phòng. Vì công chuyện gì đó họ đã đi ra ngoài. Con ông đóng kín cửa lại, soạn các thứ cần thiết để bơm thuốc vào đít cho ông. Chưa đầy 3 phút sau tất cả phân ứ đọng mấy ngày nay được tống khứ ra ngoài. Khốn nổi phân bị đẩy khá mạnh phụt ra bắn tung tóe làm dây bẩn cả quần áo, giường chiếu. Con ông một phen lận đận vất vả, cởi quần áo bẩn giặt khăn lau rửa người và lấy quần áo sạch mặc lại cho ông. Lo xong cho ông, người con quay ra lấy thau và giẻ nhúng nước rồi lau chùi giường chiếu cho sạch sẻ để ông nằm nghỉ. Nhìn con trai chăm lo từng cái một tận tụy chu đáo, ông thật cảm động về tình cảm và tinh thần trách nhiệm của con đối với mình mà ứa nước mắt cảm thấy thương nó vô cùng. May có nó không thì dịp nầy gay go lắm! Sau khi đi cầu được ông Quỳ thấy có phần thoải mái, ăn uống khá hơn, đêm ngủ được nhiều hơn…

Nằm viện điều trị bước sang ngày thứ chín, ông Quỳ thấy đỡ nhiều, tự giải quyết được những việc cần thiết cho bản thân; Đồng thời thấy nằm lại tại đây có nhiều điều bất tiện như chật chội gò bó ồn ào, đến bữa ăn phải ngồi xe đẩy để con ông đưa lên đưa xuống cầu thang điện (nằm ở tầng 11, xuống tầng trệt) rồi đi loanh quanh mới đến được cantin. Trong khi đó thuốc điều trị hàng ngày chỉ phát loại uống chứ không còn tiêm; Hơn nữa con ông nghỉ làm việc suốt gần mười ngày nay. Nó tỏ ra lo lắm! Thỉnh thoảng thấy Công ty điện đến hoặc nó điện vào trao đổi công việc, làm ông có phần băn khoăn. Nên ông Quỳ trình bày và đề xuất với bác sĩ đến thăm khám là muốn xin ra viện. Bác sĩ trả lời: “Chúng tôi hội ý và xin ý kiến của lãnh đạo, sáng mai sẽ trả lời”. Ông Quỷ hy vọng và tin tưởng sẽ được giải quyết.

Sáng hôm sau, Bác sĩ đến khám và cho biết: “Bệnh tình đã giảm khá nhiều và kết hợp với nguyện vọng của ông, sáng nay sẽ làm các thủ tục cho ông xuất viện”. Ông Quỳ mừng lắm! Vậy là buổi chiều con ông đến nhận các giấy tờ, thuốc men và tiếp thu lời các bác sĩ dặn dò những điều cần thiết khi đưa ông về nhà điều trị theo chế độ ngoại trú. Thời gian nằm viện chịu bao nhiêu khó khăn phiền phức đã trôi qua và ông Quỳ thật phấn khởi khi được trở về nhà.

Từ đó trở đi cứ hàng tháng dùng hết thuốc ông Quỳ đến bệnh viện tái khám và nhận thuốc về dùng. Cho đến nay cũng đã gần một năm bệnh tình của ông có cải thiện khá nhiều, nhưng đi lại vẫn chưa được bình thường, sức khỏe có phần giảm sút. Lúc nầy mỗi lần ngồi hoặc nằm khi đứng lên cảm thấy mỏi mệt nặng nề khó khăn. Mặc dù hằng ngày ông vẫn luyện tập thể dục đều đặn vào các buổi sáng mỗi khi ngủ dậy.

Mỗi lần con trai đưa ông Quỳ đến bệnh viện tái khám lấy thuốc. Ông đều hỏi bác sĩ nhưng chỉ nhận được lời giải thích: “Cứ tiếp tục điều trị, có thể bị di chứng do bệnh tiểu đường để lại, may mà nhẹ chứ có người nằm liệt hoài một chỗ chịu sống cuộc đời thực vật vậy”. Đấy là lời động viên không những của bác sĩ mà của nhiều người thăm hỏi mỗi khi ông Quỳ tâm sự… ./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *