Tôi tình cờ biết được bài hát Older qua một bài viết, khi giai điệu bài hát vang lên, càng nghe tôi càng nhận ra chính mình trong từng câu hát ấy.
“The older I get, the more that I see
My parents aren’t heroes, they’re just like me
And loving is hard, it don’t always work…”
(Càng trưởng thành, càng nhận ra nhiều điều
Cha mẹ tôi nào phải người hùng, họ cũng chỉ như tôi mà thôi
Và yêu thì thật khó, tình yêu đâu phải luôn màu hồng.)
Thuở ngày bé, gia đình là cả thế giới với một đứa trẻ. Cha mẹ trong mắt chúng thật cao lớn, là chỗ dựa vững chắc, như trong bài hát – như một anh hùng. Những điều ta từng trải qua trong gia đình hóa thành điều hiển nhiên, cho đến khi ta trưởng thành bước ra thế giới lớn hơn.
Hóa ra không phải gia đình nào cũng luôn cãi vã nhau. Hóa ra gia đình nào cũng có những điều khó nói.
Hóa ra cha mẹ cũng chỉ như ta mà thôi. Họ chỉ lặp lại những điều mà năm xưa họ từng trải qua đến chính họ cũng không nhận ra. Những điều họ được dạy và cả những tổn thương họ mang theo năm ấy. Đâu phải ai cũng được dạy yêu thương là như thế nào. Thời thơ ấu họ cũng đã rất đau. Như câu hát trong bài Daddy của Coldplay là lời người con nói về cha trước kia: “I know you hurting too. But it’s Ok. It’s OK.”
Họ cũng biết yêu thương chứ. Chỉ là không phải ai cũng biết cách thể hiện điều đó ra thật dễ dàng. Khi đi xa, ngắm nhìn nơi ấy thật kỹ từ một góc nhìn khác, tôi nhận ra có những yêu thương rất đỗi vụng về mà trước giờ họ chưa từng thể hiện, tuy nhỏ nhoi thôi cũng làm cho mình thấy ấm áp. Cha mẹ ta cũng chỉ như chúng ta mà thôi. Họ không phải là người hùng. Họ cũng chỉ là những đứa trẻ loay hoay trong bộn bề của thế giới người lớn, tự học cách yêu thương.
Ta là chiếc gương phản chiếu của chính họ thừa hưởng những điều tốt đẹp của cha mẹ và cả những vết thương chưa lành. Tôi đã từng giận hờn, thầm oán trách rằng: “Mình có đáng phải chịu những điều như vậy không?” Tôi đã từng muốn chạy trốn khỏi nơi ấy. Nhưng rồi tôi nhận ra dù có trốn nơi đâu thì mình vẫn luôn mang theo những vết thương ấy trong tim. Đó cũng là lúc tôi dần trở về nhìn thật rõ bóng hình của những tổn thương in sâu trong trái tim non nớt năm ấy. Và tôi nhận ra không ai có lỗi cả. Cha mẹ tôi cũng xứng đáng được yêu thương một cách đúng nghĩa.
Trên hành trình chữa lành ấy, tôi học được cách ôm lấy đứa trẻ bên trong của mình. Học được cách làm cha mẹ lại cho chính mình, dạy lại cho bản thân yêu thương thực sự. Đó là cách để vòng lặp đau thương kia không còn tái diễn nữa. Và đó cũng là cách để chữa lành cho cha mẹ ta bắt đầu từ chính mình. Tôi biết đây không phải là con đường dễ dàng, đây sẽ là một hành trình dài nhưng những thay đổi dù nhỏ bé cũng đều đáng giá.
Cha mẹ ta nào phải người hùng. Họ cũng đến thế giới này để trải nghiệm như chúng ta mà thôi. Có những việc không có đúng sai, chỉ có ta học được điều gì từ đó. Và trong quá trình đó đôi lúc ta bị tổn thương. Nhưng chính từ tổn thương ấy, linh hồn ta mới được trui rèn. Họ cũng có nỗi niềm, có hành trình riêng. Chúng ta đến với nhau để cùng nhau học bài học của mình. Tôi dần không giận họ nữa, và tôi nhận ra mình yêu họ rất nhiều. Dẫu cho họ không hề hoàn hảo như mình đã từng nghĩ.
Giờ đây khi hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra, trưởng thành hơn. Hóa ra cha mẹ cũng như ta đều là những đứa trẻ đầy vết thương. Vậy nên hãy cảm thông với thế hệ trước một chút. Tha thứ cho những hành động đến từ những vết thương chưa lành ấy. Cũng là để cho lòng ta nhẹ nhàng hơn. Khi ta biết thương những nỗi đau trong ta thì ta cũng dần biết thương những nỗi đau bên trong bóng hình của đấng sinh thành. Càng trưởng thành, tôi cũng dần hiểu ra tình yêu đôi khi là những mảnh vỡ nhưng tôi sẽ hàn gắn nó lại bằng tình yêu mà mình học được bắt đầu từ những mảnh vụn vỡ của tâm hồn mình.
Dẫu cho đôi lúc nỗi sợ lại quay trở về. Dẫu cho những ám ảnh bất chợt lại vây lấy tôi thêm một lần nữa. Dẫu cho vết thương kia lại mở miệng nhức nhối, tôi lại rơi vào trầm uất. Nhưng tôi biết bình minh rồi sẽ đến chỉ cần mình kiên trì thêm một chút.
Dẫu cho đôi lúc tôi làm cho cha mẹ giận. Dẫu cho đôi lúc tôi thật giận cha mẹ. Dẫu cho đôi lúc chúng ta buồn bực, đau lòng vì nhau. Nhưng yêu thương không vì thế mà vơi đi, tình yêu vẫn luôn còn mãi đó. Tôi vẫn luôn nhớ đoạn kết cuối cùng trong sách Hai mặt của gia đình cũng là lời nhắc nhở chính mình:
Đôi khi chúng tôi cãi nhau, buồn rầu vì những chuyện nhỏ nhặt trong gia đình, nhưng nhờ có gia đình, chúng tôi đã có dũng khí và sức mạnh để đối diện với cuộc sống. Người khiến chúng ta buồn nhất, đau khổ nhất cũng là gia đình, nhưng chúng ta vẫn sống với nhau. Vì gia đình không phải là điều dễ dàng có được và vì là những người chúng ta cần phải cố gắng, chịu đựng, học hỏi và tìm hiểu không ngừng. Đó là nỗ lực đáng giá nhất cuộc đời chúng ta.
“Tại sao, tại vì đó là gia đình.”
———–
Tác giả: Hồng Hạnh