Tôi nhớ hồi còn nhỏ, chắc là bắt đầu từ lớp 5, mỗi tháng mẹ được phát lương đều sẽ đặt tiền lên mặt bàn rồi viết lên giấy: Tiền rau củ quả xxx tệ, tiền điện nước xxx tệ,… tiền tiết kiệm xxx tệ,… Nếu như còn thừa, mẹ sẽ cho tôi một ít. Nếu như hết sạch thì mẹ sẽ nói với tôi: Hết tiền rồi, tháng này không có phần của con.
Tôi cũng không bao giờ có những yêu cầu vô lý. Có lúc tôi rất muốn mua món đồ nào đó thì sẽ tìm mẹ thương lượng. Mẹ tôi sẽ lấy ra một tờ giấy, tính toán một lúc. Nếu như có thể giảm tiền ở khoản chi tiêu nào đó đi một chút thì tôi sẽ được đi mua. Nếu không thể giảm được nữa thì thôi.
Bạn bè có đồ chơi, đồ ăn ngon, tôi rất ngưỡng mộ, nhưng tôi sẽ không cảm thấy mình nhất định phải có chúng, bởi vì tôi biết mẹ tôi đi làm kiếm tiền vất vả như thế nào, một tháng nhà tôi chi tiêu hết bao nhiêu tôi cũng rõ mồn một, tiền tiết kiệm bao nhiêu tôi cũng biết hết. Mẹ tôi cũng sớm nói với tôi rằng số tiền tiết kiệm ấy chỉ dùng khi trong nhà có việc lớn, không phải để tôi tiêu xài bừa bãi.
Sau này, thu nhập của mẹ tôi tăng lên, trong nhà cũng dần dư giả, mẹ cũng cho tôi nhiều tiền tiêu vặt hơn, mẹ nói: “Nuôi con lớn khôn không thành vấn đề, nuôi con ăn học cũng không thành vấn đề, con chỉ cần gắng sức học, nhưng mà tiền mang đi phá hoại thì mẹ không nuôi nổi đâu, nhà mình không có tiền đó.”
Bây giờ tôi cũng có con gái, từ hồi con bé học mẫu giáo là tôi đã nói cho nó biết trong nhà có bao nhiêu tiền, còn giúp con bé đổi tiền ra số que kem cho dễ hiểu. Sau đó, tôi cũng dần dần nói cho con bé biết, mỗi tháng sinh hoạt cần chi bao nhiêu tiền, tiêu vào những việc gì, để kiếm được số tiền ấy thì tôi cần bỏ ra bao nhiêu công sức.
Tiền mừng tuổi của con bé cũng do nó tự bảo quản, cất ở trong ngăn bàn. Năm nay đếm lại thì đã hơn 5000 tệ rồi. Tôi đưa cho con bé một cái thẻ ngân hàng, đưa con bé đi tiết kiệm tiền, nói cho nó nghe một ít kiến thức về ngân hàng. Con bé hỏi: “Mẹ biết mật mã, tên trên thẻ cũng là tên của mẹ.” Sau đó con bé bỏ thẻ vào túi của mình, nói sẽ giữ thẻ cần thận. Tôi nói: “Mẹ chỉ cần lấy chứng minh thư ra rồi nói với dì ở quầy là bị mất thẻ là có thể rút tiền ra rồi. Nhưng mẹ sẽ không đụng đến số tiền ấy nếu chưa có sự đồng ý của con.”
Đối với tiền bạc mà nói, con bé rất đủng đỉnh. Một lần rửa bát sẽ kiếm được 5 tệ, một tháng chỉ cần kiếm đủ 20 tệ là nó sẽ không rửa nữa, con bé nói rằng như thế là đủ rồi. Có lần vào siêu thị, tôi nói con có muốn mua gì không? Con bé nghĩ một lát rồi nói không, quả nhiên là không mua gì cả. Con bé cũng mời bạn thân đi uống sữa chua, mua đồ ở tiệm bánh ngọt trước cổng trường cũng sẽ mua cho tôi một phần.
Có hôm tôi nói rằng tôi mệt quá, chẳng muốn làm gì nữa. Thế là con bé chạy về phòng cầm thẻ đưa cho tôi, nói là, mẹ xin nghỉ đi, tiền của con cho mẹ hết. Tôi cảm động tới rơi nước mắt.
Tôi nghĩ hoàn cảnh kinh tế của một gia đình thực sự ảnh hưởng đến tất cả mọi người, mọi người trong gia đình đều có quyền được biết. Những người không muốn nói cho con cái biết thì họ mất lòng tin vào con cái đến mức nào chứ?
Giấu cái nghèo của gia đình để làm con cái vô tư tiêu xài, trừ phi có thể nhanh chóng thoát nghèo và trở nên giàu có, nếu không sau này có giấu cũng không giấu được.
Giấu cái giàu của gia đình, con trẻ không dám mua đồ chơi, ăn quà vặt cùng bạn bè, thậm chí không dám đi du xuân. Đến khi đã bỏ lỡ tuổi thơ vô lo vô nghĩ rồi mới chợt nhận ra nhà có tiền, liệu có mua được những món đồ chơi, món ăn vặt thuở còn bé hay không? Con trẻ sẽ vui hay đau lòng đây?
Đừng cho rằng tất cả mọi chuyện sẽ diễn ra theo cách bạn mong muốn.
Đừng đánh giá quá cao bản thân, cũng đừng đánh giá quá thấp con trẻ.