Làm cách nào để tạo ra thịt mà không cần đến động vật

Làm cách nào để tạo ra thịt mà không cần đến động vật

Lời giới thiệu về Nông nghiệp tế bào và Thịt nuôi cấy
Viết bởi Freeman Jiang – Nguồn: https://link.medium.com/gauWCkS9x6
Cỗ máy kém hiệu quả nhất thế giới
Giả sử tôi đưa cho bạn một cỗ máy mà mỗi lần bạn bỏ vào 100$ thì cỗ máy này sẽ trả về 3$. Chẳng có bất kỳ lý do gì để bạn sử dụng cỗ máy này cả. Hiệu suất của nó là 3%, và nó sẽ ngốn hết tiền của bạn mỗi lần bạn sử dụng.
Chà, chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi nói với bạn rằng đây chính xác là những gì đang thực sự diễn ra trên thế giới. Tên cỗ máy này là nông nghiệp, cụ thể hơn là nông nghiệp chăn nuôi.
Tôi sẽ vào thẳng vấn đề. Bò, gà, heo – tất cả các loại thịt ngon ngọt mà chúng ta tạo ra và yêu thích – chúng có hiệu suất kém khủng khiếp. Các loài vật RẤT TỆ trong việc sản xuất thịt, và đó chẳng phải là lỗi của chúng. Mặc dù thông qua quá trình thuần hóa, con người đã khiến các loài vật nuôi trở nên to béo hơn và có thịt mềm hơn so với các loài hoang dã, nhưng sự thật là các loài động vật được sinh ra không phải để sản xuất thịt. Chúng được tạo ra để sống sót và sinh sản.
Đó là lý do tại sao phần lớn năng lượng tiêu thụ của một con bò bị lãng phí bởi việc mất nhiệt và… chất thải theo đúng nghĩa đen. Một m2 cỏ có tới 3056kJ năng lượng, nhưng chỉ 125kJ được những chú bò của chúng ta sử dụng trong việc phát triển. Bạn cứ thử tính toán đi.
Không chỉ riêng các loài vật nuôi cực kỳ kém hiệu quả trong việc sản xuất thịt mà ngành chăn nuôi cũng đang gặp hàng loạt vấn đề.
Vấn đề lớn của nông nghiệp hiện đại
1/ Các tác động về mặt môi trường
Nông nghiệp – cùng với việc ngày càng gia tăng các khu vực thâm canh – có tác động rất xấu đến môi trường. Các chất hóa học từ chất thải nông nghiệp và thuốc trừ sâu làm suy giảm hệ sinh thái địa phương, tạo ra những vùng chết – nơi tảo độc nở hoa làm phá hủy oxy của môi trường nước.
Ngoài ra, nông nghiệp trực tiếp tạo ra 17% lượng khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, hơn cả ngành giao thông vận tải – và đó là chưa bao gồm các hoạt động gây hại khác liên quan đến nó như phá rừng. Nông nghiệp là khởi nguồn của nhiều vấn đề. Việc mở rộng nông nghiệp là một yếu tố quan trọng trong biến đổi khí hậu, bằng cách loại bỏ các bể chứa carbon tự nhiên như rừng và chuyển đổi vùng đất đó thành các đồng cỏ thải ra khí mê-tan. Tuy nhiên, điều này chẳng thể ngăn cản nổi việc phá rừng xảy ra ở các khu vực như Amazon, nơi nắm giữ 10% đa dạng sinh học hiện có trên toàn thế giới.
2/ Hiện tượng kháng kháng sinh và siêu khuẩn
Một vấn đề khác của việc thâm canh trong nông nghiệp là các loài động vật được nuôi nhốt ở điều kiện môi trường kém và phải thường xuyên sử dụng kháng sinh để giữ cho chúng khỏe mạnh. Tại Châu Âu và Hoa Kỳ, 75% lượng thuốc kháng sinh được sử dụng cho nông nghiệp.
Việc sử dụng thuốc bừa bãi cho các loài gia súc gia cầm dẫn đến sự phát triển của các siêu khuẩn – các loài vi khuẩn có khả năng kháng lại các loại thuốc kháng sinh dùng để tiêu diệt chúng. Việc kháng thuốc này là một hiện tượng tự nhiên xảy ra do các loài vi khuẩn liên tục thích nghi. Quy luật tự nhiên chính là các loài mạnh nhất sẽ sống sót – điều này nghĩa là thông qua các đột biến ngẫu nhiên, các siêu khuẩn chắc chắn sẽ xuất hiện khiến cho những phương pháp điều trị tiêu chuẩn không còn hiệu quả nữa.
Mặc dù quá trình này thường mất nhiều thời gian, nhưng việc lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp đang thúc đẩy sự phát triển của những siêu khuẩn này. Đã có khoảng 30.000 người Mỹ tử vong hàng năm do vi khuẩn kháng thuốc. Đến năm 2050, OECD ước tính rằng hơn 2,4 triệu người ở Bắc Mỹ có thể chết do các siêu khuẩn này.
3/ Các vấn đề đạo đức trong việc đối xử với động vật
Cùng với các rủi ro về môi trường và sức khỏe cộng đồng, còn có một khía cạnh khác liên quan đến mặt đạo đức. Tôi sẽ không nói chi tiết về vấn đề này, nhưng mà hiện tại chúng ta đối xử với động vật như thể chúng là những cỗ máy theo đúng nghĩa đen chứ không phải những sinh vật sống có tri giác.
Trong phần lớn các trường hợp, ưu tiên duy nhất của một trang trại chính là lợi nhuận và đó là lý do tại sao sức khỏe của động vật thường bị đặt sang một bên. Các chuồng nuôi nhốt động vật thường chật chội, nhiều mầm bệnh và điều kiện sống thì vô nhân đạo. Nếu chúng ta là một loài tin rằng mọi sinh vật đều có ý chí sống và có quyền được sống mà không phải chịu đau đớn và đau khổ, chúng ta sẽ không thể cho phép nông nghiệp hiện đại tiếp tục tồn tại như hiện nay.
Nhưng vì sao chúng ta không thể ngừng ăn thịt?
Khá rõ ràng là vấn đề ở đây chính là thịt và sự thèm muốn vô độ của con người đối với nó – nhưng tại sao chúng ta lại không ăn ít thịt đi? Sự thật là chúng ta không thể.

Trong vòng 50 năm, các nhà môi trường, chuyên gia y tế toàn cầu và các nhà hoạt động vì động vật đã kêu gọi công chúng ăn ít thịt. Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người cũng cao tương đương những gì được ghi lại trong lịch sử.

– Bruce Friedrich, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của The Good Food Institute

Mặc dù việc tiêu thụ thịt ở các nước phát triển đang giảm nhẹ, nhưng xu hướng toàn cầu về tiêu thụ thịt đang tăng lên và dường như vẫn đang tăng tốc. Bởi vì xét về thực tế nói chung, các gia đình càng có nhiều thu nhập, họ càng mua nhiều thịt. Khi ngày càng có nhiều người dân trên thế giới thoát khỏi nghèo đói ở các nước đang phát triển, nhu cầu thịt chắc chắn sẽ tăng lên tương ứng.
Cộng đồng ngày nay đã xuất hiện những phong trào ăn chay quy mô lớn, nhưng miễn là các chính phủ vẫn còn trợ cấp cho ngành nông nghiệp chăn nuôi thì thịt vẫn sẽ không đi đâu cả.
Con người thích ăn thịt, và chúng ta chẳng thể ngưng ăn thịt trong thời gian ngắn. Vì vậy giải pháp cho nông nghiệp hiện đại không phải là sự thay đổi hành vi hay chính sách, mà là một sự đổi mới công nghệ. May mắn thay cho chúng ta, có lẽ có cách giải quyết cho vấn đề này.
Bạn sẽ có thịt để ăn
Nông nghiệp tế bào – sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trực tiếp từ nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm – cung cấp một giải pháp sáng tạo và đột phá cho cuộc khủng hoảng nông nghiệp hiện đại.
Không cần chăn nuôi, nông nghiệp tế bào loại bỏ nhiều vấn đề đã nói ở trên của nền nông nghiệp hiện đại. Từ góc độ môi trường, nông nghiệp tế bào có thể giúp giảm đến 96% lượng khí thải nhà kính, 99% tài nguyên đất, 96% tài nguyên nước và 45% năng lượng đang được sử dụng. Đó là chưa kể đến việc nó không thật sự sử dụng bất kỳ loại đất thực tế nào, nên không có sự suy thoái đất, phá rừng hoặc thuốc trừ sâu độc hại kèm theo.
Hơn nữa, nông nghiệp tế bào không sử dụng kháng sinh, trong khi việc sinh thiết (trans: là một thủ thuật y tế trong đó một mẫu nhỏ của mô hoặc tế bào cơ thể được lấy ra để kiểm tra dưới kính hiển vi) về mặt lý thuyết chỉ cần thực hiện từ động vật duy nhất một lần – loại bỏ việc đối xử phi đạo đức đối với động vật trong khi vẫn cho phép chúng ta thưởng thức một chiếc burger ngon ngọt, đầy hương vị. Nhưng làm thế nào để nông nghiệp tế bào thực sự hoạt động? Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra các sản phẩm động vật mà không có động vật? Cụ thể hơn – làm thế nào để chúng ta tạo ra thịt?
Chìa khóa nằm ở tế bào của các loài động vật này.
“Thịt”, như hầu hết mọi người định nghĩa, là phần mô cơ của các loài vật nuôi. Phần thịt này bao gồm chủ yếu các sợi cơ xương, và mặc dù có thể nuôi cấy các sợi cơ trong ống nghiệm (bên ngoài cơ thể sống), các sợi cơ trưởng thành thường có khả năng tăng sinh hạn chế. Đó là lý do tại sao phương pháp tiếp cận của nông nghiệp tế bào thường phải sử dụng một số loại tế bào gốc. Hai loại tế bào gốc khác nhau có thể được sử dụng – mỗi loại có ưu điểm và nhược điểm riêng. Để đơn giản, chúng ta sẽ chỉ nói về việc sản xuất thịt bò nhân tạo trong phần giải thích bên dưới, nhưng xin lưu ý rằng nông nghiệp tế bào cũng có thể tạo ra hải sản, sữa, thịt gia cầm và các sản phẩm động vật khác.
1. Sử dụng tế bào vệ tinh
Tế bào vệ tinh (trans: myosatellite hoặc satellite cells) là tế bào gốc cần thiết cho sự phát triển cơ bắp sau sinh. Chúng tồn tại ở trạng thái không hoạt động, không phân chia trong các sợi cơ – cụ thể là giữa lá đáy và màng cơ tương. Lá đáy là một ma trận ngoại bào phân tách cơ và dây thần kinh, còn màng cơ tương là vỏ bọc hình ống bao bọc các sợi cơ.
Những tế bào này giống như một kho lưu trữ. Chỉ khi cơ thể trải qua chấn thương, các tế bào vệ tinh mới bắt đầu tăng sinh thành các nguyên bào cơ. Các nguyên bào cơ này hợp nhất với các sợi cơ bị hư hỏng và với những nguyên bào cơ khác trong một quá trình gọi là myogenesis để hình thành nên sợi cơ đa nhân. (trans: xem video tại đây)
Về cơ bản đó là những gì xảy ra trong cơ thể sinh vật sống. Tuy nhiên, trong nông nghiệp tế bào, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến việc hình thành các tế bào vệ tinh trong ống nghiệm – để hình thành nên các sợi cơ bên ngoài cơ thể sống đòi hỏi phải có thêm một vài bước.
a/ Thu thập và cô lập tế bào vệ tinh:
Đầu tiên, các tế bào vệ tinh phải được lấy từ động vật. Điều này được thực hiện bằng cách sinh thiết không gây tử vong và thường không gây đau đớn thông qua việc đưa kim vào động vật và lấy mẫu mô cơ xương. Nếu cần, con vật có thể được gây mê và tiêm thuốc an thần.
b/ Nuôi cấy tế bào:
Bước tiếp theo liên quan đến việc làm cho các tế bào này phân chia – nhưng nó không dễ dàng như việc lấy các tế bào vệ tinh và đặt chúng vào đĩa petri. Vấn đề là sự phát triển của mô cơ xương đòi hỏi phải có sự hiện diện của các protein chức năng do cơ thể khởi xướng. Các loài động vật chắc chắn không muốn có sự phát triển tế bào không được kiểm soát trong cơ thể (như ung thư), vì vậy chúng có những tín hiệu cụ thể để báo cho các tế bào biết khi nào nên sinh sôi nảy nở.
Trong môi trường phòng thí nghiệm, không có hệ thống tuần hoàn để cung cấp các chất dinh dưỡng, oxy, năng lượng, loại bỏ chất thải hoặc các tín hiệu hóa học và sinh học cần thiết cho các tế bào phát triển. Chúng ta phải tìm cách “đánh lừa” các tế bào để khiến chúng nghĩ rằng chúng vẫn còn trong cơ thể con bò. Đó là lý do tại sao trích xuất các tế bào vệ tinh của bò cần sử dụng môi trường nuôi cấy và các “khung”.
Môi trường nuôi cấy là dạng vật chất khuyến khích sự phát triển của các tế bào. Hầu hết các phương pháp tiếp cận nông nghiệp tế bào đòi hỏi phải sử dụng một thứ gọi là huyết thanh thai bò (FBS). Đây là loại huyết thanh được lấy từ bào thai của bò và được sử dụng bởi vì nó chứa hàm lượng lớn hóc-môn, protein tải và protein cao phân tử. Nó đơn giản là một chất nhầy siêu năng lượng mà các tế bào vệ tinh sử dụng để phát triển và phân chia thành các nguyên bào cơ.
Về phần khung tế bào, nó chỉ là một thành phần tùy chọn không bắt buộc và chỉ cần thiết nếu như chúng ta muốn tạo ra được các loại thịt có cấu trúc đặc biệt – bạn biết đấy những loại như thịt thăn lưng và ức gà. Các khung này đơn giản chỉ là một cấu trúc để thịt có thể phát triển xung quanh và tạo thành mô cơ có hình dạng được sắp xếp cẩn thận. Những loại chất thường được sử dụng để làm khung là colagen, gelatin, mô thực vật đã được khử hóa, chi tin, và một số loại khác. Tuy nhiên, đối với các loại thịt không yêu cầu cấu trúc đặc biệt (như thịt bằm) sử dụng cho burger thì không cần đến các khung này.
Dù là trong trường hợp nào, chúng ta cũng cần phải phân chia các nguyên bào cơ để chúng hợp thành ống cơ thông qua quá trình myogenesis bởi vì các sợi cơ được hợp thành từ rất rất nhiều ống cơ. Điều này cần phải thực hiện trước khi các nhân tố nuôi cấy (thường là FBS) cạn kiệt. Tại thời điểm này, các nguyên bào cơ sẽ ngừng phân chia và chuyển sang quá trình biệt hóa (trans: biệt hóa là quá trình các tế bào chưa chuyên hóa phát triển thành các tế bào chuyên hóa để đáp ứng lại với các tín hiệu từ bên trong và bên ngoài tế bào) để trở thành ống cơ. Như đã nói trước đó, những ống cơ này sẽ kết hợp thành sợi cơ. Nhiều sợi cơ sẽ tạo thành các mô cơ và thông qua rất rất nhiều lần hợp nhất của các mô cơ chúng ta sẽ có được sản phẩm thịt cuối cùng.
Nồi phản ứng sinh học là nơi tất cả các phép thuật này xảy ra. Mặc dù vẫn còn nhiều cách tiếp cận sử dụng đĩa petri vì nhu cầu cần các tế bào vệ tinh bám vào bề mặt, nhằm tăng quy mô của quá trình với mục tiêu cuối cùng là để nuôi cấy thịt nhân tạo trong các thùng 3D lớn – tương tự như cách ủ bia.
c/ Chuẩn bị thịt:
Nhưng mà khoan đã, một chiếc burger ngon không thể chỉ có mỗi mô cơ được, cần phải có chất béo/mỡ trong đó nữa và mỡ đóng vai trò rất lớn trong việc tạo ra hương vị của miếng thịt. Không giống như trong cơ thể động vật, mỡ trong nông nghiệp tế bào không được nuôi cấy cùng với thịt, mà được nuôi cấy riêng trong một lò phản ứng sinh học khác và được thêm vào gần cuối để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Tỷ lệ cơ bắp với mỡ là một yếu tố quan trọng quyết định hương vị của các loại thịt khác nhau.
Các thành phần phụ khác như hemoglobin (huyết sắc tố) hoặc myoglobin (cả hai đều chứa các nguyên tử sắt) được thêm vào để mô phỏng màu sắc và mùi vị tự nhiên của thịt truyền thống. Đặc biệt, myoglobin, một trong những protein xuất hiện nhiều nhất trong các tế bào cơ, đã cho thấy sự cải thiện đáng kể quá trình trao đổi chất và biệt hóa từ tế bào vệ tinh thành tế bào cơ trưởng thành. Đó là lý do tại sao hemoglobin và myoglobin ngày càng được sử dụng nhiều trong môi trường nuôi cấy của thịt nhân tạo cùng với FBS.
(trans: well, nếu bạn đã đọc đến đây và… không hiểu gì hết thì cũng không sao. Bạn có thể xem thử các videos sau để hiểu thêm về quá trình nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm: 1, 2, 3).
d/ Thưởng thức:
Và vậy là đã xong. Một miếng thịt nuôi cấy hoàn toàn bằng tế bào vệ tinh mà không liên quan gì đến nông nghiệp chăn nuôi truyền thống và cả những bệnh liên quan. Tất cả những gì cần làm đó là đem miếng thịt đi chế biến và nó hoàn toàn an toàn cho con người bởi vì các tế bào hoạt động chính xác như những gì chúng thực hiện trong cơ thể sống, chỉ là… chúng không thực sự ở trong một cơ thể nào cả. TUYỆT VỜI ĐÚNG KHÔNG?
2. Sử dụng tế bào đa năng cảm ứng
Một vấn đề trong việc sử dụng các tế bào vệ tinh là mặc dù chúng có khả năng phân chia nhiều hơn các sợi cơ, chúng chỉ có thể tự phân chia khoảng 40 đến 60 lần. Điều này là do giới hạn Hayflick – cụ thể là các tế bào bình thường, thậm chí bao gồm cả tế bào gốc trưởng thành sẽ chết đi sau một số lần phân chia nhất định.
Đây là một quá trình tự nhiên xảy ra do việc phân chia tế bào nhiều lần có thể gây ra tổn thương cho DNA. Bạn thấy đấy, tại điểm cuối của mỗi chuỗi DNA, có một đầu mút (hoặc “mũ bảo vệ”) gọi là telomere. Mỗi khi nhiềm sắc thể nhân đôi thì các đầu mút này bị rút ngắn đi một chút, cho đến khi các telomere này hoàn toàn biến mất. Để tránh đánh mất các đoạn DNA thực và đánh thức con quái vật sinh học có tên gọi ung thư, thì khi các tế bào bước vào giai đoạn lão hóa chúng sẽ ngưng phân chia hoặc thực hiện Apoptosis(quy định sự chết theo chương trình của tế bào).
Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng các tế bào gốc đa năng cảm ứng (IPSCs) để nuôi cấy thịt. Đây là những tế bào trưởng thành chuyên biệt đã được lập trình lại về mặt di truyền thành trạng thái giống như phôi thai. Ở trạng thái này, chúng giống hệt với tế bào gốc phôi (ESCs) và có thể phân chia với số lần không xác định.
Một phần thưởng tặng kèm cho điều này là các IPSC không cần đến huyết thanh để tái tạo giống như tế bào vệ tinh. Chúng tự phân chia mà không cần đến sự hỗ trợ của các protein đặc biệt, giúp loại bỏ nhu cầu về FBS. Đây có thể xem là một món hời lớn nếu xét đến việc cách thức sản xuất FBS hiện tại không được đúng đắn về mặt tiêu chuẩn đạo đức. Ví dụ, thai nhi bê được lấy ra từ cơ thể của bò mẹ bị giết thịt và một cây kim sẽ dùng để đâm xuyên qua trái tim đang đập của nó để lấy được máu tinh khiết nhất. Vâng… tệ thật.
Nếu như nhìn nhận nông nghiệp tế bào là một phương pháp giải quyết các vấn đề về mặt đạo đức thay thế cho nông nghiệp truyền thông và nhằm mục tiêu sản xuất thịt mà không cần đến động vật, thi nó không thể dựa vào FBS. Chưa kể đến việc sản xuất FBS có chi phí rất lớn, đòi hỏi rất nhiều biến thể và nguy cơ tiềm ẩn các chất gây hại trong máu bê.
Bởi vì nhiều yếu tố cụ thể cho phép IPSC phân chia thành tế bào cơ hoặc tế bào mỡ, nên quy trình nuôi cấy của nó cũng tương tự như quy trình nuôi cấy từ tế bào vệ tinh. Tuy nhiên, nó có ưu điểm là có thể nuôi cấy trong các nồi phản ứng sinh học kích thước lớn bởi vì chúng có thể phát triển ở môi trường dạng keo và không cần phải có bề mặt để bám vào trong giai đoạn tăng sinh ban đầu.
Vẫn cần nhiều nghiên cứu để hiểu rõ cách tiếp cận nông nghiệp tế bào thông qua IPSC bởi vì chúng khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, có khả năng phương pháp nuôi cấy thịt này sẽ dẫn đến tương lai của nông nghiệp tế bào vì nó không cần đến huyết thanh, chỉ cần một dòng tế bào đa năng cảm ứng, và phương pháp cũng dễ dàng gia tăng quy mô hơn. Meatable, một công ty nuôi cấy thịt sử dụng IPSC, nói rằng họ có thể biệt hóa IPSC trong thời gian 5 ngày, so với 60 ngày theo giao thức thông thường.
Vậy cái burger làm từ thịt nhân tạo của tôi đâu?
Mặc dù thịt nhân tạo cung cấp một giải pháp rất hứa hẹn để sản xuất thịt bền vững, có một vài thách thức trong việc biến nó trở thành lựa chọn chủ đạo thay thế cho nông nghiệp truyền thống. Hai vấn đề lớn nhất là chi phí và sự tương đồng với thịt thông thường.
Bên cạnh việc phi đạo đức và phụ thuộc vào động vật, các hợp chất dùng để nuôi cấy như huyết thanh bào thai vô cùng đắt đỏ (lên tới 1000 USD mỗi lít). Nhiều công ty đang đổ tiền vào việc tìm kiếm một giải pháp thay thế cho FBS, nhưng hiện tại vẫn phụ thuộc chủ yếu vào huyết thanh để sản xuất thịt nuôi cấy.
Hơn nữa, nông nghiệp tế bào vẫn đang đấu tranh để tạo ra được một miếng bít tết thực sự. Hầu hết các thử nghiệm về mặt hương vị của thịt nhân tạo cho đến nay đã thành công, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để công nghệ đạt được thành công với các loại thịt có cấu trúc phức tạp. Sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn về quá trình oxy hóa, loại bỏ chất thải và khung 3D cần thiết để tạo ra thịt có cấu trúc phức tạp.
Những “tay chơi” chính trong Nông nghiệp tế bào
Dưới đây chỉ là một vài trong số nhiều công ty đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tế bào – phần lớn trong số họ được thành lập chỉ trong vòng năm năm qua. Hãy nhớ rằng công nghệ này còn non trẻ, nhưng có những bước tiến lớn đã được thực hiện.
· Mosa Meat: Được thành lập vào năm 2015 tại Hà Lan, Giám đốc khoa học của Mosa Meat – Mark Post là người đã giới thiệu chiếc bánh hamburger từ thịt nuôi cấy đầu tiên trên thế giới vào năm 2013 với mức giá $325.000. Kể từ đó, công ty đã có những bước tiến lớn trong việc giảm giá thành và cải thiện hương vị sản phẩm của họ. Thú vị nhất, họ đã phát triển một môi trường nuôi cấy không có huyết thanh thai bò. Công ty đã thu về 7,5 triệu euro trong vòng gọi vốn Series A vào năm 2018.
· Memphis Meats: Thành lập ở Berkeley, California, Memphis Meats đã tạo ra món thịt viên nuôi cấy đầu tiên trên thế giới vào năm 2016, sau đó là các món gà và vịt tương tự vào tháng 3 năm sau. Trong khi tiếp tục tìm cách giảm giá các sản phẩm của mình, họ dự định sẽ thương mại hóa vào năm 2021. Vào tháng 1 năm 2020, công ty đã thành công thu về từ vòng gọi vốn Series B khoản tiền trị giá 161 triệu đô la với các nhà đầu tư như Bill Gates và Softbank Group.
· Aleph Farms: Được thành lập vào năm 2017, Aleph Farms đã nghiên cứu để cho ra đời một kỹ thuật cho phép các loại tế bào khác nhau (mạch máu, cơ bắp, chất béo) được nuôi cấy cùng nhau bằng cách sử dụng một khung 3D. Họ là công ty duy nhất cho đến nay đã làm được bít tết bò – mặc dù nhỏ hơn và mỏng hơn đáng kể so với bít tết thực sự. Họ cũng là công ty đầu tiên nuôi cấy thịt ngoài không gian, sử dụng máy in sinh học 3D trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2019.
· JUST: tên gọi cũ là Hampton Creek, một start-up tại San Francisco, JUST là công ty đã tạo ra các sản phẩm thay thế thuần chay cho các loại thực phẩm mặn truyền thống như trứng làm từ thực vật và mayonnaise. Gần đây, họ đã nhảy vào ngành nông nghiệp tế bào, sản xuất gà viên và đang nhắm đến món gan ngỗng. Ban đầu, JUST đã nhắm đến việc bán thịt nuôi cấy thương mại đầu tiên vào năm 2018 nhưng sau đó tuyên bố rằng những rào cản pháp lý đã ngăn cản họ tung ra sản phẩm.
· Perfect Day: Mặc dù họ không sản xuất thịt, công ty Perfect Day của California sử dụng nông nghiệp tế bào để sản xuất các hợp chất từ sữa: protein casein và whey từ các nguồn không phải động vật. Họ lấy các gen thiết yếu từ sữa và thông qua kỹ thuật sinh học để biến chúng thành các vi sinh vật như nấm men. Sau đó, họ nuôi các vi sinh vật này bằng một nguồn carbohydrate như đường ngô được chuyển đổi thành protein sữa dựa trên hệ thực vật thông qua quá trình lên men. Mô hình B2B của họ cho phép họ bán các sản phẩm từ sữa này cho các doanh nghiệp khác.
Tương lai của nông nghiệp tế bào
Xét cho cùng, sự thật vẫn là cần phải thực hiện điều gì đó để thay đổi tình trạng của nền nông nghiệp hiện tại. Sự gia tăng khí thải nhà kính và vi khuẩn kháng kháng sinh phát sinh từ công nông nghiệp chắc chắn sẽ làm hại đến chúng ta nếu xét theo xu hướng hiện tại.
Nông nghiệp tế bào đại diện cho giải pháp thiết thực, đạo đức và bền vững nhất để sản xuất các sản phẩm động vật không chỉ ở đây trên Trái đất mà còn ngoài không gian – và bất cứ nơi nào nhân loại có thể đi trong tương lai.

Giải pháp cho ngành nông nghiệp không phải là giảm tiêu thụ thịt, mà là chuyển đổi nó.

Nguồn ảnh: Foodbev.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *