Theo ghi nhận của phóng viên, dọc theo tuyến đường bắt đầu từ Quốc lộ 1K hướng đi TP Thuận An (tỉnh Bình Dương), hàng trăm cây xanh dọc tuyến đường này trơ trụi, thân bị cháy đen, vòng kiềng bảo vệ siết chặt thành những vết lõm sần sùi.
Các cây xanh bị ảnh hưởng nói trên phần lớn nằm tại TP Thuận An. Theo người dân, dù hiện trạng này đã diễn ra lâu nay nhưng chưa được xử lý.
Cây xanh bị bức tử, trên thân đeo vòng sắt. Ảnh: Hà Xa
Cụ thể, dọc theo đoạn đường từ ngã tư phường Bình Hòa đến phường Thuận Giao (TP Thuận An) có gần 500 cây xanh bị đeo vòng kiềng chật ních, các vòng này ăn sâu vào thân cây tạo thành những vết hằn sâu, xung quanh nổi nốt sần sùi.
Bên cạnh những cây xanh bị bức tử bởi vòng sắt siết, hàng trăm cây xanh khác ngập ngụa rác ở dưới gốc cây, chất đống. Điều này không chỉ kìm hãm sự phát triển của cây xanh mà còn làm mất mỹ quan đô thị.
Theo chị Huỳnh Thị Kim Anh, ngụ phường Thuận Giao chia sẻ: “Rác ở đây chủ yếu là rác thải sinh hoạt do người dân quanh đây mang ra vứt vào những gốc cây. Mặc dù rác đã xuất hiện từ lâu rồi, nhưng không thấy ai dọn dẹp, lâu dần cứ tùng túi, từng người đem ra xả hình thành từng đống, người dân sinh sống ở đây thấy bẩn quá thì dọn dẹp bằng cách đốt”.
“Mỗi nhà mỗi tháng đều phải đóng tiền rác, xe chở rác cũng thường xuyên đi qua đi lại nhưng chả thấy dọn dẹp những đống rác xả như vậy.”, chị Kim Anh cho biết.
Rác thải sinh hoạt không bỏ đúng nơi quy định, những gốc cây xanh vô tình lại trở thành nơi lý tưởng đổ rác thay cho thùng rác. Lâu dần cứ hết người này lại tới người kia vứt rác bừa bãi tạo thành những đống rác cao, dày. Không có ai dọn dẹp, người dân bất lực phải tự gom rác lại để đốt, và cũng vô tình những cây xanh lại trở thành nạn nhân của việc đốt rác vô tội vạ.
Là người dân sinh sống lâu năm trên tuyến đường này, ông Trần Như Ý cho biết: “Người dân cũng bất lực khi đống rác to nằm trước nhà nhưng không ai dọn dẹp, bí quá dân phải tự đốt chứ không nó cứ to lên mãi”.
Để giảm thiểu người dân vứt rác bừa bãi, cũng như để bảo vệ cây xanh, mỹ quan đô thị xanh sạch đẹp, ông Ý có đề nghị địa phương cần đặt thêm những thùng rác ở nơi xe thu gom rác không đi qua. Đồng thời gắn thêm các biển cấm đổ rác, những người cao điểm của xả rác bừa bãi thì nên lắp đặt camera xử phạt người vi phạm.
“Tôi mong muốn chính quyền địa phương phải có biện pháp để ngăn chặn tình trạng vứt rác ra đường, vào gốc cây không còn tái diễn nữa. Có thể đặt thêm thùng rác, phí thu gom rác có thể chia đều cho người dân trong khu vực chi trả, đồng thời tăng mức phạt đối với người có hành vi vứt rác bừa bãi”, ông Ý nói.
Còn về vấn đề kiềng sắt siết cây, người dân tỏ ra bức xúc khi cây xanh trồng lên nhưng không ai quan tâm, nhiều cây bị chết khô chỉ còn trụ đỡ mà không thấy trồng cây mới.
Theo người dân, bên phía quản lý cây xanh cần quan tâm cây xanh nhiều hơn, trước hết là tháo dỡ những cây trụ bị hư hỏng, nới lỏng vòng sắt để cây có thể phát triển một cách tự nhiên nhất.