Mua BĐS là tài sản cả đời, cho nên nhiều người rất lo lắng đến việc liệu mình có bị mua “hớ” hay không. Mua “hớ” ở đây được hiểu là mua với giá cao hơn so với giá mặt bằng chung của thị trường hoặc so với người mua khác với một BĐS tương đồng, cùng vị trí, khu vực.
1.Đừng vội vã
Đây là quy tắc thách đố cảm tính. Hãy tập luyện thói quen nếu không mua được căn nhà này, vẫn còn những căn khác đang chờ bạn. Đừng tiếc “hàng ngon” rồi cố mua bằng mọi giá và dễ sa đà vào bẫy và mua hớ. Nếu ngập ngừng với căn nhà đang xem, bạn hãy tạm gác lại, tìm thêm những mục tiêu mới. Thị trường luôn còn đó nhiều cơ hội phía trước.
2.Hạn chế mua lúc thị trường nóng sốt
Đây là quy tắc kỷ luật về thời điểm. Giai đoạn sốt đất là cột mốc xấu nhất để tiến hành một giao dịch nhà phố. Lý do, cơn sốt tác động mạnh đến tâm lý bên bán, khiến họ tăng giá vô tội vạ, thiếu cơ sở và tạo nên những mức giá bất hợp lý trên thị trường. Ngược lại, cơn sốt khiến người mua bối rối, sợ vuột mất cơ hội, càng cố mua cho bằng được. Đa số các thương vụ mua nhà phố bị hớ tiền tỷ đã diễn ra trong thời kỳ sốt đất. Do đó, tránh mua trong thời điểm này là giảm thiểu được rất nhiều rủi ro.
3.Xác định khu vực thật sự muốn mua
Đây là quy tắc định vị. Khoanh vùng một địa bàn mà bạn muốn mua nhà phố sẽ giúp cho việc sàng lọc có tính hệ thống và khoa học. Càng thu hẹp phạm vi thì cách tiếp cận mục tiêu càng rõ ràng, cụ thể. Việc định vị này giúp người mua nắm được phần nào đặc điểm, mặt bằng giá và các quy định pháp lý của từng địa phương. Do nhà phố là sản phẩm mang tính địa phương rất cao, mỗi quận, huyện, phường, tuyến đường sẽ có những đặc điểm cá biệt.
4.Liên tục tìm hiểu và so sánh
Đây là quy tắc kết nối. Người mua nên đi xem ít nhất 3 lần, trên 10 căn nhà phố rồi hãy bắt đầu nghĩ đến việc ra quyết định mua tài sản. Nếu tần suất do thám dày đặc hơn thì lợi thế mua được giá tốt sẽ càng lớn. Bởi lẽ, lúc này bên mua có nhiều dữ liệu để so sánh, đánh giá tài sản có phù hợp với nhu cầu hay không và có giá chênh lệch quá lớn với mặt bằng chung hay không. Đối với người mua nhà để ở, tần suất tìm hiểu nên cao hơn gấp 2-3 lần so với người mua nhà để đầu tư vì căn nhà sẽ trở thành tài sản và nơi an cư lâu dài.
—-
Nguồn: Theo Nhịp sống Kinh Tế