Thành phố Thượng Hải vừa chứng kiến một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ giao diện não-máy tính (BCI), mở ra hy vọng mới cho hàng triệu người gặp khó khăn về vận động và ngôn ngữ. Trong các thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Huashan, hai bệnh nhân động kinh đã được cấy ghép thiết bị não, cho phép họ chuyển hóa suy nghĩ thành lời nói và hành động. Thành tựu này do công ty NeuroXess, có trụ sở tại Thượng Hải, hợp tác thực hiện cùng Đại học Phúc Đán.
Đặc biệt, bệnh nhân đầu tiên, 43 tuổi, đã sử dụng công nghệ này để giải mã và tổng hợp âm tiết tiếng Quan Thoại – một ngôn ngữ phức tạp với hơn 400 âm tiết và bốn thanh điệu. Sau phẫu thuật chỉ kéo dài vài phút để đặt các điện cực vào trung tâm ngôn ngữ trong não, bệnh nhân này đã bắt đầu tập luyện. Chỉ trong vòng một tuần, anh đã đạt độ chính xác 71% khi giải mã 142 âm tiết phổ biến trong tiếng Quan Thoại. Thông qua suy nghĩ, bệnh nhân có thể điều khiển các mô hình ngôn ngữ lớn và chuyển đổi tín hiệu não thành lệnh để thao tác các thiết bị như tay robot.
Cấy chip vào não, “biến” sũy nghĩ thành chữ
Song song với đó, một bệnh nhân khác, 21 tuổi, đã trải qua quá trình cấy ghép điện cực tại trung tâm vận động của não. Bệnh nhân này có thể chơi trò chơi điện tử và điều khiển thiết bị thông minh chỉ bằng suy nghĩ. Sau hai tuần tập luyện, anh đã sử dụng thành thạo các ứng dụng phổ biến như nhắn tin, mua sắm trực tuyến và vận hành xe lăn điện. Đây là minh chứng cho tiềm năng của công nghệ BCI trong việc cải thiện cuộc sống hàng ngày của những người khuyết tật vận động.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, công nghệ BCI hiện vẫn phụ thuộc vào các thiết bị bên ngoài. Cả hai bệnh nhân đều cần sử dụng thiết bị đội đầu và phải kết nối với các nguồn dữ liệu qua dây dẫn để truyền tải tín hiệu não. NeuroXess dự kiến sẽ ra mắt thế hệ thiết bị mới vào cuối năm nay, hứa hẹn mang đến khả năng truyền dữ liệu không dây và sạc pin tự động, giúp giảm bớt hạn chế trong việc sử dụng.
So với các công ty lớn như Neuralink của Elon Musk, NeuroXess tập trung vào phương pháp tiếp cận ít xâm lấn hơn, nhằm tránh tổn thương đến mô não. Theo ông Hồ Đào, nhà sáng lập và nhà khoa học trưởng của NeuroXess, phương pháp của công ty đặt trọng tâm vào vỏ não, giúp bảo vệ an toàn cho bệnh nhân trong quá trình cấy ghép và vận hành thiết bị.