CÂU HỎI PHẢN BIỆN – ĐỪNG NGẠI ĐỪNG TRẢ ĐŨA!

Chuyện đặt câu hỏi phản biện khi thuyết trình.

Thông thường, giảng viên sẽ yêu cầu các nhóm trong lớp đặt câu hỏi cho nhóm vừa thuyết trình xong. Đây không chỉ là cách giúp giảng viên đánh giá xem các thành viên trong lớp có tập trung hay không, mà còn là dịp để các bạn được nhìn ra những điểm chưa chặt chẽ trong bài thông qua nhận xét/câu hỏi của các nhóm khác.

Mục đích thì tốt đẹp là vậy, nhưng chẳng biết từ bao giờ phần hỏi – đáp phản biện này lại trở thành một nơi với “luật” ngầm: Không được hỏi khó, không được chê bai. Nếu ai phạm phải thì cá nhân đó cùng cả nhóm đó sẽ bị ghét, bị ghim và bị… làm khó lại ở lượt tiếp theo. Việc này không phải chỉ lên Đại học mới có, thậm chí từ những năm cấp 3 đã xuất hiện rồi nhen.

Mình nghĩ có 3 lý do mà nhiều bạn có tư tưởng như vậy về việc hỏi – đáp phản biện như vậy:

1. KHÔNG THÍCH MÔN ĐÓ, LÀM NHANH CHO XONG

Lý do đầu tiên và dễ hiểu nhất là vì các bạn không thích môn học mà các bạn phải thuyết trình. Chính vì không thích, nên các bạn không có cảm hứng để tiếp thu thêm kiến thức nữa. Chỉ cần thuyết trình cho xong, chỉ cần không ai bắt bẻ để bạn phải đau đầu tìm câu trả lời, chỉ cần qua được môn học là xong, là đủ.

Thế nhưng, chúng ta không thể chỉ chọn những việc mà chúng ta muốn làm, hay chính xác hơn là chọn đứng trong vòng an toàn của chúng ta. Con người có xu hướng sợ và né tránh những gì không quen thuộc, và chúng ta thường gắn lên nó những cái mác như “đó không phải chuyện tôi thích làm”, “môn học đó chán lắm”…

Nếu bạn cố gắng đủ nhiều nhưng không học được nó, nghĩa là nó không hợp với bạn. Nhưng hầu hết thì chúng ta đều chỉ đang chìm trong biện bạch rằng nó không hợp dù chưa thật sự cố gắng. Hãy ghi nhớ điều này: Để được học và làm thứ bạn thích, bạn sẽ phải học và làm những thứ bạn không thích.

2. KHÔNG TỰ TIN VỚI BÀI LÀM CỦA MÌNH

Người ta nói có tật thì giật mình, vậy nên nếu bạn từng làm bài vở đối phó hay bài thuyết trình cho có thì bạn sẽ hiểu cảm giác lo lắng này. Đó có thể là vì bạn không tự tin trước đám đông, tâm lý không vững, hoặc đơn giản rằng bạn không phải là người take care hay follow xuyên suốt dòng thông tin trong lúc làm việc nhóm.

Nếu bạn là người có tâm lý không vững trước đám đông, dễ bị bối rối khi bất ngờ bị đặt câu hỏi. Bạn có thể xin được “hội ý” rồi mới đưa ra câu trả lời cuối cùng, cũng như tập quen với việc bị hỏi bất ngờ như vậy. Sau này khi làm việc, bạn sẽ luyện được khả năng phản xạ nhanh hơn cũng như vững tâm lý trước đám đông hơn.

Nhiều nhóm khi teamwork thường chia riêng cho 1 bạn thuyết trình, không làm thêm gì cả. Với mình, điều này là không hợp lý. Người thuyết trình cần hiểu được logic của cả bài làm, là người biết vì sao thông tin này được đặt vào slides này mà không phải thông tin khác. Vậy nên, mình thường để leader hoặc người làm slides thuyết trình chứ không để bạn khác trong nhóm.

Còn nếu bạn vì làm đối phó mà hục hặc với người đặt câu hỏi thì mình cũng chịu rồi :> Đây là sự lựa chọn tệ nhất trong những lựa chọn đó.

3. TÂM LÝ “TỐT KHOE XẤU CHE”

Lý do thứ 3 là tâm lý rất phổ biến ở những bạn sinh viên chưa quen với việc thu lại cái tôi to đùng của mình. Nhiều bạn không muốn thừa nhận bản thân không hoàn hảo, không muốn thừa nhận mình cần được chỉ ra những điểm chưa tốt của bản thân.

Sự thật thì mất lòng, có phải bạn đã từng ôm suy nghĩ “Nó biết gì mà nói mình” chưa? Thay vì ý thức rằng câu hỏi là nơi giúp bạn rèn luyện khả năng xử lý tình huống, tư duy phản biện hay mở rộng vấn đề để chúng mình cùng hiểu thêm thì nó lại được quy chụp thành “làm khó nhau”. Bạn ơi, đâu ai rảnh mà làm khó bạn. Điều họ cần là giải đáp thắc mắc vì chưa hiểu phần bạn trình bày, vì muốn học hiểu môn học thôi, chứ làm khó nhau thì có được fame hay lợi lộc gì đâu?

Bản thân mình ngày xưa cũng vậy, khi mình chưa học được tính cầu tiến mình cũng hay đổ quạu với những ai “động chạm” đến bài thuyết trình của mình. Mình nghĩ rằng họ cố tình làm khó, cố tình bắt bẻ hoặc tỏ vẻ “thượng đẳng” hơn. Thế nhưng, bạn biết đấy, rồi mình cũng bỏ dần cái tính đấy, học cách cân nhắc kỹ hơn liệu họ nói có đúng không, liệu có hiểu lầm không, liệu ý kiến của họ có đi ngược lại quan điểm sống của mình không?

Sự cân nhắc kỹ càng và dũng cảm nhìn vào lỗi sai của bản thân là chuyện khó học được ngày một ngày hai, nhưng nó sẽ đến dần sau nhiều lần vấp ngã. Hãy nhớ rằng, không ai muốn chia sẻ kiến thức cho một người luôn giãy nảy lên mỗi khi được chỉ ra cái sai cả.

So với việc thuyết trình nhưng không được lắng nghe, không được đặt câu hỏi hay đặt những câu hỏi cho có thì mình vẫn thích được đặt câu hỏi có tính thách thức hơn. Thật ra, môi trường học cũng sẽ quyết định kha khá cách hành xử của chúng mình nữa: Khi mình còn du học, mọi người đều xem việc hỏi đáp phản biệt là chuyện đương nhiên, vậy nên mình luôn cảm thấy thoải mái dù có đặt câu hỏi hay được hỏi.

Phản biện ở Đại học mang trong mình một ý nghĩa rất khác, tư duy phản biện là kỹ năng đang được quan tâm và khuyến khích nhiều hơn ở Việt Nam. Mong rằng các bạn sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của “tiết mục” hỏi đáp cuối bài và hoan hỉ hơn khi có người chịu nghe bạn nói để “bắt bẻ” bạn nhen ~

Theo: Nhịp Sống

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *