CÂU CHUYỆN CỦA VONG LINH: PHẦN 6 – TỰ TỬ

Năm mười tám tuổi, ba bán lúa đưa tui lên Sài Gòn ở trọ để học luyện thi. Ngày tháng dầm dề trôi, ngày căng con mắt tối ôm lấy sách vở.  Nào toán, nào văn quay mòng mòng cuốn phăng khái niệm giờ giấc, chỉ sợ không đủ thời gian, lại sợ thi rớt rồi làm sao dám về ăn nói với ba mẹ. Giờ nhớ lại, tui vẫn còn hãi, gai ốc nổi ngập từng cơn. 

Sống được mấy hôm thì cô chủ trọ dẫn thêm một thằng lù lù xuất hiện, nói là chia bớt phòng trọ cho đỡ tiền. Nhìn thân hình mảnh khảnh, nước da trắng lại thêm bộ tóc lù bù che đi  nửa gương mặt điển trai, lạnh lùng khiến tui kinh ngạc hết sức. Không phải vì cái vẻ lãng tử hút hồn, tui hay thấy trong mấy bộ phim kiếm hiệp mà chính là cái không khí u sầu đặc quánh, ảm đạm bao phủ quanh lấy thân thể người bạn cùng phòng. Loại này tui chỉ được thấy một vài lần của mấy vong linh mang nhiều u uất mà không chịu siêu thoát. 

Hưng hơn tui một tuổi, nghe đâu cũng là lần thứ hai xách đồ đi học luyện thi. Kể cũng lạ,  thằng bạn cùng phòng coi vậy mà thông minh lắm, học cùng lớp mà chữ tui con còn, con mất. Còn bài nào hỏi tới, nó cũng biết làm. Kì cục nhất là mỗi lần thi thử lúc nào Hưng cũng dưới điểm trung bình khiến mấy thầy cô tức anh ách, chả biết phải làm sao. Mặc dù hai đứa ở cùng phòng, tui cũng không tiện hỏi. Chuyện người ta không muốn kể, đàn ông con trai ai lại tỏ ra nhiều chuyện mà đi dây vào.  

Trước hôm tự tử, nghe trong điện thoại, Hưng cãi nhau với ba nó một trận rồi bỏ ra góc cầu thang ngồi rít thuốc. Khói vương vấn vít, nhìn rầu dữ lắm nhưng cứ vậy im lặng bỏ mặc khói trắng phủ mờ không gian. Mấy lần còn tính qua hỏi thăm nhưng ngó cái bộ đau thương quằng quại như mấy con sư tử bị thương sau khi dằng xé kiếm mồi, bất giác tui rụt người, lẳng lặng quay lưng. Hôm ấy, đúng lúc cậu Ba chở má từ quê mang đồ lên thăm. Bánh trái quê, thứ gì cũng có, hai mẹ con tâm sự đủ điều. Mẹ lo từ cái chỗ ngủ cho tới cái nồi cơm, sau lại rủ nhau ghé nhà cậu Bảy, vậy là tui đi đến tận chiều hôm sau mới quay lại. 

Lúc bước vào phòng, thấy cơ thể Hưng đã lạnh cứng từ bao giờ, đầu chếch một bênh, máu từ cổ tay cũng đã khô đóng thành vệt đỏ thẫm. Hồn nó thì bay là là gần đó đăm chiêu ngó cái xác chẳng hiểu nghĩ gì. 

– Sao mày lại tự tử? – tui rề rà, chầm chậm tiến lại, cuối cùng không kiềm được buông ra câu hỏi.  

 Hưng đứng ngó cái thân thể đang chuyển dần sang màu tím tái của nó giữa vũng máu loang. Mắt trân trân, miệng buông một nụ cười chua chát, chả hiểu cười gì? Nó luôn như vậy, lạnh lẽo đến mức người khác không muốn lại gần.

– Tao mệt. – mất một lúc nó mới mở miệng trả lời. Cũng đã từng biết khả năng này của tui nên cũng chẳng may may tỏ vẻ ngạc nhiên.

– Vậy giờ thì sao? – vì quá quen với việc nói chuyện với vong linh nên tui chẳng còn cảm giác sợ hãi mà thay vào đó là bàng hoàng. Thằng bạn chung phòng hơn nửa năm, mới qua còn sống sờ sờ, tự dưng hôm nay cứ vậy trở thành cái xác vô hồn làm sao không khỏi tiếc thương. 

– Ừ, vẫn còn đau. – Hưng nói từng chữ nghe đến nhói lòng. – Tao tưởng đâu chết là được giải thoát, hoá ra cũng chỉ là bỏ cái xác. Cái đau trong lòng vẫn còn mang theo.

– Vì sao mày lại chọn cách này? – tui hỏi, không kiềm chế được suy nghĩ. 

– Thì cách này là đơn giản nhất chứ sao. Thắt cổ treo lòng thòng má tao bả thấy chắc ám ảnh lắm. 

Tui mất bình tĩnh ngắt ngang lời: 

-Tao hỏi là sao mày chọn cái chết kìa. Chứ mày chọn kiểu chết như thế nào bả không đau.

– À, ba tao. Từ nhỏ đến lớn tao luôn phải nghe lời ổng. Học như thế nào, gặp ai, chơi bạn như thế nào… Mọi chuyện đều được sắp đặt. Kể cả chuyện vào Sài Gòn học đại học, tao không muốn nhưng không thể làm trái. Ổng nói gì cũng là ba tao. Nghe lời ổng cũng là sợ ổng không vừa ý quánh chửi má tao. – Hưng kể, giọng đều đều như đang kể chuyện của một ai khác. Lâu lâu trên gương mặt lại nở nụ cười chua chát.

– Mày chịu như vậy bao nhiêu năm rồi, sao tới hôm nay lại làm ra như vậy? – tui vừa thương lại vừa giận, nói.

– Năm ngoái tao lên Sài Gòn học, quen anh Thành. Là đồng tính đó, đơn phương thôi. Người cùng phòng đồn đến tai ổng. Ổng lên tận nơi, bắt đem về trói lại quánh chửi đủ thứ. Tao không nhớ bao nhiêu là trận. Má tao cũng bị quánh tím mình tội không biết đẻ con. Bả còn bị té, tét đầu đổ máu khâu bảy mũi. Lần đó tao chỉ ước ổng giết tao chết luôn cho rồi.  Nhưng… – giọng Hưng nhỏ dần rồi rơi vào yên lặng. 

Lòng ngập tràn trong mớ cảm xúc hỗn loạn, hoá ra bấy lâu nay tui quá vô tâm chẳng biết được Hưng đã trãi qua những gì lại còn khoa trương cảm xúc được nhận từ người thân. Đâu biết được, những lúc như thế là đang dày xéo thằng bạn cùng phòng. Chắc hôm qua má tui lên nó buồn thúi ruột. 

Bỗng, tiếng la thất thanh của người ngoài cửa xé ngang câu truyện. Chị chủ trọ hớt hải từ đâu xộc vào phòng, xanh xám mặt mày, vội vã gọi công an rồi lại ú ớ thông báo tin này đến gia đình Hưng. Tui lẹ lấy ít đồ cần thiết dọn đến phòng khác để công an người ta làm việc. Đến đầu giờ chiều thì ba má Hưng tới nơi, bấn loạn,  đầy đau khổ. Má Hưng quặt quẹo đứng không vững. Đầu tóc rối bời, đôi mắt đỏ hoe sưng húp, khóc nấc từng cơn. Ba Hưng thì bình tĩnh đến mức lạnh lùng, nhưng tui biết trong vỏ bọc ấy là một tâm hồn đã sụp đổ, chẳng mảy may dám nhìn vào gương mặt thằng con duy nhất. Sau ít hôm, có người lên gom mớ đồ còn sót lại, miết tận đến khi thi đại học, tui không còn nghe tin tức gì từ nhà Hưng nữa. 

Người tự tử, cứ tưởng đâu chết là hết. Đâu biết rằng, chết chỉ là từ bỏ cái áo xác thân, nhưng những đau khổ, tiếc thương, dằn vặt trong lòng vẫn mãi mang theo. Chuyện về Hưng năm đó tui từng nghĩ cứ vậy là kết thúc. Linh hồn mang chấp niệm đời này đâu phải là ít, không giúp được, cũng chẳng xen vào được cho đến một ngày….

Khi đó là cuối năm tư đại học, tui đi Đà Lạt để làm đề tài tốt nghiệp. Mấy đứa sinh viên loi nhoi ở ké trong nhà của một người quen. Ngoài giờ đi thực hành, viết luận án thì phụ giao hàng xem như tiền ăn uống và phòng trọ. Cái lành lạnh của đất Đà Lạt lại thêm tài nấu ăn như nhà hàng của bà chủ, tui mập lên tận mấy kí. 

Một ngày, tui vô tình đi giao hàng ngay nhà ba má thằng Hưng. Ông trời thật sự kì lạ, tưởng đâu cái duyên giữa tui với nó đứt đoạn từ bốn năm trước, giờ lại được sắp đặt một cách khéo léo không sai đoạn nào. Ba Hưng nhận ra tui, kéo vào trong sân uống ly trà, rề rà tâm sự. Tui đoán, ông cũng thấy ngại, năm đó có mỗi hai đứa tụi tui chung phòng. Hưng chết, ông cứ vậy chẳng nói lời nào mà lẳng lặng gom đồ về. Ở mé bên kia hiên nhà, linh hồn Hưng bay vởn vơ quanh má nó, một người phụ nữ ngồi trầm ngâm bên bậu hoa cúc dại, đáy mắt vô hồn mang ánh nhìn vô định, chả rõ cô đang nghĩ gì.

– Cô làm sao vậy chú? – tui cẩn thận mở lời sau màn hỏi thăm sức khoẻ. Vẫn nhớ lời Hưng nói ông khó lắm, chuyện thằng con biết đâu lại là cái dằm trong lòng ông. 

– Cô bị trầm cảm. Đi khám uống thuốc người ta nói vậy. Bị từ lúc đám ma thằng Hưng. Có người nói nó về kéo hồn má nó đi. Nhưng chú biết, thằng nhỏ nó thương má nó lắm, không làm vậy đâu. – chú buồn buồn, nói mà ánh mắt nhìn về phía vợ mình, đau đáu nỗi xót xa. 

– Vậy có khi nào cô tỉnh không chú? – tôi hỏi.

– Có chứ, hồi trước, mỗi lần bả tỉnh là khóc lóc đòi chết theo thằng nhỏ. Mấy năm sau này thì ôm cái hình đơ ra, không nói không rằng.  Có lúc thấy chảy nước mắt nhưng mặt thì không biểu hiện cảm xúc gì. – chú kể, giọng chất chứa bi thương. 

Người đàn ông, đầu đã một màu khói trắng, da chai sạm, xếp lớp thời gian. Bốn năm, mới bốn năm mà tui cứ tưởng đâu vài chục năm có thiếu, thời gian cứ vậy mà kéo đi nhựa sống người đàn ông tuổi gần năm mươi. Đáy mắt ông không có vẻ khó nhằn như lần Hưng kể tui nghe mà chỉ còn óng ánh nỗi nỗi buồn quanh quất. 

– Người chết thì đã chết, nhưng người còn sống vậy mà cũng như đã chết. Nếu biết sớm vậy, chú đã không ép nó. Đời thằng Hưng cũng vì chú mà có, cũng vì chú mà mất đi. Giờ nói chuyện này, hối hận cũng không kịp. Chú chỉ mong cô khoẻ lại, đánh đổi thứ gì, chú cũng sẵn lòng.

Hưng phiêu diêu bay là là đến chỗ ba nó, thân thể nó cũng chẳng còn vẻ âm u thâm trầm như lúc trước. Vẻ mặt không còn đau khổ hay bất lực mà chỉ còn sự hối tiếc tràn trong đáy mắt. Một lần làm sai, cái giá phải trả là cả căn bệnh của mẹ và nỗi hối hận muồn phiền từng chút xiết chết sức sống của người ba. Tui đoán nếu mẹ Hưng không còn chắc ông ấy cũng chẳng sống nổi.

Không khí Đà Lạt lành lạnh được ánh nắng ấm áp phủ tràn một lớp nhựa óng ánh, hững hờ ôm trọn lấy mọi vật xung quanh. Tôi nhìn Hưng lại nhìn người đàn ông trầm ngâm rít điếu thuốc khói phủ mờ ảo, không cầm được lòng mà nói: 

– Chú đừng buồn, cố gắng giữ gìn sức khoẻ để còn chăm sóc cô. Hưng nó mất rồi, nhưng không còn giận chú đâu. Thằng đó lúc nào cũng thương cô chú, nhưng cái tính trong nóng ngoài lạnh lại chẳng nói ra. Chú đừng tự trách mình nữa, ở bên kia nó biết cũng không buông bỏ mà siêu thoát được. 

Trong suốt hơn hai mươi năm sống với khả năng này, không ít lần tui gặp những chuyện đau đến quặng lòng. Người thì nói là nghiệp, người lại cho là duyên số nhưng mấy ai thấy được cũng chỉ vì một chữ thương mà gây nên biết bao nhiêu là chuyện. Như nhà Hưng, người sống cũng thành ra người đã chết, còn chết thì cũng chẳng đành dứt gánh để mà ra đi. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *