CÂU CHUYỆN CỦA VONG LINH: PHẦN 4 – SỐ PHẬN – KIẾP NGƯỜI

” Thầy dùng cả đời học hỏi, chiêm nghiệm số mệnh con người chỉ mong hiểu được ý nghĩa trong đó. Cả một kiếp người chuyên chú không quan tâm vợ con, không lơ đễnh. Đến cuối cùng, sau khi nhắm mắt xuôi tay mới hiểu được cái thầy cố công tìm kiếm hoá ra lại rất giản đơn. “

Tháng 8 năm 2017 thầy tui mất. Lúc ông ra đi, hưởng thọ 92 tuổi. Đám ma được tổ chức gọn ghẽ, đơn giản có một số học trò của ông và dân trong xóm đến đưa tang. Chả ai nhớ rõ năm nào thầy đến ở cái xứ này. Nghe người lớn kể, lúc đầu thầy chèo ghe ở đâu đến đậu ở ngoài đám cây bầng, ngày ngày câu cá đem ra chợ đổi đồ ăn, đôi lúc rảnh rỗi thì đoán mệnh cho người. Dập dềnh sóng nước sống qua đôi cơn bão, ghe nhỏ te tua hết, ông Ba Nút thương thầy tính hiền lành chăm chỉ cho mượn miếng đất cất cái chòi lá sống tạm qua ngày. Hành trang thầy mang theo lên bờ chỉ có cái rương nhỏ chứa sách với mấy bộ đồ rách vá non không còn chỗ. Nhờ vậy mà người ta biết thầy có thêm con chữ chứ hỏng phải được mất như cái xóm này. Mấy năm sau đó thầy còn mở lớp dạy cho mấy đứa nhỏ đọc con chữ hỏng lấy tiền. Trên cái bảng tự chế từ tấm ván gỗ với mấy viên phấn nặn từ đất xét vậy mà dạy lớn bao nhiêu đứa trẻ. 

Chiến tranh dần kết thúc, nhà nước thay đổi đủ điều, người biết chữ trong xóm, họ quý lắm. Ai cần đọc viết giấy tờ này nọ đều qua chỗ thầy nhờ giúp. Riết rồi thầy cắm rễ ở luôn cái xóm này hồi nào hỏng hay. “Đi đâu nữa, đất này cần mình.” Tui nhớ, hồi còn sống, thầy hay nói vậy đó.  

Thầy dạy chữ là chính nhưng niềm đam mê lại là xem sao tiên đoán số phận con người. Trước, có lần tui nghe thầy kể là được học từ thời nhỏ xíu, ông ngoại đi Tàu nhiều năm về thấy đứa cháu nhỏ có năng khiếu nên dạy lại cho. Mấy cái món huyền học nghiên cứu vận mạng toàn in bằng mấy con chữ vằn vệnh khó nhằng vậy mà thầy đọc được hết. Nhiều khi tui cũng thắc mắc, người đàn ông chữ Tàu chữ Ta biết sõi nhưng lại chọn cắm rễ ở cái nhỏm đất nghèo nàn.

 Năm đó, thiệt là tui cũng ham muốn biết trước số phận, kiếm lấy cái nghề biết đâu sau này khấm khá. Thông qua mấy người kháo nhau về khả năng đoán mệnh như thần của ông thầy Nghĩa xóm trong. Lò dò, tui tìm xuống tận nơi, năng nỉ ỉ ôi mãi thầy mới chịu nhận. Muốn học đoán mệnh phải học bằng chữ Tàu, thầy nói tui ngốc nghếch quá cố học làm chi. Nhớ ngày tháng ấy, mỗi ngày nhìn mấy con chữ vằn vệnh mà muốn nổ đom đóm. 

Hôm đám ma, trời trưa nóng hây hẩy, tui lặng lẽ một mình đi ra gốc mít nơi có cái bảng giả đò ngồi đón gió, chủ yếu là để nói chuyện riêng với thầy. Linh hồn người đàn ông già vừa từ bỏ thân xác phiêu diêu tự tại, không còn những đau đớn của thể xác nhưng lại tràn ngập ý buồn, ánh mắt nhìn xa xăm, miệng mở lời, nửa như nói với tui, nửa như lại nói với chính mình: 

– Thầy dùng cả đời học hỏi, chiêm nghiệm số mệnh con người chỉ mong hiểu được ý nghĩa trong đó. Cả một kiếp người chuyên chú không quan tâm vợ con, không lơ đễnh. Đến cuối cùng, sau khi nhắm mắt xuôi tay mới hiểu được cái thầy cố công tìm kiếm hoá ra lại rất giản đơn.

–  Đó là gì vậy thầy? – tui cảm thấy phấn khích. Thực lòng cũng cảm thấy bản thân mình sao quá vô duyên, người mất đi rồi mà có gì vui lại còn phấn khích. Nhưng nói chuyện với vong cũng chẳng còn gì lạ lẫm, chưa kể điều thầy sắp nói chính là những thứ tui đang đi tìm. 

– Con người từ lúc sanh ra đến chết đi vốn đã được sắp đặt, cứ như vậy mà sống, mà trãi qua kiếp người đau khổ, đắng cay, ngọt bùi đủ hết không thiếu thứ nào. Vì có sắp đặt nên mới có thể dùng sao chiếu để đoán vận mệnh. Thời gian là thước đo, không gian là quỹ đạo cứ như vậy mà tiến tới. Người học về số mệnh con người như chúng ta cứ tưởng là bẻ cong được ý trời, thay đổi duyên phận nhưng thực chất đó chính là thứ huyền ảo nhất. Tưởng là bản thân đã nắm bắt toàn cục, có thể bẻ lái thay đổi số kiếp nhưng vốn dĩ vẫn là một mắc xích trong chuỗi mắc xích của ý trời. 

– Như vậy số mệnh con người thực sự là gì thầy? – tui nôn nóng ngắt lời. 

– Là không là gì cả. Không cần nắm bắt cũng không cần thấy hay thay đổi. Vốn con người sinh ra là muốn nắm bắt, làm chủ được mọi thứ. Từ công việc, nhà cửa, tiền bạc, tình cảm cho tới cả số phận. Nhưng bản thân lại không thực sự làm chủ được thứ gì. Không có nhà thì muốn có nhà, có nhà rồi thì muốn nhà to. Có nhà to rồi lại muốn có xe, có vợ đẹp con xinh, thăng quan tiến chức, tránh né xui xẻo nắm bắt thời cơ để có được của cải vật chất. Đoán mệnh chính là cái lồng để bẫy lòng tham. Số phận được hình thành khi con người không yên phận. Càng muốn có được chính là càng lúc càng mất đi. 

– Nhưng thầy ơi, con người ta mong muốn có của cải vật chất, tránh né hiểm hoạ có gì là không đúng? – tui vẫn không cam tâm. 

– Đó chính là sai. Vạn vật trên đời này vốn sanh ra là để mất đi. Có lúc hạnh phúc thành công cũng sẽ có lúc thất bại khổ đau. Nếu bản thân  không biết gì cả, cứ vậy mà sống, tận hưởng những thứ tốt đẹp, nê na trôi qua lúc khó khăn. Mà thực ra, vốn chẳng có cái xấu hay những trở ngại như cách chúng ta hay nói, đó chỉ là những bước ngoặc cần thiết để con người thay đổi. Thầy dùng cả đời này đoán mệnh không biết bao nhiêu người, cũng giúp không biết bao nhiêu người, cuối cùng nhận ra rằng, sự việc vốn không có tốt hay xấu. Toàn bộ chỉ là do người ta tự định ra. Họ cho là tốt thì là tốt, gọi xấu thì là xấu. Nhưng đa phần người ta không thấy điều đó. Họ luôn ham muốn nhiều hơn cái đang có, cho là cái mình đang nắm giữ chưa đủ nên lúc nào cũng tìm cách để có nhiều hơn nữa. Khó chịu, khổ sở, bế tắc… trong lòng họ cũng từ đây mà sanh ra. 

Thầy vẫn nói đều đều, chất giọng trầm đục chứa cả những nỗi lòng chôn sâu, dấu kín từ từ phát ra như nước biển hồ chất chứa đến lúc sụp bờ thì ào ào chảy thành dòng, cuộn sóng dữ dội . Tui chỉ im lặng, chầm chậm lắng nghe mà không dám xen vào. 

– Thầy dùng cả đời người ham muốn tìm được sự huyền diệu thâm sâu trong phép đoán vận hạn. Bản thân lại không tính được rằng càng đi kiếm lại tìm không ra. Đam mê ẩn trong tham vọng rong ruổi đu bám theo thầy đến tận lúc chết. Năm đó gia đình thấy thầy chìm sâu trong việc đoán vận hạn, cấm đoán không cho theo. Thầy vậy là trốn gia đình, bỏ mặc vợ con vì bản thân không muốn vướng bận. Không ngờ rằng tiếc nuối duy nhất chính là khi thầy chèo ghe đi, vợ con một mực ở nhà đợi mà không chịu đi sơ tán. Họ bị lạc đạn chết hết. Nhiều năm sau khi thầy hay tin lại một lần nữa trốn tránh, xem đó là số phận, coi như họ hết số. Chết thì chết thôi. Thầy chưa một lần dám quay về, cũng không dám đối mặt. Giờ, cũng tới lúc rồi.  

Thầy kết thúc câu truyện một cách đột ngột. Tui chợt hiểu ra, một kiếp người mấy chục năm, nói dài thì thiên thu bất tận nhưng lúc chớp mắt xuôi tay chỉ là một đoạn hồi ức cuồn cuộn chảy trong một giây ngắn ngủi. Nhiều việc muốn làm nhưng vì đủ thứ ham muốn mà bỏ lỡ, đánh rơi. Đoạn ký ức ấy thầy dấu cả cái xóm này chả ai biết được. Nhưng nó là nỗi bi thương, hối tiếc, đau đớn âm ỉ chưa bao giờ ngắt đoạn trong lòng thầy. 

– Vậy giờ thầy sẽ đi gặp gia đình mình hay thầy tính đi đâu? – tui hỏi, lòng thắc mắc thật sự. 

– Ừ! – thầy buông một tiếng nhẹ tênh. Tui đoán chắc giây phút này thầy đã đợi lâu lắm. Đợi để xả ra hết những nỗi lòng dấu kín, đợi để thực hiện nguyện vọng cuối cùng. 

Người học trò dốt nát như tui nghe thầy nói mà thấm từng lời, lòng chộn rộn xoắn xít tơ dăng đầy những thắc mắc, nghĩ suy. Dác thấy bóng mờ dần rồi biến mất, tui chỉ kịp với theo một câu “tạm biệt” để tiễn thầy.

Kiếp người như một vở kịch đầy biến động, có khai màn cũng sẽ có lúc kết thúc, chậm rãi rơi rớt từng khoảnh khắc mà trôi đi. Vì chậm rãi quá, người ta không thấy được sự thay đổi trong khoảng giữa hai lần chớp mắt, cứ vậy mà chạy đua, bọn chen với đủ thứ những tham đắm ở trong lòng. Nếu cái chớp mắt ấy là mười năm, người ta tự nhiên mất đi một phần đời đáng sống thì biết đâu ấy họ sẽ biết cách chậm lại, sống thật chậm để cảm nhận cái họ đang có ở trên đời. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *