CÂU CHUYỆN CỦA VONG LINH: PHẦN 1 – NHỮNG ĐỨA CON “HIẾU HẠNH”

Thân thể bà già dần dần trở nên lạnh lẽo, co quặp người từ từ hồi tưởng lại cả cuộc đời đầy sóng gió phiêu bồng của đời mình. Cứ như nó vừa mới xảy ra, như một bộ phim tua nhanh, những vất vả, cực khổ cũng như tiếc nuối cả cuộc đời nhẹ tênh dằn xé cơ thể mỏng mảnh của một người đàn bà ở tuổi lặn bóng. Trên gương mặt hốc hác chồng chéo những nếp nhăn, đáy mắt mờ đục vô hồn chất chứa cả một kiếp đời bạc như bẽo như cánh hoa rơi.  

Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, nhanh đến độ bà chưa kịp cảm thấy sự hư ảo của đời mình.  Cả tuổi thơ không một con chữ, chỉ biết làm sao để có cái ăn, để mà trốn tránh đạn bom, để phụ mẹ làm đồng, chăm sóc em nhỏ khi nhà vắng bóng đàn ông… Ngày tháng kéo lê tới tuổi lấy chồng thì bán đời mình cho ông trời định đoạt.

May sao vùng đất quê mùa nhưng lòng người tử tế, bà cứ vậy mà về ở với ông. Ngày lại ngày bảy đứa con lần lượt ra đời. Bà cùng người chồng vất vả sớm hôm nặng gánh, đêm ngày lam lũ đồng án chạy ăn từng bữa. Có hôm mưa lũ, mái nhà tranh lộng gió đu đưa theo điệu múa của đất trời. Ông cùng bà đội mưa lấy đá to dằn lên mái  níu kéo đôi co với giông bão. Sấp nhỏ quấn lấy nhau núp dưới tấm ván giường run lẩy bẩy đợi trời tan.

Lại nhớ  những bữa ăn đói cơm mót khoai dằn bụng, cả bảy đứa con mặt mày lem luốc, đáy mắt lóng lánh ánh thèm thuồng miếng cơm trắng dẻo ngọt, thơm thảo của nhà kế bên. Ông bà bảo nhau, thương con mà  sang hàng xóm đánh tiếng. Nhưng ai cũng nghèo, mượn thì khó lại chẳng biết khi nào có để mà trả mà vay. Bà thương đám nhỏ đói cơm lầm lũi dẫn hai con đi dọc xóm, vờ tìm thằng út ham chơi. Thấy ai thương, bà ngả nón lá, mượn lời mà vay ít gạo. Chiếc nón rách bươm ôm lấy từng bữa cơm đong đầy tình mẹ thương con. 

Nhớ những lần trời chiều lam đỏ, bà với xấp nhỏ ra mé ruộng mót lúa, khoai, đậu kiếm bữa ăn. Bà với mấy đứa lớn tất cả, còng lưng mót từng củ khoai, hạt lúa. Trên bờ mấy đứa nhỏ bứt cọng cỏ chơi đá gà. Cái nghèo đói tưởng chừng như xô ngã niềm hi vọng đổi đời, nhưng nhìn con dại con thơ bà cắn răng mà sống. Chẳng phải vì mình mà vì núm ruột, vì tiếng nói não nề “con đói mẹ ơi.”  

Vậy rồi năm tháng rủ nhau kéo đi bớt những khó nhàu, mấy đứa nhỏ lớn lên đỡ đần cha mẹ, đứa lớn đi mần, đứa nhỏ ở nhà trông em cho ông bà lên nương làm rẫy. Chăm chỉ cần cù mấy năm, ông trời thấy bà khổ quá cũng rủ lòng thương cho mấy lần được vụ, ông sửa cái nhà, bà sắm sửa cho các con. 

Tưởng đâu vậy là thoát khỏi bể đời. Bà lại va vào khói lửa của bể tình nhân thế. Con gái lấy chồng, con trai lấy vợ. Thành phố đất chật người đông đổ tràn ra vùng ven lân cận. Núm đất xưa người ta chê nghèo nàn vô hậu, người ta bỏ lên phố xập xình mần công chuyện. Đất rẻ mục, rẻ thúi mà có ai thèm. Giờ đất có giá đám nhỏ con bà tiếng nhỏ tiếng to tranh nhau từng núm đất, quánh nhau đổ máu lổ đầu. 

Bữa công an xuống làm việc lập biên bản, bà khóc cạn nước mắt. Nhà bà nổi tiếng nhất xóm, người ta nói nhà đông con thể nào cũng chén xô, động đũa. Nhưng mà chỉ mình bà biết tình mẹ thương con đó giờ chưa hề đong đếm, chỉ có con thương cha mẹ đếm tháng đếm ngày. Đứa trách bà không thương nó, đứa lại nói má chẳng công bằng. Ở chung khủm đất mà xùng xình hơn thua nhau từng cọng rau con cá. Có đứa giận hờn nói má thương ai thì qua người đó ăn cơm. 

Mấy hôm trở gió, bà ho từng cơn lồng phổi. Vợ chồng thằng Năm xách đồ nuôi bà trong bệnh viện. Ở nhà vậy mà nổi lên sóng gió, dành dựt chăm bà như lũ kềnh kềnh xẻ thây chia xác. Lớn nhỏ, mỗi đứa một câu rốt cục cũng chỉ mong mình được phần đất, hương hoả về sau. Nằm trong bênh viện nghe tin mà lòng bà quặn thắt. Nước mắt khô cặn chảy ngược vào trong. Đám con bà lạnh lùng tị nạnh nhau từng núm đất, chả đứa nào còn nhớ chúng cũng từ một núm ruột mà ra.  

Vậy đó, đời bà được ông trời “ưu ái” mấy năm làm có dư được cái nhà tươm tất lo lấy vợ gả chồng cho mấy đứa con đề huề tưởng là hay là giỏi lắm, đâu dè đông người mới có chuyện. Mấy năm cuối đời, bà sống mà chỉ mong lẹ lẹ cho ra người thiên cổ. Chứ sống vầy khổ tâm quá, bà cũng hỏng ham. Một năm dài dằng dặt như nghìn năm. Nói quài, vái quài, cầu quài cuối cùng ông trời làm như ổng thấu, đêm trăng tròn tháng chín, ổng chịu cho đi. 

– Vậy rồi sao bà hỏng đi đầu thai đi, ở đây chỉ nữa? – tui hỏi. 

– Tui chờ ông chồng tui. Sống với nhau bao nhiêu năm, quen rồi, sao tui nỡ bỏ ổng đi trước được. – bà buồn buồn, miệng nói mà mắt nhìn xa xa về phía ngôi nhà có ông già  đang quét lá.

Tui nhìn linh hồn người đàn bà mà lòng buồn buồn. “Thì bà cũng đã đi trước rồi đó thôi.” – Tôi nghĩ thầm. Nhưng đi chỉ là  bỏ đi cái xác thân trần thế còn nỗi đau đáu thương chồng ở lại khổ sở với thứ “tình thương” của những đứa con “hiếu thuận” thì vẫn vậy, có tan đâu. 

Bà lại kể:” Chú biết không, hồi còn sống, mấy đời vợ thằng Tư đem cho tui con cá, cọng rau mà giữa đám ma nó phân bì. Chị em dâu không ai thương má chồng bằng nó. Đám này, khách nó mời cũng đông nhất, tiền phúng điếu để đó nó lo. Mấy đứa kia đâu chịu vậy, bé Ba đòi khách ai bì nấy lấy để sau này biết còn đi lại cho người ta. Thằng Út thì kể công chăm sóc cực khổ như nào. Tui ngồi đó coi tụi nó chia chát mà tưởng đâu nó chia xác tui không đó chú. May phước, thịt người hỏng ăn được, chứ cỡ ăn được tụi nó đứa cái cẳng đứa cái mình quánh nhau dành, đem đi hầm lẩu hết à. Tui chỉ tội ổng, hôm giờ ổng buồn từ đầu tới cuối không nói câu nào vậy mà tụi nhỏ cũng không tha, lôi ổng vào phân xử dành chiến công. Hỏng biết tụi nó có nhớ mấy năm khó khăn ổng nhịn đói chừa cơm cho tụi nó không nữa. Con với cái, chắc kiếp trước tui nợ tụi nó.” – Bà tiếp tục thao thao kể chuyện cuộc đời mình. 

Đến lúc chẳng còn xác thân, bà vẫn nghĩ cho mất đứa con sống chết “hiếu hạnh”, tự trách bản thân vì lúc nào đó đã lỡ gây tội để giờ tụi nhỏ tới đòi nợ chứ mấy nhỏ không có tội chi hết. Tui bồi hồi tơ tưởng đến cha mẹ mình, lơ đễnh dõi mắt vào ngôi nhà với những người thân thiết của bà. Lòng ngập trong mớ suy nghĩ chộn rộn về lòng người, về cuộc đời . 

Đám ma bà linh đình mời khách ô tô lớn nhỏ hỏng biết ở đâu dìa nườm nượp. Bàn thiên, bàn thờ bày bánh trái, bông hoa, thịt thà năm sáu món, khói nhang vấn vít. Tự nhiên tui thấy đời này toàn chuyện ngược ngạo. Sống thì không được ăn, chết lại cúng đầy mâm đầy cỗ. Cha mẹ thương con là đạo, nhưng con thương cha mẹ lại tính bằng giá trị của mả trong nhà. Đám ma thì xa hoa như cái đám cưới, có bao thư, biểu diễn, hát hò ăn mừng, chụp hình, quay phim trực tiếp chia sẽ lên mạng như nhạc hội. Mà hỏng biết họ mừng gì? Mừng sắp được chia đất, mừng vì thùng tiền chật cứng hay mừng vì đất này bớt một miệng ăn.  

Tính tui nhiều chuyện đó giờ không bỏ được, đi công chuyện, vô tình ngang qua đất này thấy bà vất vưởng ngọn cây nên mới hỏi chuyện. Đời này, tui gặp không biết bao nhiêu mảnh đời khó sống. Cứ tưởng chết rồi là hết, nhưng làm hương linh vấn vít nỗi niềm cũng chẳng siêu thoát được. Chết rồi thì sao? vẫn vác trên vai những nỗi niềm, vẫn phải đi cho hết con đường một chiều không lối quay lại. Tui tự hỏi, phải chăng ông trời ổng qưởn quá nên muốn xem bi kịch. Nếu có kiếp sau, liệu ổng có thể nào đổi cho bà một vai diễn hạnh phúc an yên. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *