Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, thời điểm giao mùa thu đông, nhiệt độ thay đổi thất thường là yếu tố khiến người cao tuổi và trẻ nhỏ mắc bệnh đường hô hấp tăng cao.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, không ít trẻ nhỏ phải đến khám các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng cấp… Các triệu chứng phổ biến là ho, sốt, chảy mũi…
Theo bác sĩ Phạm Thị Út Trang – Phó trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Bãi Cháy), viêm đường hô hấp là nhiễm trùng của đường thở từ tai, mũi, họng cho đến các đường dẫn khí khác (thanh quản, khí quản, phế quản,…). Còn viêm đường hô hấp được chia thành 02 nhóm: viêm đường hô hấp trên (viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm họng, thanh quản…) và viêm đường hô hấp dưới (viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi…).
Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp cấp ở trẻ em rất đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể hôn mê, co giật… hoặc thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.
Những cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh lý nền về đường hô hấp như COPD, hen phế quản… ghi nhận nhiều trường hợp có xu hướng trở nặng hơn.
Bác sĩ Trang nhận định: “Thời tiết giao mùa là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh. Bởi phổi là cơ quan trực tiếp thông thương (giao lưu) với môi trường bên ngoài khi chúng ta hít thở.
Tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi. Đặc biệt, đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản hoặc suy giảm miễn dịch)…rất dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa hoặc giá lạnh.
Giai đoạn này bệnh lý thường gặp cúm, viêm phổi do virus, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Trường hợp nặng gặp tương đối nhiều, trong đó ghi nhận nhiều người cao tuổi nhập viện trong tình trạng cấp cứu cần điều trị can thiệp”.
Để phòng chống các bệnh lý đường hô hấp khi giao mùa, bác sĩ Trang khuyến cáo người dân cần chú trọng giữ ấm cơ thể, tránh ra khỏi nhà thời tiết quá lạnh, nên tập thể dục vào lúc có ánh nắng mặt trời để tránh nhiễm lạnh.
Người cao tuổi, trẻ nhỏ nên tiêm phòng vaccine cúm, phế cầu nhằm tăng cường khả năng miễn dịch của đường hô hấp; xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể dục thường xuyên để nâng cao thể trạng…
Cùng với chủ động tiêm chủng các loại vaccine theo khuyến cáo, việc sử dụng khẩu trang khi đến các nơi đông người, rửa tay thường xuyên cũng là những biện pháp hiệu quả và tiết kiệm trong phòng chống các bệnh đường hô hấp cho bản thân, gia đình và cộng đồng.