Thứ năm, ngày 22/05/2025 10:55 GMT+7
Tào Nga Thứ năm, ngày 22/05/2025 10:55 GMT+7
Đã đến lúc chúng ta phải thưởng, phạt rõ ràng hơn, cần có nghiên cứu thay đổi, quản lý mạng xã hội, sự kết hợp giữa giáo dục, gia đình và truyền thông là then chốt… các chuyên gia nêu ý kiến sau những sự việc giới trẻ làm nhiều clip gây nguy hại tới chính bản thân mình và xã hội.
Đừng để cuộc đời mình bị điều khiển bởi một nút “like”
Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao trước nhiều clip trên mạng xã hội được thực hiện trong hoàn cảnh không phù hợp, thậm chí có người gặp tai nạn, thiệt mạng.
Cụ thể như một số người ngang nhiên chiếm dụng lòng đường để quay clip tập yoga “câu view”, “sống ảo”, hình thành một trào lưu nguy hiểm. Trước đó cũng có nhiều bạn “thích thể hiện” bằng cách tạo dáng gần máy bay, ngồi trên băng truyền hành lý… Hay muốn có ảnh đứng giữa thác Ma Hao cao 1.200m ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, nhiều bạn liều mình bước qua các phiến đá đầy rêu. Một vụ việc khác để lại hậu quả nặng hơn là, một nam thanh niên tử vong khi leo lên mái nhà để quay clip đăng TikTok tại Lào Cai. Và nhiều vụ việc khác đau lòng đã xảy ra là lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ.
Mới đây, vụ 3 sinh viên của một trường đại học bị đuối nước tại đập Quán Trăn, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng là bài học cho những người trẻ, phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi làm bất kỳ hành động gì, bởi những mất mát này không thể lấy lại được.
Đại diện trường đại học cho biết, các sinh viên đã tự lên ý tưởng và rủ nhau đi quay một clip về việc cứu người tự tử, để truyền thông điệp Facebook có lợi hay có hại.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công cho hay: “Tôi cảm thấy xót xa và đau lòng. Một clip có thể viral trong 3 ngày nhưng hậu quả thì có thể mãi mãi. Khi giá trị bản thân bị đánh đổi bằng một đoạn video, đó là lúc chúng ta cần nhìn lại cách mà xã hội, giáo dục và truyền thông đang ảnh hưởng đến giới trẻ.
Vụ việc này là do các em không được huấn luyện để hiểu về rủi ro, không được cảnh báo đầy đủ và đặc biệt là không được dạy về giá trị thật của một con người. Vì vậy, trong khi khao khát được nổi bật, các em có thể bất chấp hậu quả mà không lường được hệ lụy sau đó”.

“Đây là một hiện tượng không mới nhưng ngày càng đáng lo ngại. Tâm lý tuổi mới lớn vốn đã nhạy cảm, lại sống trong một môi trường mà mạng xã hội định hình chuẩn mực qua lượng like, view, share… thì việc các em dễ bị cuốn vào các trào lưu ảo là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Theo tâm lý học, con người – đặc biệt là thanh thiếu niên – luôn có nhu cầu được kết nối, được công nhận, được thuộc về một nhóm nào đó. Khi các em chưa đủ trải nghiệm để nhận biết giá trị thật – giả, đúng – sai, mạng xã hội trở thành nơi “định hướng” cảm xúc và hành vi một cách nguy hiểm”, TS Vũ Việt Anh cho biết.
Theo TS Việt Anh: “Hiện tượng “Thử thách Cá voi xanh” (trong vòng 50 ngày, người chơi sẽ phải làm theo những nhiệm vụ mà những “người quản lý” đưa ra, vào ngày thứ 50, người chơi nào tự kết liễu đời mình thì được coi là giành chiến thắng) từng gây chấn động và nhiều trào lưu nguy hiểm tương tự vẫn âm thầm tồn tại. Các bạn trẻ hãy tỉnh táo. Đừng để cuộc đời mình bị điều khiển bởi một nút “like”.
Các bạn trẻ cần hiểu: Sự nổi tiếng không làm nên giá trị. Chỉ có giá trị thật, sự trưởng thành và đạo đức mới giúp các bạn đi xa. Những trào lưu nguy hiểm thường đánh vào sự tò mò, cô đơn hoặc tổn thương tâm lý – mà tuổi trẻ lại rất dễ rơi vào những trạng thái đó.
Tôi khuyến khích các em hãy tìm kiếm những cộng đồng tích cực, nơi các bạn được ghi nhận bằng thành tựu thật, thay vì chỉ bằng lượt tương tác. Và quan trọng hơn, hãy luôn hỏi bản thân: “Điều này có ích lợi thật sự cho ai?”; “Giá trị mà mình đang theo đuổi có đáng để mình đánh đổi thời gian, sức khỏe, hay thậm chí là tính mạng không?”…
Dù làm gì cũng đừng ảnh hưởng đến tương lai
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: “Ở tuổi này, các bạn chưa trưởng thành về mặt xã hội và muốn khẳng định, công nhận bản thân, gây chú ý. Các bạn có đam mê tạo “trend”, sự kiện để cho mọi người phải “wow”, trầm trồ trên mạng. Tuy nhiên, dù làm gì cũng đừng ảnh hưởng đến tương lai, thậm chí tính mạng của mình và các bạn”.
Ông Nam cũng quan ngại việc giới trẻ ngày nay dường như mất đi mục đích sống và những nội dung vô bổ lại thường thu hút sự chú ý. Trong khi đó, những người làm nội dung có giá trị, đúng đắn thì bị chìm nghỉm.
“Đã đến lúc chúng ta phải thưởng, phạt rõ ràng hơn, cần có nghiên cứu thay đổi, quản lý mạng xã hội. Những ai có nội dung tốt, định hướng tích cực cần thưởng “like”, tích xanh, tăng tương tác, từ đó các em không bị áp lực lượt xem mà suy nghĩ làm gì tạo giá trị cho cộng đồng”, PGS. TS Trần Thành Nam nêu ý kiến.
TS Vũ Việt Anh cũng nêu giải pháp: “Sự kết hợp giữa giáo dục, gia đình và truyền thông là then chốt. Nhà trường cần lồng ghép kỹ năng sống, kỹ năng truyền thông số, kỹ năng phản biện và xây dựng bản lĩnh cá nhân vào chương trình học. Gia đình cần là nơi an toàn nhất để con trẻ chia sẻ, lắng nghe và được yêu thương đúng cách. Và truyền thông – với vai trò cực lớn – nên chủ động đẩy mạnh nội dung tích cực, mạnh dạn lên tiếng với các trào lưu lệch lạc.
Tôi muốn nói rằng: “Đừng sống để được nhiều like, share, hãy sống để được in dấu trong trái tim mỗi người”. Một triệu view có thể khiến bạn nổi tiếng trong vài ngày, nhưng một giá trị thật sẽ khiến bạn được tôn trọng cả đời. Hãy dùng tuổi trẻ để kiến tạo cuộc đời, không phải để tiêu tán bản thân theo trào lưu. Sống khác biệt, nhưng phải là khác biệt đúng đắn và có trách nhiệm”.