“BE CAREFUL WITH WHAT YOU THINK BECAUSE YOUR THOUGHTS RUN YOUR LIFE” – Max Lucado
Này bạn tôi ơi!
Nếu có thể, đừng suy diễn tính chất trong lời nói của người khác và đừng trượt dài với cảm xúc của bản thân vậy chứ!
Có vài chuyện, càng làm quá một cách vô tội vạ, càng mệt não chứ chẳng được gì cả. Đời sống nội tâm cũng dần dần theo đó mà bị héo mòn. Chúng ta đang sống trong một thời đại của những cuộc đua, cái gì cũng nhanh, cái gì cũng ào ào và đầy phức tạp.
Vậy nếu có những chuyện đơn giản được, thì học cách làm nó đơn giản đi. Bớt chút cái thói quen suy diễn, thổi phồng lời nói của người khác, và làm quá cảm xúc của bản thân, thì tự khắc bớt nặng đầu và bớt đi các gánh nặng cảm xúc không cần thiết.
Trong cuộc sống hiện tại, dường như bệnh thổi phồng cảm xúc của bản thân và suy diễn lời nói của người khác đang dần dần trở thành KHỐI U trong cộng đồng. Người người đều làm, nhà nhà đều làm và hầu hết mọi người đều đang sống chung với nó mà chẳng hề quan tâm tới nó một tí nào!
Nó làm xáo trộn các mối quan hệ, khiến bản thân có khi rơi vào cảnh bế tắc; vậy mà, vẫn nhiều người nghĩ rằng những chuyện như vậy nó nhỏ nên thôi chẳng cần quan tâm.
1 – Suy diễn tính chất trong lời nói của người khác:
Lời nói của người khác là điều mà chúng ta chẳng bao giờ có thể từ chối, chúng ta tiếp nhận lời nói của người khác (bạn bè, gia đình, người yêu, đồng nghiệp, v.v) dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: việc nói chuyện trực tiếp gián tiếp hay là thông qua tin nhắn, hình ảnh v.v.
Nhưng có điều chúng ta lại là người QUYẾT ĐỊNH tính nghiêm trọng và trọng lượng cũng như sức ảnh hưởng của lời nói đó.
Mà ngộ cái là trong 10 trường hợp, thì hết 9 trường hợp chúng ta tự suy diễn tính chất lời nói của đối phương theo cái cách mà chúng ta nghĩ. Ai dè, chúng ta lại đang sai nhiều hơn và đang hiểu nhầm ngụ ý của họ nhiều hơn.
Giao tiếp là chìa khoá cho mọi vấn đề, tốt hơn hay xấu hơn đều từ giao tiếp mà ra.
Vậy nên, nếu không hiểu được chính xác ý của người khác ,thì làm ơn hãy hỏi để có thể hiểu rõ, trước khi đưa ra những nhận định cuối cùng.
Khi nghe lời của người khác nói, nếu là lời khen, thì thôi không có gì bàn cãi, miệng cứ cười, người lâng lâng vui. Chứ nếu là lời chê bai hay góp ý, thì hết 99% tự chúng ta suy diễn lệch lạc đi câu nói của đối phương.
Một trong những ví dụ điển hình chính là giao tiếp trong chuyện tình cảm nam nữ. Khi người bạn yêu góp ý hoặc nói một điều gì đó không thuận tai, liền tự gán ghép đủ kiểu tiêu cực trong câu nói của đối phương. Rồi, lại tự mình đi gặm nhắm những suy nghĩ lung tung trong đầu.
Sao không hỏi ngược lại là ý của họ là như thế nào? Có thật sự như vậy hay không? Hay là ra sao? Mà ngộ là, nhiều người cho rằng những lúc như vậy rất khó để mở miệng ra để hỏi ngược lại.
Các bạn của tôi ơi, không hỏi mới chính là tự đưa mình vào thế bí! Chính vì các bạn không chịu hỏi ngược lại ý của đối phương, nên hiểu lầm cứ chồng chất và nỗi buồn cứ âm ỉ mãi mà không có hướng giải quyết.
Mà cũng có nhiều khi các bạn nói ra một điều gì đó, các bạn còn chưa chắc đã biết bản thân mình vừa nói những gì, chứ đừng nói chi đến những lúc cảm xúc đang chen vô câu chuyện như vậy.
Hãy thử nghĩ xem nếu người khác hiểu nhầm ý của bạn, chuyện đó cũng đâu có vui vẻ gì đâu. Có đúng không? Nhiều khi còn đưa bạn vào các hoàn cảnh oái ăm nữa kìa.
2- Thích ăn dầm nằm dề với cảm xúc của bản thân những lúc không cần thiết.
Nghe có vẻ vô lý!
Đời nào ai lại nghĩ rằng mình lại thích làm quá cảm xúc của bản thân mình lên, mà ngộ ở chỗ là chính mình lại không biết điều đó mới khổ chứ. Cảm xúc luôn là một phần thiết yếu của cuộc sống, nhưng nhiều người vẫn đang lèo lái cảm xúc của mình một cách vô tội vạ; đặc biệt là những lúc cảm xúc đang theo chiều hướng tiêu cực.
Có chăng là việc làm quá cảm xúc của bản thân lên để gây sự chú ý ở người khác, nhằm thoả mãn cái cảm xúc sai lệch vẫn luôn được xem là hợp lý. Và cũng chẳng ai lại dại mà đi khuyên người khác không nên làm như vậy cả, vì lúc đó họ đang không kiểm soát được cảm xúc của họ. Hơn nữa, họ cũng có thể bùng phát lên và dập bạn tơi tả một cách không thương tiếc.
Thật là ngớ ngẩn khi mà nhiều người khi buồn, chẳng mấy khi đi kiếm việc gì đó làm để bản thân mình quên đi cái buồn, mà lại cứ đâm đầu vào những thứ khiến mình buồn hơn.
Buồn vì tình, thì phải nghe nhạc buồn cho sầu não thêm; hay phải nhậu tẹt ga để cho nỗi buồn thấm tận vào sâu ngóc ngách thì mới gọi là đúng điệu.
Hay việc một người đang cáu gắt bực bội thì lại có xu hướng đi tìm thêm chút dầu để châm cho lửa bực bội trong người được tăng lên tột đỉnh.
Làm vậy chắc mới gọi là cho đã cái nư hay sao đó, tới lúc làm ra chuyện tầm bậy thì thôi rồi hối cũng không kịp.
Đó là những cảm xúc tiêu cực! Vậy còn những cảm xúc tích cực thì sao? Cũng tương tự vậy như vậy thôi, cái gì ở mức chừng mực thì đều tốt, làm quá thì sẽ mất đi sự tự chủ của bản thân.
Thế đời mới có câu “Vui thôi đừng vui quá” hay “Ngủ quên trong chiến thắng sẽ khiến chúng ta thu mình lại và trở nên tự mãn”. Ví dụ như: vui vì được thăng chức trong công việc là điều nên làm, nhưng nếu vì vui quá mà quên mất rằng bản thân còn cần phải cố gắng nhiều thì sẽ chỉ mãi dậm chận tại chỗ; hay việc bạn nghe những lời nói ngon ngọt của người mình yêu và luôn cho rằng vì họ quá yêu mình nên mình cũng không cần phải cẩn trọng thì chính bạn đang tự đánh cược với hạnh phúc của chính mình.
Có thể đó chỉ là những lời nói phát ra chỉ vì muốn làm bạn vui trong phút chốc mà thôi. Còn biết bao nhiêu là chuyện mỗi ngày xảy ra xung quanh cuộc sống của chúng ta, làm chúng ta bận tâm suy nghĩ, đắn đo, và nếu bớt được chút nào để đầu óc đỡ nặng nề hơn, thì tại sao lại không làm.
Cảm xúc của bản thân là thứ chúng ta phải trân trọng và học cách kiểm soát nó để cuộc sống mình được tốt đẹp hơn, chứ nó không phải là thứ để kiểm soát ngược lại chúng ta, cảm xúc là người bạn để đồng hành chứ không phải là chủ còn chúng ta là kẻ tôi tớ của cảm xúc.
Vậy nên, dù bạn có chọn để cảm xúc chạy trong người của mình như thế nào cũng được, nhưng phải luôn có những giới hạn và những điểm dừng phù hợp, chứ đừng để trượt dài trong cuộc chơi của cảm xúc, nó nguy hiểm hơn bạn tưởng vì nó có khả năng làm cho bạn tin vào nó hơn là tin vào chính bạn.
Bớt đi một chút cái làm quá cảm xúc của bản thân, suy diễn lời nói của người khác, thì chính chúng ta đã đang dần dần lấy lại sự tự chủ, tâm trí cũng bớt đi những suy nghĩ tiêu cực.
Sống vậy có phải đơn giản và khoẻ hơn không?