Câu hỏi này như đấm vào mặt tôi, vì nó hoàn toàn giống với những gì đang xảy ra với tôi.
Tất cả vẫn còn đó. Du thuyền, hòn đảo ở Caribe, căn hộ ở Miami, biệt thự 3500 m2, Penthouse 3000 m2, Ferrari 430, Porsche, BMW 7-Series, thẻ Centurion, vệ sĩ, trợ lý…Tất cả đều chỉ là vật ngoài thân, nhưng rất gây nghiện, thú vị và khiến tôi thỏa mãn.
Hóa ra tôi vẫn đang đắm chìm trong cơn mơ, một cơn mơ sắp đến khi tỉnh mộng. Tôi sắp mất tất cả. Ngân hàng đã quyết định bán tất cả tài sản của tôi, và đang hoàn tất thủ tục giấy tờ.
Đầu óc tôi như mụ mị và phủ nhận mọi thứ. Tôi vẫn còn cơ hội ngắm nhìn căn phòng, bàn bida, phòng gym, bể sục, chiếc giường siêu rộng, những bức tượng… Nhưng quan trọng nhất là tầm nhìn: khung cảnh tuyệt đẹp để nhìn ngắm mỗi bình minh, mỗi khi đêm về. Bầu trời rộng lớn với những đám mây huyền ảo, mặt trời, núi non và những thứ ấy chỉ có thể ngắm nhìn từ trên cao.
Chỉ vài tháng trước đây mọi thứ vẫn còn đó: rõ ràng, hiển nhiên và chắc chắn. Giờ đây sao dễ tuột, tạm bợ và u uất. Một loại đau đớn khó tả. Thành quả của tôi vẫn còn đây, hùng vĩ và kiêu ngạo, nhưng tất cả sẽ sớm biến mất. Tôi đang mất dần một vài thứ không quá rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày, như xe và nhà cửa ở các thành phố khác, và tôi biết mình sẽ không nhiều tài sản hơn một bình thường. Thật khó để chấp nhận thực tế rằng tôi phải sống trong phòng trọ, không tài xế, không giúp việc, may lắm tôi còn một chiếc xe không bị ngân hàng lấy đi, và chỉ có vậy. Tin tôi đi, khi từng sống xa hoa, chỉ nghĩ đến việc phải làm lại từ đầu thôi cũng khiến bạn nản lòng.
Về phương diện xã hội thì đặc biệt khó khăn. Tôi không biết mình phải trả lời những câu hỏi hàng ngày như thế nào. Bạn bè sẽ tiếp tục hỏi thăm về tài sản, rủ tôi đi du lịch và đến thăm các cơ sở kinh doanh của tôi, đây là truyền thống giữa những người bạn thân thiết. Họ từng hẹn một ngày sẽ lên du thuyền và đến đảo tôi nghỉ mát, nhưng giờ ai cũng biết tôi sắp phá sản. Tôi sẽ nói gì với họ? “Xin lỗi, tớ phá sản rồi, tớ chẳng còn gì cả.” Làm thế quái nào tôi đối mặt với những người bạn giàu có, khi được mời đến những bữa tiệc xa hoa hay hộp đêm sang trọng? Tất cả điều này nghe có vẻ rất bình thường. Nhưng nói thì dễ hơn làm. Nó khiến tôi tự vấn và suy nghĩ rất nhiều.
Con người có khả năng thích nghi và tôi chắc mình sẽ ổn.
Tôi sẽ nhớ những chai Dom Perignon, nhưng mất mát lớn nhất là sự an toàn tương lai, cái mà tôi gọi là đẳng cấp. Khi bạn giàu có, cũng như những hoàn cảnh khác: bạn sẽ dần quen với điều đó. Tôi không có ý nói đi siêu xe thì không sướng, đi Porsche thì tất nhiên là hơn đi Ford, nhích nhẹ ga thôi cũng hơn Ford chạy hết tốc lực. Nhưng cuối cùng thì sự khác biệt cũng chỉ là vẻ đẹp của bảng điều khiển. Đi siêu xe cũng không mát hơn là mấy. Suy nghĩ này giúp tôi cảm thấy dễ chịu hơn, và cũng hy vọng nó giúp ích cho những ai không giàu, đừng nghĩ rằng sẽ có một phép màu khiến bạn hạnh phúc mãi mãi khi giàu có. Không có đâu. Giàu có và thành công góp phần thỏa mãn nhất định, nhưng chỉ giàu thôi chưa đủ. Bạn vẫn thấy cô đơn và cần tri kỉ, bạn vẫn gặp khó khăn khi kết giao với người giàu. Tiền không giải quyết được tất cả vấn đề của bạn.
Tôi nghĩ giàu có mang lại hạnh phúc tức thì giống như chơi thuốc. Khi bạn sử dụng đồ chơi (ô tô, đồng hồ, mua sắm, du lịch…), bạn cảm thấy dễ chịu vì dopamine tiết ra trong một khoảng thời gian giới hạn. Tùy thuộc vào những gì đang làm, hiệu ứng có thể kéo dài vài phút hoặc vài tiếng. Nhưng không kéo dài mãi. Tiền bạc mua được hạnh phúc, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Không gì có thể khiến bạn hạnh phúc mãi mãi.
Vậy cảm giác phá sản khi từng là tỷ phú nó thế nào? Có lẽ bạn đã có câu trả lời.
Giờ tôi sẽ nói cho bạn biết thứ còn quan trọng hơn việc cảm thấy thế nào. Đó là về những gì tôi sẽ làm.
Tôi đã học được rất nhiều, dù còn chưa trải qua toàn bộ quá trình. Nhưng chắc chắn một điều: tôi đang đứng lên một lần nữa. Và ngẩng cao đầu. Hạnh phúc không đơn giản chỉ là có lại tài sản. Đó là một con đường đầy thử thách và quá trình làm việc để lấy lại những gì từng có sẽ rất hạnh phúc. Tôi không đảm bảo mình sẽ thành công. Nhưng tôi đảm bảo cam kết làm việc hết mình. Bởi tôi muốn lấy lại sự an toàn và vì tôi thích trở thành doanh nhân. Tôi sẽ giấu một chai Dom Perignon vẫn còn trong hầm rượu và để dành đến ngày mà tôi tôi lấy lại được sự an toàn.
Cuộc sống đang cho tôi cơ hội nuối tiếc những gì đã mất, để biết trân trọng khi có lại.
Tôi không ở đây để kể chuyện cổ tích và nói rằng việc phá sản là dễ dàng hay là hãy mỉm cười trong mọi hoàn cảnh. Rõ ràng là không dễ. Việc dành trọn thời gian phấn đấu cho tương lai mới là động lực giúp tôi vượt qua cơn bĩ cực này. Nó giúp tôi thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Tình huống xấu nhất: Tôi có thể phải bán chiếc Rolex và Apple Watch để tích vốn cho đến khi tìm thấy một ý tưởng kinh doanh thú vị. Tôi cần phát triển một sản phẩm thay đổi thế giới.
“Đừng khóc vì tiền. Tiền không bao giờ khóc vì bạn.”
Theo: Phùng Hải