“Cái trống thiếc” xuất hiện lần đầu tiên năm 1959, được viết dưới dạng tự truyện của một nhân vật có tên Oskar Matzerath.
Người này bị đưa đến nhà thương điên và sống tại đó trong những năm 1952 – 1954, và tại đây anh ta đã viết hồi ký của mình. Từ cách dẫn dắt ấy, tác giả Gunter Grass đã tạo nên một kiệt tác giả tưởng đầy mê hoặc và đau đớn, về một giai đoạn tuyệt cùng đau thương của lịch sử nước Đức, cũng như toàn thể nhân loại.
Vào kỳ sinh nhật ba tuổi, Oskar nhận được một món quà nhỏ là cái trống thiếc xinh xắn. Cậu bé yêu thích vô cùng món quà đó, đồng thời ghê tởm những trò hề xấu xa, thói đạo đức giả bẩn thỉu của thế giới người lớn, mà Oskar quyết tâm không bao giờ lớn nữa.
Chỉ bằng ý chí, Oskar đã bắt cơ thể mình không tuân theo sự phát triển của tự nhiên. Cậu đã giữ mãi thân hình mình như của đứa trẻ lên ba, cao chưa đầy một mét. Oskar đã trải qua thời kỳ đầu của cuộc Đại chiến thế giới thứ II, chứng kiến sự diệt chủng của người Do Thái và không bao giờ chịu xa khỏi chiếc trống thiếc, món quà nhỏ xưa kia.
Không chỉ trong chiến tranh, khi hòa bình được vãn hồi, cậu định chui khỏi vỏ bọc 94 cm bằng rất nhiều đau đớn, nhưng Oskar cay đắng nhận ra rằng, tốt hơn là cứ tiếp tục ngụy trang trước cả ông thầy lùn Bebra đã chỉ trích gay gắt sự ảo tưởng của cậu.
Nhờ vậy, Oskar mới ăn mày được kha khá sự thương cảm cùng với tí chút yêu thương của rất ít người. Và cậu dùng luôn cái lùn, cái dị biệt để kiếm ăn trên sự nông nổi, sự thích thú với việc lấy cái xấu của đồng loại để cười, để che đậy cái xấu của mình giữa những con người được coi là lành mạnh.
Cái trống thiếc có thể xem là một câu chuyện ngụ ngôn đen hiện đại, nhuốm màu sắc giễu nhại, nhưng lại ẩn chứa nhiều thâm trầm triết lý. Ở đây, dưới con mắt của Oskar, một con người cao 94 cm, với vẻ bề ngoài của đứa trẻ lên ba, một thế giới nhố nhăng, xô lệch và kệch cỡm, với đầy những bí hiểm với những con người bị vùi lấp dưới đổ nát của lịch sử đã hiện lên rõ ràng.
Không chỉ tạo dấu ấn mạnh mẽ về cốt truyện, nhân vật, nhà văn Gunter Grass còn thể hiện một tài năng văn chương đặc biệt qua tiểu thuyết đầu tay, Cái trống thiếc.
Với lối kể truyện vừa mang tính tả thực, với ngồn ngộn những lớp sự kiện, biến động, được kết hợp nhuần nhuyễn với lối tư duy huyền ảo, kỳ bí, tạo nên tính chất bí ẩn lôi cuốn cho tác phẩm.
Như lời dịch giả Dương Tường khi chuyển ngữ tác phẩm ra tiếng Việt, đã nói: “Điểm mạnh của Cái trống thiếc theo tôi là ở tính hòa sắc kỳ ảo trong văn chương với nhiều yếu tố bất ngờ. Với giới cầm bút nước ta, đây là một gợi ý rất lớn cho việc tiếp cận, mổ xẻ và chuyển hóa hiện thực. Tuy nhiên, với bạn đọc Việt Nam, tôi e sách sẽ bị coi là hơi khó đọc, nhưng nếu đọc được, chắc chắn các bạn sẽ thích.”
Quả thực, độc giả phải dành rất nhiều sức lực và tâm trí để khai phá Cái trống thiếc, và rồi sẽ phải nghiêng mình thán phục trước người đã tái hiện “gương mặt bị quên lãng của lịch sử”, như lời khen tặng của Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel Văn học cho Gunter Grass năm 1999.
Cái trống thiếc đã từng bị kết tội là khiêu dâm và báng bổ. Tuy nhiên, ngay trong năm ra đời, nó đã được tặng giải thưởng của “Nhóm 47”; năm 1979 được quay thành phim và nhận giải Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes và giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất.
Văn hào Gunter Grass là một bộ óc uyên bác. Ông đã học hội họa và điêu khắc chính quy ở Viện Nghệ thuật Düsseldorf (Kunstakademie Düsseldorf), sau đó học tiếp tại Đại học Mỹ thuật Berlin (Universität der Künste Berlin). Ngoài ra, ông còn là một tay trống cừ khôi.
Sau khi kết thúc Cái trống thiếc, Grass đã thử nhiều cách kể chuyện khác nhau. Kết quả là những cuốn tiểu thuyết như Cat and Mouse (Mèo và chuột), Dog Years (Những năm chó). Cá nhân ông coi Những năm chó là một đỉnh cao ngang với Cái trống thiếc, nhưng thực sự, chưa có thêm một tác phẩm nào đạt được thành công như tác phẩm này.
Günter Grass được coi như đã lần thứ hai khai sinh ra nền tiểu thuyết Đức thế kỷ XX. Ông qua đời ngày 13/4/2015 tại thành phố Lübeck của Đức.
Trạm Đọc
Theo Zing