Bài viết mách bạn cách cải thiện vốn từ dựa trên Thuyết đầu vào – Input Hypothesis. Cách này giúp bạn khắc phục tình trạng nhớ nhớ quên quên khi học từ vựng mới.
Hiểu đơn giản về thuyết đầu vào – Input Hypothesis:
Giả thiết Đầu vào (Input Hypothesis) của Krashen cho rằng, 4 kỹ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết được chia ra làm 2 loại Input (đầu vào) và Output (đầu ra):
- Input (Bao gồm Nghe và Đọc): Việc nghe âm thanh và đọc/nhìn chữ viết/hình ảnh của ngôn ngữ sẽ nạp cho não bộ thông tin (câu, từ, hình ảnh, âm thanh…).
- Output (Bao gồm Nói và Viết): Khi muốn nói hay viết một điều gì, não bạn sẽ tìm kiếm các thông tin phù hợp với ý nghĩa muốn biểu đạt để bắt chước. Sau đó, xuất ra qua lời nói hoặc chữ viết.
=> Input càng nhiều và chất lượng, Output càng vip. Muốn nói tốt, phải nghe nhiều, muốn viết tốt, phải đọc nhiều.
Input: nghe và đọc như thế nào cho hiệu quả?
- Nghe: Chúng ta cũng thường nhớ từ qua bài hát (thuộc lời) dễ hơn khi đọc sách. Vì vậy, để tận dụng điều này, hãy lựa chọn những bài hát có lời hay ý đẹp để nghe. Bạn cũng có thể nghe những nội dung khác tùy sở thích như podcast. Trong lúc nghe, đừng chỉ nghe, chúng ta nên phân tích cái hay trong cách dùng từ để dễ bắt chước dùng theo.
Ví dụ: Mình phân tích ca từ của bài hát “Nước ngoài” – Phan Mạnh Quỳnh:
Câu “Vì con đi kiếm đồng tiền cho thôi ngày sau bần tiện
Nên xin mẹ chớ buồn phiền”
=> Từ “bần tiện” nghĩa là “nghèo hèn” (bần: nghèo; tiện: thấp hèn). Từ “bần tiện” dùng trong câu hát này mang sắc thái xưa cũ, phần nào nói nên sự trăn trở của người nói về cái nghèo của chính mình. Như vậy, chúng ta vừa học thêm được một từ mới cũng chỉ cái nghèo.
Phan Mạnh Quỳnh cũng dùng một loạt từ gợi tả cuộc sống và tâm trạng của một chàng thanh niên xa xứ: chơi vơi, hoang mang, mệt nhoài,… => Học từ vựng cần lưu ý đến cách dùng từ đa dạng như vậy. Ví dụ, viết về nỗi buồn, không thể từ đầu đến cuối bài chỉ dùng từ “buồn bã” đúng không nào? Một số từ khác về nỗi buồn như: ủ rũ, ỉu xìu, ảm đạm, âm u…Chúng diễn tả được nhiều sắc thái nỗi buồn của người/vật/cảnh hơn hẳn từ “buồn bã”.
- Đọc: Hãy lựa chọn những nội dung khiến bạn yêu thích, hứng thú, say mê để đọc. Khi đọc những điều mình yêu thích, chúng ta tập trung hơn hẳn. Điều này tốt cho việc ghi nhớ từ vựng.
Ví dụ: Khi đọc về tâm lý – xã hội (chủ đề mình thích), mình dễ ghi nhớ thông tin hơn hẳn so với chủ đề địa lý, lịch sử => những thông tin này được thể hiện qua từ ngữ => nhớ từ vựng.
- Cách ghi chép: không nên ghi chép từ một cách rời rạc mà nên ghi kèm câu chứa từ đó. Gắn từ vào ngữ cảnh giúp chúng ta thực sự hiểu từ chứ không chỉ học vẹt. Nếu chỉ ghi chép từ lẻ tẻ thì một thời gian sau, khi đọc lại, bạn sẽ nhớ nhớ quên quên cách dùng từ ngay. Hơn nữa, Input rời rạc thì thật khó để Output có thể liền mạch vì chúng liên quan mật thiết với nhau.
Output: làm thế nào để biến “từ của người ta” thành “từ của mình”?
- Nói:
Mình thường áp dụng từ mình mới học được vào cuộc nói chuyện với bạn bè, người thân. Đôi khi, họ không hiểu từ mình dùng. Lúc đó, mình thường giải thích lại nghĩa của từ. Mỗi lần giải thích như vậy cũng là một lần chúng ta học và nhớ từ đó các bạn. Ngôn ngữ là một thứ “sống”. Vì vậy, hãy áp dụng ngay vào cuộc sống của mình.
- Viết:
Mình thường thay những từ đã dùng nhiều lần bằng từ mới đồng nghĩa.
Khi sử dụng từ đồng nghĩa cần lưu ý: dù các từ có cùng một (vài) nét nghĩa nhưng chúng khác nhau về sắc thái. Vì vậy, lưu tâm đến sắc thái của từ giúp bạn dùng từ phù hợp với bài viết hơn.
Ví dụ: “chết” và “hy sinh” cùng chỉ về “chấm dứt sự sống” nhưng “hy sinh” mang sắc thái trang trọng hơn. Nếu dùng “Bác hàng xóm mới hy sinh tối qua.” thì sắc thái từ “hy sinh” không hợp với câu. Còn dùng “Bộ đội ta đã hy sinh anh dũng trong trận chiến đó.” thì hoàn toàn phù hợp.
Lưu ý: Chúng ta thường chủ quan với những từ mình đã sử dụng nhiều (hoặc nhiều người dùng) vì nghĩ “Chắc dùng vậy là đúng rồi.”. Điều này khiến ta lười tra từ phổ biến đó và ngã ngửa khi biết mình dùng sai.
Ví dụ: Nhiều người hay dùng “nghe phong phanh” để chỉ việc nghe một chuyện không rõ đầu đuôi. Nhưng “nghe phong thanh” mới đúng.
“Phong phanh” là một từ láy thuần Việt, có nghĩa là “mỏng manh và ít, không đủ ấm”. Còn “phong thanh” là một từ ghép gốc Hán, trong đó, phong có nghĩa là “gió”, thanh nghĩa là “tiếng”. “Phong thanh” có thể hiểu là “tiếng gió”. Trong tiếng Việt, từ ghép này có nghĩa là “thoáng nghe được, thoáng biết được, chưa lấy gì làm chắc lắm”. (theo Th.S Phạm Tuấn Vũ)
Vì vậy, ngay cả từ hay dùng cũng tra lại cho chắc nhé bạn!
Trên đây là cách cải thiện vốn từ của mình. Còn bạn thì sao? Cách bạn trau dồi vốn từ là gì? Hãy bình luận nhé!
Hồng Vân – Một đám mây hồng mặn mẽ
Tham khảo: Thuyết Hấp Thụ Ngôn Ngữ (Phần 2) – Second Language Acquisition (Part 2) – Simple English