CÁI KẾT CỦA NHÀ CHINH PHẠT VĨ ĐẠI CUỐI CÙNG Ở CHÂU Á – NADER SHAH
*he he, tìm được nhân vật hay kéo về đổi gió tí. Anh em hiểu biết gì về ông này cứ chém nhé.
Thành Cát Tư Hãn có lẽ là một trong số ít các nhà chinh phục vĩ đại có cái kết cuộc đời tương đối dễ chịu. Julius Ceasar, Alexandre Đại Đế, Napoleon Bonaparte hay nhiều cái tên khác không may mắn như vậy. Trong số những Hoàng đế đứng đầu các đế chế rộng lớn, Nader Shah của Ba Tư có lẽ là cái tên nhận kết cục bi thảm nhất. Nader Shah đã chết vì bị chính những người thân cận của mình ám sát một cách công khai dù đang ở đỉnh cao của danh vọng.
Nader Shah là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất Châu Á cận đại. Ông vực dậy vùng đất quê hương ở Ba Tư từ một quốc gia đứng trước bờ vực suy tàn trong những ngày cuối cùng của vương triều Safavid, trở thành một Đế chế rộng khắp Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung và Nam Á. Ông đẩy lùi Vương triều Hotak của người Afghanistan tới tận Kandahar, để rồi hủy diệt hoàn toàn họ tại đây. Tiếp sau đó, lãnh thổ Ba Tư ngày càng được ông mở rộng bằng các chiến dịch thành công trước Đế quốc Mogul ở Nam Á, Khả Hãn quốc Bukhara ở Trung Á, Đế chế Ottoman ở Tây Á. Trong thời đại của mình, Nader Shah là tướng lĩnh tài năng nhất. Sau cùng, ông lên ngôi “shah” (từ dùng để gọi Hoàng đế) mới của Ba Tư khi lật đổ triều đại Safavid, đế chế Afsharid của ông tồn tại trong thời gian ngắn.
Song song với con đường thăng tiến quyền lực như vũ bão của ông là sự gia tăng mức độ hoang tưởng và tàn bạo. Hoàng đế Nader ngày một tàn bạo theo thời gian. Nhà cai trị tăng thuế lên mức rất cao để chi trả cho các chiến dịch của mình. Hậu quả là các cuộc khởi nghĩa diễn ra nhiều hơn, và Nader dập tắt chúng một cách vô cùng tàn nhẫn, chẳng hạn như việc cho dựng một tòa tháp sọ người như thần tượng Timur của ông ta từng làm. Ông thậm chí còn ra lệnh móc mắt con trai cả của mình, Reza Qoli Mirza Afshar, vì nghi ngờ anh này có liên quan tới vụ phục kích mình trước đó. Các biểu hiện bất ổn tâm lý của vị Hoàng đế này ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, người thân của Nader giờ cũng nằm ngoài vòng an toàn, kẻ thù của ông ngày một gia tăng, trong đó có cả những người trước đây là bề tôi trung thành. Sau cùng, chẳng ai còn đặt lòng tin vào vị shah điên loạn, kể cả gia đình của ngài.
Năm 1747, Nader lên đường đến Khorasan để đàn áp cuộc nổi loạn do cháu trai ông, Ali Qoli, người sau này trở thành shah kế nhiệm cầm đầu. Trạng thái tinh thần không ổn định, sự đa nghi và hoang tưởng của ông khiến nhiều sĩ quan dưới quyền Nader sợ hãi bỏ đi, và hợp tác với phe địch. Các hình phạt vô lí của vị shah hung bạo cũng góp phần thúc đẩy tâm lý muốn làm phản của họ hơn.
Nader Shah nghi ngờ Saleh Khan, đốc công làm việc cho gia đình và Mohammad Qoli Khan Qereqlu, đội trưởng đội cận vệ là những kẻ cố liên lạc với Ali Qoli, cũng như nhiều sĩ quan khác đang có ý làm phản. Ông lập tức triển khai một kế hoạch thanh trừng nội bộ bằng ý tưởng sử dụng các sĩ quan không phải người Ba Tư. Nader giao nhiệm vụ này cho Ahmad Khan Adbali, một chỉ huy trẻ người Afghanistan, mang ơn Nader khi được giải cứu khỏi nhà ngục Herat. Adbali có trong tay một đội kỵ binh riêng gồm 4,000 thành viên người Adbali rất thiện chiến. Nader Shah nói rõ mối nghi ngờ giành cho các sĩ quan dưới trướng mình, yêu cầu Ahmad dẫn theo đội kỵ binh của mình vào sáng mai, bắt giữ tất cả những kẻ tình nghi, và giết chúng nếu cần thiết. Ahmad Khan Adbali trung thành và đã thề giữ kín kế hoạch cho tới sáng ngày mai, nhưng không may có người đã nghe lỏm được kế hoạch và đem tin này tới cho các sĩ quan bị tình nghi, trong đó có Saleh Khan và Mohammad Qoli Khan. Họ biết sẽ chẳng có bất cứ cơ hội nào để bào chữa trước vị vua điên và họ cũng còn rất ít thời gian trước khi trời sáng, họ phải hành động trước. Vậy là, khoảng 70 thành viên được tập hợp nhanh chóng tham gia vào âm mưu sát hại Hoàng đế. Nhóm này gồm những người dự kiến sẽ bị bắt vào ngày mai, họ gấp rút lên và thực hiện kế hoạch của mình trước khi đoàn kỵ binh Afghanistan ập đến.
Đêm ngày 20/6/1747, đêm xảy ra sự kiện. Đám sát thủ tụ tập ngoài lều của Nader, nơi ông đang say giấc với sủng phi Chuki. Hầu hết chúng không dám đột nhập, khi một nhóm dẫn đầu bởi Mohammad Qoli Khan và Saleh Khan dứt khoát đột kích vào trại, chúng giết một hoạt quan trước khi làm Nader thức giấc. Những diễn biến tiếp theo được nhân chứng Chuki kể lại và được bác sĩ Pere Louis Bazin tường thuật ngay khi Nader qua đời:
“Khoảng mười lăm người nóng lòng muốn thực hiện âm mưu hoặc là những kẻ đến trước hẹn để nhận mặt nhau đã đứng tại địa điểm trước thời gian ấn định ban đầu. Đám người ập vào lều hoàng gia, xô đổ mọi trướng ngại vật và nhanh chóng vào buồng ngủ của quân vương. Tiếng ồn mà chúng gây ra làm ông ấy thức giấc và hỏi to: “Ai đến đó?”. Ngay sau đó, ông nhanh chóng nhận ran guy hiểm và thét: “Kiếm của ta. Mang kiếm tới cho ta”. Vài tên sát thủ trở nên sợ hãi, và đã toan bỏ chạy. Trước khi hai kẻ thủ lĩnh vực lại tinh thần của chúng bằng cách can đảm xông lên phía trước. Nader Shah lúc này thậm chí còn chưa kịp mặc quần áo, Muhammad Qoli Khan nhảy vào trước, tấn công ông bằng một nhát kiếm chính xác khiến ông quỵ xuống đất. Hai hoặc ba tên thủ thế tiếp sau gã đầu lĩnh. Lúc này, vị quân vương đã quá yếu để có thể đứng lên chiến đấu, ông chỉ có thể kêu lên: “Tại sao các người lại muốn giết ta chứ? Chẳng phải các người rồi sẽ cũng sẽ cùng hưởng tất cả những gì ta có hay sao?”. Ông vẫn khẩn khoản van nài trước khi Saleh Khan tiến tới phía trước, vung kiếm lấy đầu ông, và cả thân thể ông nằm gọn trong tay một tên lính đang chờ sẵn. Vị vua giàu có nhất thế giới đã kết thúc như thế đấy.”
Về phần anh chàng Ahmad Khan Adbali, anh nghe tin về cái chết của Hoàng đế từ trước khi lên ngựa nhưng vẫn chưa tin lắm. Anh quyết định dẫn binh đoàn của mình, bất chấp nguy cơ giao tranh, tiến về phía doanh trại của Nader để cứu nhà vua. Nhưng tới lều của Hoàng đế thì chỉ còn trơ trọi một chiếc đầu bị chặt. Những người Adbali trung thành đã khó lóc thảm thiết trước cái chết của vị lãnh tụ, và quyết định trở về Kandahar. Trên hành trình này, những người Adbali tôn Ahmad Khan lên làm thủ lĩnh của họ, người sau này trở thành Ahmad Shah lừng danh, nhà khai quốc của Đế quốc Durrani, tiền thân của Afghanistan ngày nay.
Điều thú vị về vụ ám sát này là có khá ít nguồn khẳng định sự liên quan của người cháu Adil Shah trong âm mưu sát hại chú mình. Hay có thật sự Mohammad Qoli Khan Qereqlu và Saleh Khan là những kẻ phản bội không, hay tất cả chỉ là sự hoang tưởng thái quá của Nader Shah dựng lên? Rốt cuộc kết cục của người được gọi là “Napoleon của Ba Tư” là do yếu tố khách quan gây nên hay đơn thuần do chính phản ứng chủ quan của ông gây nên?