cai-gia-cua-bao-luc

Cái giá của bạo lực

Và nguyên nhân của toàn bộ bi kịch này, nếu đúng như những gì Cao Văn Hùng khai, xuất phát từ việc kẻ này bị người của quán đánh đập do quên không mang 50.000 đồng trả cho bao thuốc lá.

Việc trả thù xuất phát từ một ấm ức, mâu thuẫn, va chạm, xung đột… không phải là điều hiếm thấy trong xã hội. Trên Facebook, nhóm OFFB với 1,4 triệu thành viên thường xuyên nhận được những bài đăng liên quan đến những hành vi bạo lực khi va chạm xe. Mới đây, tại Bình Phước, một tài xế xe tải khi đang dừng đèn đỏ đã bị một người đàn ông đi xe bán tải nhảy lên cabin đánh đập liên tiếp, do cho rằng xe của mình bị “ép” bởi tài xế xe tải.

Trước đó, ở cổng Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), do yêu cầu xe ô tô di chuyển để nhường đường cho xe mô tô lưu thông, một người đàn ông đang chở con đi học bằng xe mô tô đã bị chủ xe ô tô xuống xe đấm liên tục vào mặt và đầu, gây thương tích. 

Và còn nhiều nữa những ví dụ không thể đếm nổi về những vụ việc đáng tiếc nảy sinh từ mâu thuẫn, va chạm, không phải chỉ giữa những người xa lạ như các trường hợp kể trên, mà kể cả giữa hàng xóm láng giềng, bạn bè trong lớp, hay thậm chí những người thân thích…

Vụ phóng hỏa quán hát cho nhau nghe làm 11 người tử vong: Cái giá của bạo lực- Ảnh 1.

Đối tượng Cao Văn Hùng, người đã phóng hỏa quán Hát cho nhau nghe ở đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) làm 11 người tử vong. Ảnh: CAHN

Nhiều năm qua, Bộ Công an đã thống kê đa số các vụ giết người đều có nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt, cụ thể như mâu thuẫn khi tham gia giao thông, rượu bia, giải trí; mâu thuẫn tích tụ lâu dài trong cuộc sống hằng ngày như tranh chấp, nợ nần; mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, đôi lứa…[1]

Lựa chọn bạo lực để giải quyết thù tức cá nhân, về lý thì ai cũng hiểu là sai, nhưng trên thực tế có không ít người vẫn phạm phải. Tại sao lại như vậy?

Kẻ phóng hoả quán cafe bị đánh đập đau đớn về thể xác nên trả thù. Kẻ đi xe bán tải ở Bình Phước vì nghĩ mình bị ép xe vô lý nên đánh người. Kẻ đi ô tô ở TP.HCM vì bị trách gây cản trở giao thông mà phản ứng bằng bạo lực. Dường như ai cũng có lý do để bùng phát sự “cả giận mất khôn” của mình.

Từ năm 1939, nhà tâm lý học Dollard và cộng sự (Đại học Yale) đã nghiên cứu Giả thuyết Thất vọng – Hung hăng (Frustration-Aggression Hypothesis), kết luận rằng sự thất vọng là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi hung hăng. 

Qua thời gian, nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, bổ sung học thuyết này, và mới đây nhất là nghiên cứu của Arie W. Kruglanski và cộng sự (2023) đưa ra kết luận: Hành vi hung hăng, gây hấn sẽ bị kích thích nếu người ta cảm thấy bị xâm phạm ý nghĩa và giá trị của bản thân. Con người sẽ có mong muốn chứng minh ý nghĩa và giá trị bản thân mình qua sự thống trị và quyền lực lên kẻ khác.

Nghiên cứu của Anderson và Bushman (2002) đã liệt kê một danh sách các nhu cầu mà khi bị cản trở thường kích thích hành vi hung hăng, bao gồm: “Nhu cầu nhìn nhận bản thân tích cực (tự tôn); tin rằng người khác nhìn nhận bản thân mình tích cực (tôn trọng xã hội); tin rằng thế giới là một nơi công bằng, nếu không phải ở đây thì ở một nơi nào đó khác; thuộc về một nhóm xã hội; và nhìn nhận nhóm của mình một cách tích cực (tôn trọng nhóm)” [2].

Trước một số cơ sở khoa học như trên, dễ hiểu vì sao có những hành động bạo lực và mất nhân tính như vậy. Nhưng rõ ràng, ngay cả khi có nguyên do để hành vi bạo lực bùng phát, thì không phải ai trong xã hội cũng trở thành côn đồ. 

Nguyên nhân của sự kiềm chế, không lựa chọn hành vi bạo lực, theo quan sát cá nhân, có thể do một trong các yếu tố sau: (1) Tính cách của chủ thể nhận thức có xu hướng ôn hoà, điềm đạm, (2) Nhận thức của chủ thể về hậu quả có thể xảy đến nếu hành động bạo lực, hung hăng diễn ra, (3) Không có những yếu tố tiêu cực bên ngoài kích thích.

Trong ba yếu tố trên, yếu tố thứ 3 mang tính khách quan, còn hai yếu tố đầu tiên hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự chủ của mỗi cá nhân. Nhưng dù là tính cách hay nhận thức, thì nó chỉ có thể đạt được nếu được trui rèn qua thời gian, trong nhiều môi trường và liên tục rút ra các bài học kinh nghiệm để cải thiện. 

Vụ phóng hỏa quán hát cho nhau nghe làm 11 người tử vong: Cái giá của bạo lực- Ảnh 2.

Tác giả bài viết, TS Nguyễn Nga Huyền – Giảng viên Đai học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: DV

Trong vụ việc phóng hoả mới đây, kẻ từng có 2 tiền án về “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản” không phải chưa từng “nếm mùi” pháp luật, nhưng nhận thức của gã về hậu quả của hoả hoạn (có thể làm nhiều người chết) thì quá ngây ngô, đến mức chính gã cũng bị ngọn lửa bùng lên vào người khi để xăng dính lên quần áo. Tương tự, nếu nhận thức được đầy đủ về hậu quả của việc hành hung người khác, chắc hẳn 2 tài xế trên sẽ suy nghĩ lại trước khi ra tay.

Kẻ say rượu đánh tài xế xe tải đã bị Công an TP Đồng Xoài (Bình Phước) tạm giữ hình sự với cáo buộc gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 1 (TP.HCM) cũng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với tài xế đánh người đi mô tô để điều tra về tội cố ý gây thương tích. 

Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Cao Văn Hùng về tội Giết người. Đối với tội danh này, theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Giá như Cao Văn Hùng để pháp luật xử lý kẻ đã đánh mình trong quán cafe chứ không tự tay giải quyết một cách hết sức manh động và côn đồ như vậy. Giá như hắn giữ bình tĩnh và báo cáo chính quyền như hai nạn nhân trong 2 vụ việc va chạm trong quá trình tham gia giao thông kể trên, thì giờ đây, kẻ ngồi sau song sắt không phải là hắn. 

Nhưng hai chữ “giá như” trong trường hợp này đã có một cái giá quá đắt. Bạo lực đã phải trả bằng một cái giá vô cùng đắt. Không chỉ là sinh mạng của 11 con người ngày hôm đó mà còn là nỗi đau dai dẳng kéo dài nhiều năm về sau của ngần ấy gia đình…

Nếu đạo đức con người không tự giác làm điều đúng đắn, thì pháp luật sinh ra là để điều chỉnh. Nhưng tiếc là có những người nhận ra điều ấy khi đã quá muộn!

[1] https://vov.vn/phap-luat/phan-lon-cac-vu-an-mang-do-boc-phat-nen-kho-khan-trong-cong-tac-phong-ngua-post1060978.vov

[2] Anderson, C. A., & Bushman, B. J. (2002). Human aggression. Annual Review of Psychology, 53 (1), 27–51.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *